Khu xuất nhập hàng lọc dầu Dung Quất: Để khách hàng hài lòng

Thảo luận trong 'Văn hóa Doanh nghiệp' bắt đầu bởi Oil Gas Vietnam, 15/3/17.

  1. Oil Gas Vietnam
    Offline

    Oil Gas Vietnam Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    13,587
    Đã được thích:
    114
    Điểm thành tích:
    63
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Bà Rịa - Vũng Tàu
    Với đặc thù nơi lưu trữ, xuất bán khối lượng lớn sản phẩm nguy cơ cháy nổ cao, cần quy trình bảo vệ nghiêm ngặt như xăng dầu, khu xuất bán sản phẩm bằng đường bộ của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất được thiết kế hiện đại như sân bay thu nhỏ. Ngoài giữ an toàn tuyệt đối, cán bộ, công nhân viên làm việc tại đây luôn tìm tòi giải pháp khoa học kỹ thuật để tăng công suất xuất bán sản phẩm. Đồng thời nâng cao văn hóa phục vụ để làm hài lòng mọi khách hàng khi đến với Dung Quất.

    Khắt khe như kiểm tra an ninh hàng không

    Để nhận hàng tại trạm xuất xe bồn, lái xe của khách hàng khi đến Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, với các bước kiểm tra an ninh, an toàn chặt chẽ. Bước kiểm tra an ninh, đầu tiên tại bãi đậu xe bên ngoài. Qua được bước này, từng xe di chuyển qua cổng đều tiếp tục được kiểm tra điều kiện vận hành của xe như độ sạch hầm hàng, nồng độ khí cháy nổ trong hầm…

    [​IMG]
    Lái xe xuống xe và đi vào phòng điều khiển xuất hàng để làm thủ tục nhận hàng. Mỗi lái xe được nhân viên cấp cho một chìa khóa đặc biệt (Loadkey) với một mã code riêng lưu trữ các thông tin về chuyến hàng và bảng hướng dẫn nhận hàng trong khu vực. Sau đó, lái xe di chuyển phương tiện đến vị trí thực hiện cân xe để thực hiện cân xe trước xuất. Việc cân xe được thực hiện tự động bằng cách đưa Loadkey vào bảng giao diện cân.

    Xe cân xong, số liệu sẽ được truyền về trung tâm điều khiển. Xe vào khu vực chờ nhận hàng theo làn đường và tín hiệu đèn giao thông tương ứng. Ở đây lái xe phải tuân thủ mọi sự chỉ huy của nhân viên vận hành khu vực xuất hàng. Nhân viên vận hành hướng dẫn lái xe di chuyển vào vị trí đỗ ở bến xuất chỉ định, tắt máy, khóa phanh tay, chêm bánh xe và kẹp tiếp địa vào vị trí được chỉ định trên thân xe, bàn giao chìa khóa xe và Loadkey. Sau khi thực hiện công tác chuẩn bị, nhân viên vận hành nhấn Loadkey vào giao diện thiết bị trên giàn xuất tương ứng để kiểm tra các thông tin và tiến hành xuất hàng.

    Bồn đầy hàng, xe đưa đón trở lại vị trí cân để cân lượng hàng đã xuất. Lái xe trả lại Loadkey, thực hiện lấy mẫu, niêm phong và kiểm tra lần cuối trước khi rời trạm. Một chu trình nhận hàng của một xe bồn thông thường mất khoảng 30-40 phút (tùy theo lượng hàng nhận của mỗi xe).

    Để thuận lợi cho lái xe di chuyển trong khu vực trạm xuất xe bồn, BSR sơn kẻ vạch đường và bảng chỉ dẫn, biển báo giao thông như những đường băng trong sân bay. Thông qua hệ thống chỉ dẫn đường bộ, việc lái xe di chuyển đến các vị trí theo lộ trình và đậu xe an toàn, phòng tránh hoàn toàn khả năng va chạm giữa các xe bồn.

    Để phục vụ cho xe bồn vào nhập hàng, hơn chục kỹ sư, công nhân được chia làm 2 nhóm làm việc. Kỹ sư Mai Hữu Duy, Trưởng ca khu vực xuất hàng bằng đường bộ đọc vanh vách quy trình xuất hàng ở đây. Thực tế, khu xuất hàng bằng đường bộ được xây dựng và thiết kế y hệt một sân bay nhỏ với đầy đủ khu đỗ, khu chờ, khu nhận hàng và khu cân.

    Mỗi ngày có khoảng 50 lượt xe với cả nghìn mét khối sản phẩm các loại được xuất bán cho đối tác. Trung bình một ngày, NMLD Dung Quất xuất bằng đường bộ khoảng 900m3 dầu diesel (DO); 450m3 nhiên liệu phản lực Jet - A1, 150m3 xăng RON 95 và 100m3 xăng RON 92.

    Tiết giảm chi phí và thời gian

    Năm qua, không chỉ đảm bảo việc xuất hàng kịp thời, an toàn, kỹ sư khu vực xuất xe bồn còn có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng công suất xuất bán sản phẩm nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Đồng thời nâng cao hiệu quả kinh doanh của NMLD Dung Quất.

    Hiện tại có một số sáng kiến đã được áp dụng như: Cải hoán để bổ sung thêm 1 cần xuất DO (053-FQIC-010) tăng công suất xuất DO đường bộ; Chuyển đổi cần xuất từ sắt sang vật liệu nhôm để chống tĩnh điện, lắp đặt hệ thống thu hồi hơi xăng để đảm bảo an toàn tại trạm xuất. Sơn cách nhiệt đường ống xăng RON 92, xăng RON 95 để giảm nhiệt độ xăng khi xuất; Sơn phản quang vạch kẻ đường để hướng dẫn giao thông thuận tiện tại trạm xuất.

    Trong những sáng kiến ấy, sáng kiến “Cải hoán tuyến ống dẫn sản phẩm DO và hệ thống đồng hồ đo sản phẩm xăng RON 95 hiện hữu để xuất bán thêm DO tại trạm xuất xe bồn BSR” đã góp phần tăng lượng sản phẩm DO xuất bán, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường xăng dầu ngày càng tăng.

    Hiện tại khu vực trạm xuất xe bồn việc xuất hàng được thực hiện vào ban ngày với thời gian làm việc 12 giờ/ngày. Công suất thiết kế ban đầu của trạm xuất xe bồn cho 2 sản phẩm xăng RON 95 và DO là khoảng 700m3/ngày/sản phẩm với 4 cần xuất hoạt động liên tục, trong khi đó, nhu cầu của khách hàng đối với xăng RON 95 thực tế chỉ đạt khoảng 130-170m3/ngày và sản phẩm DO 900m3/ngày (cao hơn thiết kế khoảng 200m3/ngày) và nhu cầu càng ngày càng cao. Như vậy, việc cải hoán để tăng cường năng lực xuất hàng đối với dầu DO nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng là cần thiết và tiêu chí của việc cải hoán là chi phí phải thấp, thời gian thực hiện nhanh nhưng phải đảm bảo độ linh động công nghệ. Trên cơ sở nghiên cứu công nghệ hiện hữu, chỉ cần bổ sung thêm đường ống, van và cấu hình lại hệ thống đồng hồ đo xăng RON 95 là hoàn toàn có thể xuất sản phẩm DO. Khi hoàn thành, hệ thống sẽ xuất cùng lúc 3 cần xuất DO, sử dụng đồng thời 2 bơm xuất DO cho xe bồn.

    Theo kỹ sư Trần Quang Doanh, với việc cải hoán này đã đáp ứng khối lượng DO xuất bán thêm cho khách hàng khoảng 250-300m3/ngày. Như vậy, lợi ích mang lại tối thiểu cho BSR là 339.649,77USD/năm - tương đương làm lợi gần 7,5 tỉ đồng/năm.

    Ngoài ra, sáng kiến “Xuất sản phẩm xăng RON 92 và dầu DO đồng thời qua tàu và xe bồn” là một trong những giải pháp hữu ích được áp dụng tại khu vực xuất xe bồn.

    Theo tính toán sơ bộ, khi xuất sản phẩm xăng RON 92 hoặc DO ra tàu cỡ 30.000m3, các bơm xuất sản phẩm đường biển hoạt động hết công suất, tính cả thời gian đấu nối hệ thống, kiểm tra đo đạc… tổng thời gian hết 11 giờ. Với chừng ấy thời gian, hệ thống xuất xe bồn có thể bơm hàng cho 70 xe (mỗi xe có dung tích 20m3). Trước kia, hệ thống xuất bằng đường biển và đường bộ không thể xuất đồng thời. Nếu đang xuất sản phẩm bằng đường bộ thì tàu biển phải chờ neo và ngược lại, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc điều độ xuất bán sản phẩm và tạo tâm lí chờ đợi của khách hàng khi nhận hàng tại BSR.

    Theo tác giả sáng kiến - kỹ sư Nguyễn Mạnh Thịnh, Ban Nghiên cứu Phát triển BSR thì việc đầu tư bổ sung đường bơm hút độc lập cho các bơm xuất sản phẩm qua xe bồn là rất cần thiết và cấp bách. Khi hệ thống được đầu tư hoàn chỉnh sẽ giúp cho việc xuất sản phẩm được thông suốt, tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả BSR và doanh nghiệp mua hàng. Công trình bổ sung các bơm xuất hàng xăng RON 92 và DO cho xe bồn đã được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013. Sáng kiến này đã tránh được sự lãng phí thiết bị xuất xăng RON 92 và dầu DO ở trạm xuất xe bồn với giá trị ước tính khoảng 37 tỉ đồng. Theo tính toán, nếu xuất xe bồn với công suất 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần thì BSR thu lợi thêm khoảng 5,8 tỉ đồng/năm.

    Trong năm 2017, một số hạng mục khác cũng sẽ được thực hiện như: Tăng lưu lượng xuất hàng để tăng công suất trạm xuất lên 110% (cho tất cả các sản phẩm); Cải hoán hệ thống đường hút xăng RON 95 để xuất đồng thời với tàu biển.

    Ngoài việc đảm bảo nhu cầu nhập hàng của đối tác, tại khu vực trạm xuất xe bồn, kỹ sư, cán bộ nhà máy đẩy mạnh việc nâng cao văn hóa an toàn, văn hóa phục vụ khách hàng. Nhà máy trang bị nhà chờ để lái xe của khách hàng nghỉ ngơi trong lúc chờ xuất, nhập hàng.

    “Trong thời gian chờ xuất nhập hàng, BSR bố trí nhà chờ, căng-tin để họ nghỉ ngơi thoải mái. Chúng tôi không chỉ đáp ứng nhu cầu về số lượng hàng hóa xuất bán mỗi ngày mà còn tạo ra niềm vui, sự hài lòng cho mỗi khách hàng bằng những cử chỉ phục vụ tốt nhất có thể”, kỹ sư Trần Quang Doanh cho biết.

    Đức Chính - PVN​
     

Chia sẻ trang này