Lại đề xuất quy định mới về quản lý LPG

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sau rất nhiều tranh cãi, góp ý từ các doanh nghiệp ngành khí hóa lỏng (LPG) với các bản dự thảo của nghị định thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP, Bộ Công Thương vừa tiếp tục có những đề xuất mới và khác so với trước đó để quản lý thị trường này. Quan điểm lần này là gia tăng các điều kiện về an toàn.

Trong bản dự thảo lần 6 của nghị định thay thế cho Nghị định 19, Bộ Công Thương đề xuất thương nhân xuất, nhập khẩu khí phải đáp ứng điều kiện về cầu cảng và bồn chứa khí. Cụ thể, thương nhân phải có cầu cảng hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 5 năm; có bồn chứa khí với tổng dung tích tối thiểu 3.000 m3 đối với LPG hoặc thuê của thương nhân kinh doanh khí tối thiểu 1 năm để tiếp nhận khí từ tàu.

So với bản dự thảo trước đây thì các điều kiện này chặt chẽ và cụ thể hơn. Còn so với Nghị định 19 thì…y nguyên.

637db_20170404_114848.jpg

Tuy nhiên, với trường hợp thương nhân xuất, nhập khẩu khí kinh doanh cả chai LPG thì dự thảo lần này bỏ qua các điều kiện về số lượng vỏ chai phải sở hữu vốn quy định trong Nghị định 19. Song yêu cầu phải có kho chứa đảm bảo về an toàn; có chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chai đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Trong khi đó, điều kiện đối với thương nhân sản xuất, chế biến khí thì được gia tăng hơn so với dự thảo lần trước cũng như Nghị định 19 về các yếu tố dây chuyền, máy móc thiết bị, phòng thử nghiệm chất lượng, huấn luyện lao động…

Đặc biệt, dự thảo mới lần này có sự thay đổi về phân cấp, định danh các đối tượng tham gia thị trường.

Theo đó, khái niệm thương nhân phân phối khí, tổng đại lý, đại lý được quy định trong Nghị định 19 không còn. Thay vào đó là thương nhân kinh doanh mua bán khí (các dự thảo trước gọi là thương nhân kinh doanh khí).

Trong phần giải thích từ ngữ, khái niệm này không được giải thích cụ thể nhưng đối tượng này cần đáp ứng nhiều các điều kiện như có bồn chứa khí đảm bảo; có hợp đồng mua bán khí với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hoặc thương nhân sản xuất, chế biến khí tối thiểu 1 năm…

Bình luận về đề xuất này với TBKTSG Online, đại diện một doanh nghiệp cho biết, họ chưa thực sự hiểu được dụng ý của cơ quan quản lý. “Đọc theo câu chữ thì sẽ hiểu là không còn tổng đại lý, đại lý. Vậy thì, thương nhân phân phối như chúng tôi không có quyền phân phối qua tổng đại lý như quy luật thị trường bao nhiêu năm qua hay sao? Và thương nhân phân phối cũng xếp ngang hàng với tổng đại lý hay sao”, đại diện này đặt câu hỏi.

Cũng theo dự thảo lần này thì phía dưới thương nhân kinh doanh mua bán khí chỉ còn cửa hàng bán lẻ và đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, huấn luyện người lao động; hợp đồng với thương nhân…

Như vậy, sau rất nhiều tranh cãi về Nghị định 19 cũng như các dự thảo thay thế trước đó, Bộ Công Thương đã phải có những điều chỉnh, thay đổi liên tục. Những động thái này cho thấy, công tác quản lý với thị trường gas không hề đơn giản và cơ quan chức năng cũng không dễ để hài hòa được tất cả các đối tượng.

Nhìn lại quá trình này, như TBKTSG Online đã đưa tin, có rất nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Ngay sau khi Nghị định 19, văn bản sửa đổi cho Nghị định 107 với việc giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh khí với thương nhân phân phối được ban hành hồi tháng 3 để có hiệu lực từ tháng 5-2016, cơ quan quản lý đã nhận được rất nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề.

Một bên là các doanh nghiệp nhỏ kiến nghị bỏ điều kiện kinh doanh vì không thể đáp ứng nổi về đầu tư vỏ bình, kho chứa. Phía còn lại là các doanh nghiệp lớn yêu cầu tuân thủ nghiêm túc theo Nghị định 19 khi họ đã từng đầu tư rất lớn từ trước để đáp ứng theo Nghị định 107.

Bộ Công Thương sau đó vào cuộc, tiếp nhận ý kiến hai phía và quyết tâm xây dựng một nghị định mới để thay thế. Thậm chí, để soạn thảo dự thảo nghị định thay thế, đơn vị này còn thành lập hẳn một Ban soạn thảo và Tổ biên tập nhằm rà soát, nghiên cứu và xây dựng dự thảo nghị định có sự tham gia của nhiều bên, từ đại diện của Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành đến Phòng Thương mại và Công nghiệp việt Nam (VCCI).

Các dự thảo lần lượt đưa ra lấy ý kiến. Và ở dự thảo trước dự thảo lần 6 nói trên, cơ quan chức năng tiếp tục nhận được ý kiến trái chiều từ doanh nghiệp. Ở dự thảo đó, cơ quan chức năng dự kiến bỏ hết các điều kiện vốn được quy định trong Nghị định 19. Rất nhiều doanh nghiệp ở phía Nam gọi sự cởi bỏ này như “cô gái cởi truồng” và lo lắng thị trường sẽ “loạn”.

Ngược lại, cũng có không ít ý kiến đồng tình và cho rằng như vậy là tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và phù hợp với quy luật vận hành của thị trường.

Trước những luồng ý kiến này, Bộ Công Thương cam kết sẽ ghi nhận và báo cáo cấp trên.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top