Làng Nga - Biểu tượng của tình hữu nghị

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
35 năm đã trôi qua, kể từ khi những người thợ dầu khí Liên Xô (trước đây), mà chủ yếu đến từ nước Nga, Bê-la-rút, A-déc-bai-gian… đặt chân đến TP Vũng Tàu. Làng Nga ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành một điểm nhấn văn hóa của thành phố biển, một biểu tượng của tình hữu nghị son sắt, thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam và LB Nga.

Trong những ngày qua, dư âm của Liên hoan ca nhạc với chủ đề Cánh buồm đỏ thắm vẫn còn đọng lại trong tâm trí của rất nhiều thiếu nhi đang sinh sống tại làng Nga, TP Vũng Tàu. Ðây là một trong rất nhiều hoạt động văn hóa - thể thao diễn ra trong năm 2017 do Công đoàn phía Nga trong Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro tổ chức. Liên hoan thu hút hơn 40 học sinh Trường học Tiểu khu 1 là con em của các cán bộ, kỹ sư người Nga và các em học sinh của Trường THCS Trần Phú, TP Vũng Tàu. Anh A.A-lếch-xan-đrơ, cán bộ phụ trách văn hóa Công đoàn phía Nga, cho biết: "Chúng tôi chọn chủ đề liên hoan là Cánh buồm đỏ thắm bởi thời thơ ấu, tất cả chúng ta, cả người Việt lẫn người Nga, đều đã từng đọc tác phẩm tuyệt vời Cánh buồm đỏ thắm của nhà văn A. Grin nói về niềm tin và hy vọng. Chúng tôi mong muốn qua liên hoan, các em, cả người Việt lẫn người Nga, sẽ tự tin hơn trong việc hun đúc và nuôi dưỡng những ước mơ, biến ước mơ thành hiện thực".

Làng Nga, đó là tên gọi thân thuộc người dân TP Vũng Tàu dành cho cộng đồng người Nga sinh sống tại Khu nhà năm tầng trên đường Nguyễn Thái Học. Thời những năm 1985 - 1995, đã có gần 1.000 hộ người Nga với vài nghìn nhân khẩu sinh sống. Ðây được xem như một nước Nga thu nhỏ với đầy đủ những sắc thái văn hóa đặc trưng mà không chỉ người Việt từng học tập và công tác tại Nga mà ngay chính những người con của xứ sở Bạch Dương, khi đặt chân đến đây, cũng có cảm giác như đang sống ở giữa lòng đất mẹ. Có khác chăng là bữa tiệc chiều cuối năm, với món sa-lát và thịt nướng trứ danh, với bánh mỳ đen và trứng cá hồi truyền thống, ly vốt-ka nồng nàn… dù không diễn ra trong cái lạnh tê tái của miền viễn đông mà giữa nắng gió của vùng nhiệt đới vẫn ý nghĩa vô cùng. Chị Vích-to-ri-ga, hiện đang làm việc tại Trung tâm Văn hóa thuộc Công đoàn phía Nga, tâm sự: "Trước đây, khi phải rời quê hương theo chồng đến Việt Nam công tác, tôi đã khóc rất nhiều. Ban đầu vợ chồng tôi có hợp đồng ba năm với Vietsovpetro. Tôi từng nghĩ sẽ cố gắng sống hết ba năm rồi về nước. Nhưng càng sống và làm việc ở Việt Nam lâu năm, tôi càng cảm thấy yêu mến vùng đất và con người ở đây. Vợ chồng tôi xin gia hạn hợp đồng thêm một lần rồi hai lần, ba lần… Ðến nay, tôi đã có hơn 10 năm gắn bó với làng Nga. Sống ở đây, bên cạnh những đồng nghiệp Nga, tôi còn có rất nhiều những người bạn Việt Nam thân thiết. Chúng tôi xem nhau như anh em ruột thịt trong nhà".

f2fe702525c59aeb5d1a0d3482116356.jpg

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những cán bộ, chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam công tác, Ðặc khu Vũng Tàu - Côn Ðảo và Tổng cục Dầu khí trước đây có chủ trương xây dựng một khu tập thể dành riêng cho các chuyên gia. Năm 1985, khu A thuộc chung cư 5 tầng - Tiểu khu 1, với diện tích hơn 13 ha được đưa vào hoạt động. Các chuyên gia người Nga bắt đầu chuyển về sống tập trung tại đây. Bên cạnh các công trình dân sinh như: Trường học, nhà thi đấu thể thao, trung tâm y tế, để tạo cảm giác thân thuộc cho những người Nga khi ở xa Tổ quốc, trong làng còn có khu trưng bày, nhà lưu niệm, các ki-ốt, cửa hàng mang đậm phong cách Nga. Chị Na-ta-li-a, nhân viên bảo vệ tại làng Nga, có chồng là chuyên gia làm việc tại Vietsovpetro cho biết: Ở làng Nga, phụ nữ chúng tôi dễ dàng tìm kiếm những nguyên liệu để chế biến một bữa ăn truyền thống, với đầy đủ các món, như: súp củ cải đỏ, bánh blini, cháo kasha và thịt nướng shashlik. Nhưng thú thật, ở đây, đôi lúc, chúng tôi lại thèm một bữa cơm thuần Việt, với rau muống xào tỏi, chả giò, đậu rán… Chúng tôi "phải lòng" mảnh đất này mất rồi.

Ði dạo trong làng Nga, không khó để tìm mua một bộ búp bê gỗ Matrioska hay một bộ váy áo truyền thống poneva, sarafan… của những phụ nữ Nga. Không khí và những nét văn hóa Nga đặc trưng càng được thể hiện rõ nét hơn vào những dịp lễ, Tết hay những ngày trọng đại của cả người Việt lẫn người Nga. Chị Na-ta-li-a tâm sự: Những ngày lễ, chúng tôi thường tổ chức ăn uống, đi thăm viếng lẫn nhau. Chúng tôi không phân biệt đâu là ngày lễ của Việt Nam hay của LB Nga. Cách mạng Tháng Tám hay Cách mạng Tháng Mười, Tết Nguyên đán của các bạn hay Tết truyền thống của chúng tôi…, tất cả đều là cơ hội để mọi người cùng xích lại gần nhau, hiểu và yêu thương nhau hơn. Nhớ lần bầu cử Tổng thống Nga gần đây, cả làng Nga rực rỡ sắc mầu của băng-rôn, biểu ngữ. Cờ hoa, sự náo nức của người dân trong làng, đủ để chúng tôi cảm nhận hết không khí tưng bừng như trong ngày hội của người dân Nga ngay trên mảnh đất Vũng Tàu. Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro Vũ Nam Cường khẳng định: "Ðây thật sự là một nước Nga thu nhỏ, một biểu tượng của tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc. Ðã có những thế hệ thứ hai, thậm chí thứ ba sinh ra và lớn lên ở làng Nga này. Vietsovpetro tự hào về một tập thể lao động quốc tế không chỉ giỏi về chuyên môn, về những phát kiến đã đi vào lịch sử của ngành dầu khí thế giới, mà còn về sự đoàn kết giữa những người lao động Việt - Nga trong suốt những năm qua".

Như một quy luật của sự phát triển, dưới sự hỗ trợ tận tình của các chuyên gia người Nga, sau hơn 35 năm xây dựng và phát triển, những cán bộ, kỹ sư, công nhân người Việt trong Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã không ngừng học hỏi, vươn lên, từng bước làm chủ những công nghệ phức tạp của ngành dầu khí. Tất cả những chức danh vừa đòi hỏi một nền tảng kiến thức chuyên ngành sâu rộng, vừa yêu cầu những kỹ năng vận hành, điều phối cùng lúc nhiều hoạt động sản xuất cả trong đất liền lẫn ngoài biển, như chánh kỹ sư, trưởng các phòng, ban nghiệp vụ, trước đây đều phải nhờ đến các chuyên gia Nga thì nay đã được chuyển giao cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư người Việt. Số lượng lao động người Nga trong liên doanh vì thế cũng giảm dần. Làng Nga cũng không còn sôi động như trước. Ðến thời điểm hiện nay, chỉ còn gần 500 cán bộ, kỹ sư người Nga sinh sống ở làng. Cũng như những cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc, không kể ít hay nhiều, giàu hay nghèo, những người Nga đang sống ở làng Nga hôm nay vẫn giữ những nét văn hóa đặc trưng của một dân tộc nổi tiếng thế giới về sự nhân hậu và kiên cường.

Vượt ra khỏi khái niệm thuần túy của một địa danh, làng Nga, từ lâu, đã trở thành biểu tượng của một tình hữu nghị.

NGUYỄN THẾ KIM
Báo Nhân Dân​
 

Việc làm nổi bật

Top