Lo “ế” cổ phần PV Oil

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
So với phương án chào bán cổ phần được TCty Dầu Việt Nam (PV Oil) công bố cuối năm 2016, phương án IPO lần này có một số yêu cầu khá cao, thậm chí có phần nghịch lý. Điều này khiến giới đầu tư lo ngại liệu thị trường có hấp thụ hết số lượng lớn cổ phần chào bán của PV Oil.

PV Oil là doanh nghiệp độc quyền xuất khẩu dầu thô và bán buôn, bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai tại Việt Nam. Hiện tại, PV Oil đang thuộc sở hữu 100% của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Lợi thế độc quyền xuất khẩu dầu thô

Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng xuất khẩu bán dầu thô của PVOil là 10,3 triệu tấn, thực hiện 77% kế hoạch năm. Sản lượng kinh doanh xăng dầu toàn hệ thống PVOil ước đạt 2,4 triệu m3 xăng dầu các loại. Sản lượng bán lẻ qua hệ thống cửa hàng xăng dầu đạt 492.000 m3, tăng 8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 23% tổng sản lượng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm.

Doanh thu hợp nhất của PVOil ước đạt 40 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 265 tỷ đồng, thực hiện được 82% kế hoạch năm.

Theo đánh giá của Cty CK HSC, nếu ví Petrolimex là một doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm, đã thành công trong kinh doanh xăng dầu, chỉ đặt mục tiêu giữ được 50% thị phần xăng dầu trong nước thì PV Oil như một doanh nghiệp mới trưởng thành, nhiều tiềm năng phát triển.

doanh_thu_PV_oil_copy.JPG

Doanh thu theo kênh phân phối của PVOil
Trong giai đoạn 5 năm tới, doanh nghiệp này phấn đấu tăng thị phần xăng dầu lên 35%. Hiện nay PV Oil sở hữu 502 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong cả nước trải suốt từ Bắc đến Nam. Nếu tính cả điểm bán lẻ, con số này khoảng 3.000. Năm 2016, PV Oil có kết quả kinh doanh khả quan với 34.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế gần 700 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 7.830 tỷ đồng.

Như vậy, PV Oil có vẻ còn nhiều dư địa tăng trưởng và cải thiện tỷ suất lợi nhuận vì là doanh nghiệp còn trẻ và độc quyền trong ngành sản xuất xuất khẩu dầu thô…

Phương án chào bán chưa rõ ràng?

Cho đến thời điểm này, phương án cổ phần hóa PV Oil cuối cùng đã được PVN và Bộ Công Thương hoàn thiện, trình Thủ tướng. Theo đó, PV Oil sẽ bán 65% số cổ phần (trong đó 20% số cổ phần chào bán công khai và 44,7% bán cho nhà đầu tư chiến lược). Nhà đầu tư ngoại được mua tối đa 49% tổng số cổ phần bán ra và tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến sẽ chỉ còn lại 35%.

Trong văn bản trình Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt phương án cổ phần hóa này, đồng thời đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận thời gian hoàn thành việc IPO trong vòng ba tháng kể từ ngày phê duyệt phương án. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phương án cổ phần hoá PV Oil bổ sung, điều chỉnh một số nội dung liên quan đến năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiến lược…

Theo các chuyên gia tài chính, nếu so với phương án được PV Oil chào công khai hồi cuối năm 2016 thì phương án mới này có rất nhiều thay đổi về tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, phương án cuối năm 2016 chỉ đưa ra quy định duy nhất là nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký). Với phương án mới này, nhà đầu tư chiến lược phải có vốn chủ sở hữu 2.000 tỷ đồng (tức tăng gấp đôi). Đồng thời, nhà đầu tư phải cam kết để PVOil tham gia tiêu thụ sản phẩm của các Nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn nhằm đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm của 2 nhà máy trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thị trường trong hoạt động của PV Oil sau cổ phần hóa, giá bán sản phẩm được quy định là theo thị trường

Ông Nguyễn Hữu Hải - nhà đầu tư đặt câu hỏi, tại sao khi vốn Nhà nước chi phối dưới 35% tại cty cổ phần, các cổ đông nội và ngoại lại phải thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm cho một cty cổ phần khác?

“Việc Bộ Công Thương đề xuất bán 65% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó đề xuất room cho nhà đầu tư ngoại lên đến 49% sẽ khiến các nhà đầu tư lớn hào hứng vì cơ hội tham gia mở rộng thị phần phân phối, bán lẻ, bên cạnh việc tham gia vào chuỗi độc quyền xuất khẩu dầu thô. Tuy nhiên, tiêu chí này đang đi ngược với quy luật của thị trường và sự can thiệp của Nhà nước vào PV Oil làm giới đầu tư phải cân nhắc khi rót vốn mua cổ phần của PV Oil” - ông Hải nhấn mạnh.

“Bội thực”... cổ phần chào bán

Việc dành một lượng cổ phần đủ lớn để chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là cần thiết. Bởi vì PV Oil là doanh nghiệp có quy mô lớn, cần lựa chọn được đối tác chiến lược có đủ năng lực, kinh nghiệm và cam kết lâu dài đồng hành cùng doanh nghiệp này thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sau cổ phần hóa (CPH).

Tuy nhiên, một vấn đề khiến các chuyên gia tư vấn và giới đầu tư đáng lo ngại ở đây, đó chính là việc chào bán 65% vốn Nhà nước theo mệnh giá, ước tính trên 6.694 tỷ đồng thông qua IPO có thể làm thị trường không hấp thụ hết.

Giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu với giá 13.400 đồng/cổ phần, phương án sử dụng đất sau CPH với 40 lô đất PVOIL đang quản lý sử dụng cũng là những nội dung chưa được thống nhất giữa các Bộ, ngành khi trình Chính phủ.

Theo Bộ Công thương, quy mô chào bán cổ phần của PVOIL cho các nhà đầu tư bên ngoài khá lớn nên bên cạnh các nhà đầu tư trong nước, cần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia để tăng tính cạnh tranh, đảm bảo thành công của việc giảm tỷ lệ nắm giữ phần vốn của PVN tại PV Oil như phương án đề ra.

Đầu tháng 12 tới, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng sẽ IPO hơn 311 triệu cổ phần của TCty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC. Sau Becamex IDC, các “ông lớn” như Tập đoàn Cao su (VRG), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), ... cũng sẽ công bố kế hoạch IPO.
Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp lớn khác cũng sẽ IPO ngay cuối 2017, điển hình như PV Power, VEAM, Genco3…

Như vậy thị trường sẽ cần một khối lượng tiền rất lớn để hấp thụ hết lượng cổ phiếu này. Nếu như việc chào bán cổ phần của PV Oil không đúng thời điểm, phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược không hấp dẫn và ràng buộc quá nhiều điều kiện bất hợp lý thì rất khó thu hút được nhà đầu tư rót tiền sở hữu cổ phần PV Oil.

Phương Hà
enternews.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top