Những nhân vật từng thuộc Tập đoàn Dầu khí sẽ có mặt trong báo cáo rà soát của Bộ Công thương ?

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Theo các quy định hiện hành, Bộ Công thương có chức năng quản lý nhà nước rộng, bao gồm 26 ngành và lĩnh vực cụ thể. Bộ Công thương cũng đang quản lý 16 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong đó có những doanh nghiệp có vai trò là trụ cột, "quả đấm thép" của nền kinh tế như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Thuốc lá (Vinataba), Tổng công ty Giấy Việt Nam hay những doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia –Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Theo những Nghị định hiện hành về Điều lệ hoạt động của một số Tập đoàn lớn trong ngành công thương hiện hành như EVN, PVN, Vinacomin, Petrolimex, Vinachem…, vai trò của Bộ Công thương về công tác nhân sự không hề nhỏ.

Cụ thể, Bộ Công thương được đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, khen thưởng kỷ luật Chủ tịch HĐTV các tập đoàn.

Ở các Tổng công ty và doanh nghiệp trong ngành công thương thuộc sở hữu nhà nước hay Nhà nước có cổ phần chi phối, Bộ Công thương còn là đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp - khi chưa được chuyển về SCIC. Dĩ nhiên kèm theo đó là quyền bổ nhiệm các nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp.

Bởi vậy, với yêu cầu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Báo cáo nhân sự của Bộ Công thương sẽ phải xuất hiện nhiều gương mặt từng làm Tổng giám đốc, Giám đốc đình đám một thời sau đó lên Bộ làm công chức hay ngược lại từ vị trí công chức được bổ nhiệm vào các chức danh quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp.

Ông Vũ Quang Hải, người từng là Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí (PVFI) thuộc (PVN)

Có lẽ đứng đầu trong danh sách này là ông Vũ Quang Hải, người từng là Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí (PVFI) thuộc (PVN). Sau 2 năm dưới sự điều hành của ông Hải, theo phản ánh của VAFI, doanh nghiệp này đã thua lỗ tổng cộng 220 tỷ đồng (năm 2011 lỗ 155 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng). Thời điểm nhậm chức Tổng giám đốc tại PVFI, ông Vũ Quang Hải mới 25 tuổi.

Sau khi rời PVFI, ông Hải được điều chuyển về Cục Xúc tiến thương mại – cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương. Tiếp đó được bổ nhiệm hàm Phó vụ trưởng kiêm Kiểm soát viên tài chính của Viantaba. Sau đó, ông Hải được điều động về Sabeco và được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc Sabeco.

13450169_1581400112153993_7993515677829038040_n.jpg

Ông Trịnh Xuân Thanh từng là Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC)

Với ông Trịnh Xuân Thanh, người đi xe Lexus biển xanh đang tập trung sự chú ý của dư luận cũng từng có thời gian dài làm việc tại Bộ Công Thương trước khi về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Ông Thanh từng là Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ tháng 2/2009 đến tháng 5/2013 và sau đó về làm Phó chánh Văn phòng Bộ kiêm Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại miền Trung hồi tháng 9/2013. Sau đó, tháng 3/2014, ông Thanh được điều động tạm thời phụ trách công việc chung của Văn phòng. Tới tháng 2/2015, ông Thanh được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương.

Tại PVC, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đơn vị này đã lỗ 1.820 tỷ đồng năm 2012 và tới hết năm 2013 lỗ hợp nhất 3.200 tỷ đồng.

Nguyên nhân được chỉ ra là do PVC đã bị mất cân đối về tài chính, dòng tiền kinh doanh âm cả nghìn tỷ đồng, sa lầy vào bất động sản và đầu tư dàn trải, không đúng mục đích, không theo kế hoạch phê duyệt.

Bà Vũ Thuý Huệ, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam (PV EIC)

Vào tháng 9/2013, Tổng giám đốc PVN khi đó là ông Đỗ Văn Hậu đã ra Quyết định số 6412/QĐ-DKVN lập Đoàn Kiểm tra các dấu hiệu sai phạm tại PV EIC do HĐQT đương nhiệm của PV EIC “tố” bà Vũ Thúy Huệ có hàng loạt sai phạm và tiêu cực, liên quan đến công tác quản lý và sử dụng vốn, điều hành doanh nghiệp...

PV EIC hình thành năm 2008, trong đó PVN là cổ đông lớn. Giai đoạn từ 2009-2011, PV EIC đã đầu tư nhiều dự án bất động sản, dự án sản xuất và mua bán cổ phần trong các công ty khác không đúng mục đích dẫn đến nhiều sai phạm về tài chính.

Sau đó, PVN đã có kết luận về những sai phạm nói trên và đã có công văn số 186/DKVN-TTr ngày 6/12/2013 yêu cầu người đại diện phần vốn của Tập đoàn cùng HĐQT kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể gây ra những sai phạm trên. Tuy nhiên cũng không có các thông tin liên quan đến kết quả xử lý các sai phạm này trên công luận.

Vào tháng 2/2014, bà Vũ Thuý Huệ đã được ra mắt là Kiểm soát viên chuyên trách phụ trách chung tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam theo quyết định bổ nhiệm của Bộ Công thương. Hiện bà Huệ đã về công tác tại Tổng cục Năng lượng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu:

- Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ rà soát và báo cáo toàn bộ quá trình tiếp nhận đồng chí Vũ Quang Hải về công tác tại Bộ và quá trình bổ nhiệm, điều đồng đổng chí Vũ Quang Hải về Sabeco.

- Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản đề nghị Sabeco báo cáo lại quá trinh đề xuất tiếp nhận đồng chí Vũ Quang Hải về công tác tại Sabeco và bổ nhiệm đồng chí Vũ Quang Hải vào vị trí lãnh đạo tại Sabeco.

- Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo lại quá trình tiếp nhận, bổ nhiệm đồng chí Vũ Quang Hải làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (PVFI) và làm rõ những thông tin mà báo chí nêu về kết quả kinh doanh của PVFI trong thời gian đồng chí Vũ Quang Hải là Tổng giám đốc tại PVFI.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có ý kiến về phản ánh nêu trên, gửi ý kiến về Bộ Công Thương (thông qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 17/6/2016.


Minh Minh - Báo Đầu tư​
 

Việc làm nổi bật

Top