Lãnh đạo PVN than khó triển khai dự án Cá Voi Xanh

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Phó bí thư Đảng ủy PVN Nguyễn Xuân Cảnh cho biết một số dự án dầu khí như Cá Voi Xanh, Lô B vì vướng cơ chế mà chậm trễ, từ đó hiệu quả dự án không còn như trước.

Các dự án dầu khí như Cá Voi Xanh, Lô B được Phó bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) Nguyễn Xuân Cảnh nhắc đến tại hội nghị Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương sáng nay, ngày 9/9. Hội nghị thông tin chuyên đề, cập nhật kiến thức tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 12 Hội nghị trung ương 5 khóa XII về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)”.

“Các dự án như Cá Voi Xanh, Lô B như nồi cơm của PVN, nồi cơm của tăng trưởng GDP và thu ngân sách. Nhưng vướng cơ chế nọ, cơ chế kia nên bị chậm trễ hết rồi”, ông Cảnh nói.

Theo lãnh đạo PVN, những dự án này chậm so với ban đầu khoảng 10 năm, từ đó hiệu quả của dự án không còn nữa. Việc chậm trễ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến “nồi cơm” của PVN, cũng như nền kinh tế.

0119_nguyenbithuphxcanh1026.jpg

Ông Nguyễn Xuân Cảnh, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy PVN. Ảnh: PVN.

Với ngành dầu khí, ông Cảnh cho biết có 2 cái khó rất lớn đều bắt nguồn từ cơ chế chính sách. Thứ nhất là cơ chế chính sách giải quyết vấn đề nguồn lực, nguồn vốn và sử dụng vốn. Thứ hai là cơ chế hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi, mang tính chất quyết định của PVN là dầu khí

Một trong những vướng mắc lớn nhất, theo ông Cảnh, liên quan Luật Dầu khí 2013. Bộ Chính trị đã có chủ trương sửa luật này, Thủ tướng cũng ra chỉ thị các cơ quan sửa luật nhưng đến nay công việc chưa thực hiện xong.

Trong khi đó, cơ chế phát triển các dự án dầu khí, hầu hết là dự án rất lớn. Các dự án lớn của PVN đang phải “mặc áo chung” với các dự án khác.

HoatDongKhaiThacDK2jpg.jpg

Lãnh đạo PVN cho rằng khó khăn về cơ chế chính sách đang khiến các dự án lớn của PVN gặp khó. Ảnh minh họa: PVN.

Trước đó, ông Cảnh nhấn mạnh trong Nghị quyết 12 Hội nghị Trung ương 5, khóa XII có có quy định trách nhiệm của nhiều cơ quan khác nhau trong việc rà soát lại hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách cho DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế. Thế nhưng, việc rà soát hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách là công cụ quan trọng nhất, duy nhất quản lý DNNN lại đang ở tình trạng “tơ vò”, “nhiều cản trở”, “nhiều vấn đề”.

Đơn cử, quy định hiện nay đang chỉ nói chung chung về DNNN chứ không nêu rõ về các tập đoàn kinh tế Nhà nước.

“Nếu chúng ta không kỹ lưỡng, chỉ nói chung DNNN, vô hình trung khoác cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước với doanh nghiệp mặc chung một cái áo. Nghị định 69 của Chính phủ nói rất rõ thế nào là DNNN, thế nào là tập đoàn kinh tế. Tuy nhiên, hiện tại đang dùng một cơ chế, thể chế chung của các DNNN áp dụng cho cả tập đoàn kinh tế”, ông bức xúc.

Vị này nhấn mạnh việc áp dụng cơ chế chính sách cho tập đoàn giống với các DNNN khác đang làm đang cản trở và gây khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và các tập đoàn kinh tế nói riêng.

Chuỗi dự án khí Lô B

Dự án bao gồm 2 thành phần là dự án phát triển mỏ Lô B, 48/95 & 52/97 và dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn.

Dự án phát triển mỏ Lô B có tổng chi phí đầu tư trong 20 năm khoảng 6,8 tỷ USD, với chủ đầu tư gồm PVN (42,896%); Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP - 26,788%); MOECO (22,575%); PTTEP (7,741%) do Phú Quốc POC - Chi nhánh PVN làm nhà điều hành.

Công trình gồm 1 giàn công nghệ trung tâm và 46 giàn khai thác; 1 giàn nhà ở; 1 tầu chứa condensate và khoảng 750 giếng khai thác.

Dự án thành phần thứ 2 là đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, với tổng mức đầu tư là 1,2 tỷ USD. Chủ đầu tư ập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)/Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), nhà thầu MOECO và PTTEP làm chủ đầu tư theo hình thức hợp doanh.

Tổng chiều dài tuyến ống là 431 km có công suất thiết kế 20,3 triệu m3. Tuyến ống bờ có chiều dài khoảng 102 km sẽ chạy Kiên Giang và Cần Thơ để cung cấp khí cho các nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Kiên Giang và Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ).

Theo ước tính sơ bộ, trong vòng 20 năm hoạt động, nguồn thu từ chuỗi dự án sẽ đưa đến khoản nộp ngân sách xấp xỉ 18,3 tỷ USD từ Dự án phát triển mỏ Lô B và 930 triệu USD từ Dự án đường ống.

Dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh

Dự án do Exxon Mobil (sở hữu 64% cổ phần trong hợp đồng phân chia sản phẩm) làm nhà điều hành, có tổng vốn đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD, vòng đời khoảng 25 năm.

Ngày 13/1/2017, PVEP thuộc PVN đã cùng Công ty TNHH Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam ký thỏa thuận khung phát triển dự án và hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh.

Ngày 15/6/2018, ký thỏa thuận nguyên tắc bảo lãnh Chính phủ (GGU). Theo kế hoạch hiện nay, cuối năm 2023 sẽ đưa dòng khí đầu tiên vào bờ.

 

Việc làm nổi bật

Top