Kinh doanh khí không dễ

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Bộ Công Thương đã gửi dự thảo nghị định về kinh doanh khí (sửa đổi) để các bộ, ngành góp ý trước khi trình Chính phủ ban hành. Vẫn biết đây là lĩnh vực kinh doanh có nhiều yếu tố đặc thù nhưng những điều kiện kinh doanh mà Bộ Công Thương đặt ra trong dự thảo này có thể sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh khí.

Thị trường kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) hay còn gọi là gas hiện được quản lý bởi Nghị định số 107/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này đang được sửa đổi do cần bổ sung thêm hai loại khí mới là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG)...


Đối với LNG, theo dự kiến, Việt Nam sẽ nhập khẩu, xây dựng các cảng, kho chứa và tái hóa khí nhằm nâng cao khả năng cung cấp khí cho nhu cầu trong nước. Đầu mối kinh doanh lớn nhất trên thị trường là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đang triển khai hai dự án: xây dựng cảng tiếp nhận tàu chở LNG tại Bà Rịa - Vũng Tàu (công suất từ 1 đến 1,5 tỉ mét khối khí/năm) và dự án xây dựng kho cảng LNG tại Sơn Mỹ, Bình Thuận (công suất giai đoạn đầu 3,6 triệu tấn/năm).

CNG đã được một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại địa bàn miền Nam như Công ty cổ phần CNG Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Một số doanh nghiệp lớn khác đang đầu tư xây dựng các nhà máy tại Tiền Hải (Thái Bình) để cung cấp cho thị trường miền Bắc. Mặt hàng này chủ yếu bán cho các khách hàng sản xuất công nghiệp và phương tiện vận tải.

Tổng sản lượng khí tiêu thụ trên cả nước hiện chỉ khoảng trên 1,3 triệu tấn/năm nhưng có tới 80 doanh nghiệp đầu mối cùng kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, không đảm bảo an toàn. Thị trường vừa có những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường vừa có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ phát triển manh mún.

Trên thực tế, lĩnh vực kinh doanh này đang bị đánh giá là thiếu cạnh tranh. Trong khâu bán buôn, PV Gas hiện là đầu mối bán buôn lớn nhất cung cấp 90 tỉ mét khối khí cho các nhà máy điện đạm. Doanh nghiệp này sản xuất và kinh doanh 9 triệu tấn khí tại thị trường trong và ngoài nước, chiếm xấp xỉ 70% thị phần kinh doanh gas tại Việt Nam.

Để giảm bớt tình trạng thống lĩnh thị trường nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện kinh doanh an toàn khác, dự thảo nghị định nói trên đưa ra điều kiện về số chai LPG và kho chứa LPG cho thương nhân kinh doanh LPG đầu mối.

Số chai được giảm từ 300.000 chai xuống còn 100.000 chai. Tuy nhiên, theo tính toán của nhiều doanh nghiệp, cả nước hiện chỉ có khoảng 20 triệu chai LPG. Nếu quy định theo mức mới là 100.000 chai trở lên thì tối thiểu doanh nghiệp nhỏ nhất sẽ chiếm 0,5% thị phần toàn quốc. Đây là mức quy định cao và có thể làm giảm cạnh tranh trên thị trường, đồng thời hạn chế điều kiện gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới cho dù họ đáp ứng các yêu cầu khác.

Với đơn vị nhập khẩu khí, dự thảo nghị định yêu cầu phải có cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam theo các hình thức sở hữu, thuê ít nhất năm năm. Liệu có nên đặt ra điều kiện này? Doanh nghiệp sở hữu hay thuê cầu cảng với thời hạn bao lâu nên tùy họ quyết định. Vấn đề là khi xuất - nhập khẩu khí, họ phải có cầu cảng để làm việc này. Nếu bắt buộc với thời hạn như trên, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí, hạn chế khả năng gia nhập thị trường, làm giảm cạnh tranh và vô tình giúp các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường gia tăng cơ hội.

Một điều kiện khác trong dự thảo nghị định đang gây thắc mắc, là thương nhân xuất - nhập khẩu phải có tối thiểu 150.000 chai LPG thuộc sở hữu và hệ thống phân phối có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý. Như vậy có khác nào bắt buộc các thương nhân xuất - nhập khẩu khí phải đồng thời kinh doanh cả khâu phân phối?

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh, đây là hiện tượng liên kết dọc trong chuỗi cung ứng, thường không được khuyến khích. Kiểu như nhà sản xuất, nhâp khẩu bia lập ra các đại lý, công ty thương mại rồi đặt ra giá bán, đặt ra điều kiện kinh doanh trong hệ thống, điều đó có thể gây ra các hệ lụy như thống lĩnh thị trường, chuyển giá trong nội bộ... rất khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, quy định như dự thảo, điều kiện về chuỗi cung ứng chỉ đặt ra đối với doanh nghiệp nhập khẩu mà không đặt ra đối với nhà sản xuất LPG, thì không bình đẳng, vì cả hai chủ thể này đều đứng ở vị trí đầu trong chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.

Dự thảo còn có những quy định khác về điều kiện kinh doanh bị cho là không phù hợp như hạn chế số lượng hợp đồng đại lý mà một tổng đại lý hoặc đại lý được ký kết với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối. Theo đó, mỗi tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng tối đa với ba thương nhân đầu mối, mỗi đại lý chỉ được ký hợp đồng với một tổng đại lý hoặc ba thương nhân đầu mối. Quy định này sẽ dẫn đến nguy cơ vi phạm Luật Cạnh tranh khi luật này quy định: “Cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa dịch vụ, giới hạn sự phát triển của thị trường”. Nghị định 116 hướng dẫn luật này còn giải thích: “Giới hạn thị trường gây thiệt hại cho khách hàng là hành vi... chỉ mua hàng hóa, dịch vụ từ một hoặc một số nguồn cung nhất định”.

Mong muốn của các nhà quản lý là siết lại thị trường kinh doanh khí đang lộn xộn, khó kiểm soát, gây mất an toàn như thời gian qua. Tuy nhiên, việc chống hàng lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng phải được thực hiện bằng các biện pháp khác thay cho việc không quản được thì dựng lên rất nhiều điều kiện kinh doanh nhằm hạn chế quyền tự do kinh doanh, điều mà Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã nỗ lực xóa bỏ.

Theo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
 

Việc làm nổi bật

Top