"Ác mộng" giá dầu thành hiện thực?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã tăng mạnh hơn cả dầu thô truyền thống, nỗi lo sợ đang tăng dần cùng với sự tăng trưởng khá chậm chạp về nhu cầu của thị trường thế giới.

Sự gia tăng sản lượng dầu lần này có thể nhanh chóng đưa Mỹ chiếm vị trí nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Nguy hiểm hơn, vấn đề này được giới quan sát cảnh báo rằng, “có vẻ như ít nhất một nửa kịch bản về "cơn ác mộng" của Tổ chức các nhà xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) năm 2018 đã thành hình và thực sự bắt đầu... Sự đồng hành của cả hai yếu tố, sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến sét và tăng trưởng nhu cầu chậm lại - đang trở thành hiện thực".

“Nửa cơn ác mộng”

Hồi cuối tuần trước, Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho biết, lần đầu tiên kể từ năm 1970, sản lượng dầu đá phiến của quốc gia này đã cán mốc trên 10 triệu thùng/ngày. Việc sản lượng dầu Mỹ có thể tăng mạnh trong tuần tới, thêm 332.000 thùng/ngày là hoàn toàn có thể xảy ra. Các giàn khoan của Mỹ cũng có vẻ không bất ngờ khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI (West Texas Intermediate) vượt qua mức trần tâm lý 65 USD.

Thay vào đó, dữ liệu hằng tuần đang cho thấy, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang bắt kịp với các ước tính hằng tháng của giới nghiên cứu, đưa ra một hình ảnh chính xác hơn về nguồn cung dầu mỏ trên thị trường.

Trong suốt mùa Hè năm ngoái, dữ liệu về nguồn cung hằng tuần thường bị chỉ trích nặng nề, do cảnh báo của các chuyên gia bị cho là đã ước tính quá mức sự tăng trưởng sản lượng ở Mỹ. Nhưng đến nay, những số liệu dự báo đó gần như đã trở thành hiện thực.

094316_oil.jpg

Các đánh giá về sản lượng hồi tháng 10 và 11/2017 vẫn sử dụng số liệu hằng tuần là khoảng 370.000 thùng/ngày, thấp hơn so với số liệu sử dụng tính toán hằng tháng và thường được công bố với độ trễ 2 tháng. Như vậy, sẽ có sự khác biệt khá lớn ngay trong tháng 12/2017 và tháng 1/2018.

Chưa bao giờ, sự gia tăng sản lượng được thể hiện trong dữ liệu hằng tháng lại có sự thay đổi mạnh đến như vậy. Sản lượng đã tăng gần 850.000 thùng/ngày giữa tháng 8 và tháng 11 năm ngoái. Số liệu này cho thấy, sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra hồi năm 2014 - 2015 trở nên “quá tầm thường”.

Trong thông cáo của DoE, tốc độ sản xuất trung bình tháng 1/2018 gần như chắc chắn sẽ đạt tới con số 10,25 triệu thùng/ngày, so với dự báo 9,86 triệu thùng được tính toán từ các dữ liệu hằng tuần.

Như vậy, Mỹ gần như đã trở thành nhà sản xuất dầu thô và khí lỏng đồng hành (condensate) lớn nhất thế giới. Đây là mức sản lượng khá cao so với sản lượng của Saudi Arabia và con số sản xuất giới hạn - 10,95 triệu thùng/ngày của Nga. Theo Citigroup, các số liệu chính thức có thể sẽ được thông qua vào cuối mùa Hè này.

Tất nhiên, sản lượng lớn không hẳn đã quyết định tất cả. Saudi Arabia và Nga có tiềm năng xuất xuất khẩu dầu nhiều hơn Mỹ. Họ cũng sẵn sàng cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ thị trường, ngăn giá dầu không rơi vào vòng xoáy tụt dốc. Chính họ cũng đã có công lớn mang lại sự phục hồi của giá dầu trên thị trường trong năm qua, trong khi những nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có vẻ thờ ơ với điều đó.

Hậu quả tiếp theo và nguy hiểm hơn, được cho là nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của OPEC và các nhà sản xuất không thuộc OPEC đã xảy ra. Giá dầu tăng đang thúc đẩy sự phục hồi sản xuất mạnh mẽ từ các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Kịch bản này được cho là giống một “cơn ác mộng” - sự tăng vọt sản lượng của Mỹ, đồng hành với sự suy thoái về nhu cầu, vốn bị kích hoạt khi giá dầu tăng.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, có khá ít dấu hiệu cho thấy điều đó sẽ xảy ra. Các dự báo kinh tế vẫn rất mạnh mẽ, nó có thể củng cố thêm sự khao khát dầu lửa của các thị trường trong năm nay. Theo dự báo của OPEC, mức tăng trưởng của nhu cầu dầu toàn cầu năm 2018 dự kiến sẽ đạt 1,53 triệu thùng/ngày. Bởi vậy, bất kỳ dấu hiệu nào khiến sự gia tăng nhu cầu toàn cầu giảm xuống dưới mức 1,53 triệu thùng/ngày cũng có thể khiến các vị bộ trưởng phụ trách về năng lượng có một số đêm không ngủ.

Cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ công bố các dự báo được cập nhật trong tuần này. Theo IEA, thị trường đang chứng kiến sự tăng trưởng chậm của nhu cầu, khi giá dầu thô có xu hướng gia tăng. Nếu đúng như vậy, nửa cơn ác mộng còn lại sẽ xảy ra.

Trật tự đảo lộn

Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - một hình mẫu về quốc gia dầu lửa ở vùng Vịnh - nơi được cho là sở hữu dòng tiền bất tận từ xuất khẩu dầu thô, dù không phải là khách hàng lớn mua dầu thô khai thác ở vùng Texas (Mỹ), nhưng dầu Mỹ đã chính thức cập cảng UAE trong tháng 12 năm ngoái. Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, nước này đã xuất khẩu khoảng 700.000 thùng dầu sang UAE trong tháng 12. Đây được xem như một minh chứng cho thấy sự nổi lên của ngành công nghiệp dầu đá phiến đang đảo lộn trật tự của thị trường năng lượng toàn cầu.

Khí lỏng đồng hành condensate được chuộng hơn các loại dầu của Trung Đông, bởi chất lượng của loại dầu này rất cần thiết đối với các nhà máy lọc hóa dầu của UAE. Dù xuất khẩu hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, UAE vẫn phải nhập loại dầu siêu nhẹ để sử dụng cho một quy trình trong nhà máy lọc dầu.

Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu dầu vào năm 2015 cùng với sự phát triển bùng nổ của hoạt động khai thác dầu đá phiến ở nước này đã làm thay đổi dòng chảy dầu trên thế giới. Dầu xuất khẩu từ các cảng của Mỹ đã tăng từ mức hơn 100.000 thùng mỗi ngày vào năm 2013 lên mức 1,53 triệu thùng/ngày vào tháng 11/2017. Dầu Mỹ được bán tới nhiều quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc và Anh.

Mức nhập khẩu ròng dầu của Mỹ đã sụt mạnh xuống dưới mức 3 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được ghi nhận cách đây 45 năm. Hồi năm 2006, mức nhập khẩu ròng dầu của Mỹ là hơn 12 triệu thùng/ngày. IEA vừa đưa ra dự báo, Mỹ có thể trở thành nước xuất khẩu ròng dầu vào năm 2029.

Minh Anh - baoquocte.vn
(theo Bloomberg)
 

Việc làm nổi bật

Top