Lãnh đạo nào của PVN phải chịu trách nhiệm về khoản lỗ nhiều ngàn tỷ đồng của PVC?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cần phải tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những tập thể và cá nhân liên quan. Vậy, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) thời điểm đó sẽ chịu trách nhiệm ra sao? Tại sao nhiều ngàn tỷ đồng tiền của Nhà nước “bốc hơi” mà lãnh đạo PVN - đơn vị chủ quản Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) vẫn vô can ?

Chỉ đạo hợp lòng dân!

Có lẽ chúng ta cần phải cám ơn chiếc xe mang biển số xanh mà ông Trịnh Xuân Thanh đã dùng. Bởi, nếu không có cái biển xe ấy, liệu nhân dân cả nước có biết chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”: Một người chỉ trong 2 năm đã để doanh nghiệp do mình quản lý thua lỗ đến gần 3.300 tỷ đồng tiền thuế của dân (bình quân mỗi ngày lỗ gần 5 tỷ đồng) nhưng lại được “luân chuyển” về làm lãnh đạo UBND một tỉnh và được bầu làm đại biểu Quốc hội (với số phiếu cao)? Và, cũng chính từ cái biển xe ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “một việc cần làm ngay”, để rồi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, ra thông báo kết luận hàng loạt sai phạm liên quan đến vị quan chức này.

Cũng từ đó, ngày 18/7/2016, Văn phòng TW Đảng có công văn số 1.578-CV/VPTW truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về những việc cần làm tiếp theo. Đó là, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm như nêu tại Thông báo kết luận. Đồng thời, Bộ Công an điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng ở đơn vị này.

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự sáng suốt, minh bạch, nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của đông đảo cán bộ và nhân dân cả nước. Bởi, không ít người cho rằng, làm rõ vụ này đến cùng sẽ khắc họa được chân dung của một nhóm lợi ích cụ thể mà bấy lâu người dân mới chỉ nghe nói (về cụm từ “nhóm lợi ích”) mà chưa “cận cảnh”, rõ ràng; làm rõ vụ này đến cùng cũng sẽ “chỉ được tận mặt, vạch được tận tên” cụ thể của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà Nghị quyết TW 4 khóa XI đã nêu...

mystery-man.jpg

Trong công văn chỉ đạo số 1578-CV/VPTW, Tổng Bí thư đã “điểm danh” một số địa chỉ, “nhân vật” cần phải được làm rõ trách nhiệm. Đó là Bộ Công thương, Ban Thi đua - Khen thưởng TW, Ban Thường vụ Đảng ủy PVN và ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương... Đối với trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng, với khoản lỗ khổng lồ ở PVC, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC thế nhưng lại được đưa về làm Phó Văn phòng Bộ rồi lần lượt được “bổ” lên các chức cao hơn, thậm chí còn đưa vào quy hoạch chức thứ trưởng... Không chỉ có dấu hiệu dung túng, bao che, “làm bệ phóng” cho ông Trịnh Xuân Thanh, ngay việc để PVC thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng thì cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng phải chịu “chế tài”. Bởi, không phải về hưu là rũ bỏ được trách nhiệm của mình!

Cựu lãnh đạo PVN sẽ chịu trách nhiệm ra sao?

Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận mới chỉ nhắc nhiều đến trách nhiệm của Bộ Công thương và trách nhiệm cá nhân của ông Hoàng mà ít nói về trách nhiệm của lãnh đạo PVN. Bởi, đã để xảy ra sai phạm, thì mọi đối tượng quản lý, phụ trách đều có trách nhiệm, không loại trừ bất cứ cấp nào, cán bộ nào! Chắc chắn tới đây, những dấu hiệu sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng, người đứng đầu ngành công thương sẽ được làm rõ, xử lý. Thế nhưng, một điều mà dư luận đang cực lực phê phán và đặt ra nhiều nghi vấn về trách nhiệm của những người lãnh đạo PVN lúc bấy giờ khi để xảy ra những tiêu cực, thua lỗ trong doanh nghiệp mình phụ trách ra sao? Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, thời gian 2007-2013, cơ quan cơ quan thanh tra, kiểm toán đã có kiến nghị, cảnh báo về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế; đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng. Vậy những người lãnh đạo PVN giai đoạn này phải chịu trách nhiệm ra sao?

Vào tháng 4/2012, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng nhiều sai phạm tại PVN và các công ty con, trong đó có việc PVC thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Đồng thời, cũng vào thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao cho các bộ, ngành thu hồi khoản tiền trên 1.600 tỷ đồng mà PVN cho các đơn vị bên ngoài ứng vốn để đầu tư nhưng không có kế hoạch trả nợ hoặc không có khả năng thanh toán. Đồng thời, PVN còn phải xử lý khoản tiền vi phạm lên tới hơn 18.000 tỷ đồng...

40-0848.jpg

Dư luận cũng đặt ra câu hỏi ai là người chịu trách nhiệm tái cơ cấu PVC và doanh nghiệp này sa đà vào việc “đánh bắt ngoài luồng” như đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính (theo đó, PVC đã rót hàng ngàn tỷ đồng đầu tư góp vốn vào gần 40 công ty thành viên và bảo lãnh cho các công ty này. Trong khi, mỗi công ty đều “mạnh ai nấy làm”, hầu như không có một định hướng, chiến lược chung)?

Nhân dân cũng như không ít cán bộ lão thành cho rằng, việc xem xét dấu hiệu vi phạm đối với những tập thể, cá nhân lãnh đạo có liên quan đến “vụ” Trịnh Xuân Thanh và khoản lỗ khổng lồ tại PVC là hết sức cần thiết, hợp lòng dân; thể hiện sự quyết tâm trong việc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và Nhà nước. Người dân cũng hy vọng các cơ quan chức năng sẽ làm việc nghiêm túc, kết luận thẳng thắn, chính xác bảo đảm “công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; chỉ đạo tiến hành khẩn trương các công việc được giao” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo!

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc PVN, cho biết đang tiến hành việc kiểm điểm trách nhiệm theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhưng từ chối không cho biết chi tiết.

Mạc Hồng Kỳ - Bội Đĩnh/Người Tiêu Dùng
ntd-so-61-248_page_05-0848.jpg
 

Việc làm nổi bật

Top