Phấn đấu tăng nguồn thu từ xăng dầu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Thị trường xăng dầu năm 2016 đã chính thức khép lại với khoảng cách chênh lệch về giá giữa các đợt tăng, giảm vào gần 1.500 đồng/lít và hiện đang giữ ở mức 18.440 đồng/lít đối với xăng A95 và 17.590 đồng/lít đối với xăng A92. Mặc dù qua hai lần điều chỉnh mới đây, giá xăng vẫn được giữ nguyên nhưng theo các chuyên gia dự báo, giá xăng dầu sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới.

Chênh lệch cung cầu xăng dầu

Năm 2016, thị trường dầu thô thế giới thụt lùi ở mức giá thấp, bình quân khoảng 45 - 47 USD/thùng. Một thời gian khá dài, nguồn cung dầu thô luôn vượt cầu, cung luôn giữ ở mức 33 đến 34 triệu thùng/ngày trong khi cầu dao động ở mức 31 đến 31,5 triệu thùng. Ngày 1-12-2016, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã quyết định cắt giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng/ngày, theo đó LB Nga thông báo sẽ cắt giảm 300 nghìn thùng/ngày. Với sự cắt giảm của OPEC và LB Nga, nguồn cung vẫn đang vượt cầu. Tuy nhiên, sau quyết định này, lập tức giá dầu thô thế giới đã nhích lên hơn 50 USD/thùng. Như vậy suốt 11 tháng của năm 2016, giá dầu thô chủ yếu ở mức 44 - 45 USD/thùng.

786f2ccd8c5e22eb07bfe37b9ce37629.jpg

Do giá dầu ở mức thấp và không có biến động nhiều nên Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu được các bộ điều hành điều chỉnh giá một cách thuận lợi, cứ 15 ngày đến kỳ điều chỉnh, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh phù hợp với giá dầu thế giới. Trong năm 2016, giá xăng dầu được điều chỉnh 24 lần, trong đó có 13 lần tăng, tổng cộng gần 6.500 đồng/lít; chín lần giảm (gần 5.000 đồng/lít) và hai lần giữ nguyên giá. Đánh giá về công tác điều hành giá xăng dầu trong nước, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, dựa trên cơ sở xác định giá cơ sở, Nhà nước quyết định giá bán lẻ là hoàn toàn phù hợp định chế của quản lý kinh tế thị trường. Nước ta tuân thủ theo cơ chế giá thị trường, trong khi nguồn cung trong nước không bảo đảm. Trong xu thế từ năm 2014, giá xăng dầu thế giới đã giảm do nhiều yếu tố tác động như: kinh tế, chính trị,... cho nên nguồn cung tăng rất mạnh do các quốc gia trong khối OPEC không muốn mất thị phần và phải tăng sản lượng. “Thời gian gần đây, các nước trong khối đã quyết định giảm sản lượng, khi nguồn cung giảm chắc chắn giá xăng dầu sẽ phục hồi, mà giá xăng dầu thế giới tăng thì trong nước cũng phải tăng theo. Từ đó, nhiều dự báo cho rằng thời gian tới giá xăng dầu thế giới sẽ tăng” - ông Long nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Phan Thế Ruệ cho biết, nhìn chung thị trường xăng dầu Việt Nam năm 2016 tương đối ổn định, nguồn cung bảo đảm cho nhu cầu phát triển của đất nước và đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng. Mỗi lần điều chỉnh giá bán lẻ không gây ra những bức xúc trong xã hội như trước đây. Tuy nhiên, năm 2016 là năm Việt Nam bắt đầu thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo cam kết FTA với ASEAN, Hàn Quốc. Lộ trình giảm thuế FTA đã được xác định, các doanh nghiệp (DN) đều đã sẵn sàng đón nhận. Thế nhưng, khi thực hiện giảm thuế nhập khẩu đã phát sinh bất cập trong điều hành giá bán lẻ, cụ thể khi mức thuế nhập khẩu về 20%, 10% đối với xăng; 5%, 0% đối với dầu thì Bộ Tài chính lúng túng áp thuế nhập khẩu trong giá cơ sở, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và có lợi cho DN khi họ nhập khẩu xăng dầu theo FTA Hàn Quốc. Mặc dù đã phát hiện ra bất cập, song Bộ Tài chính vẫn chưa tìm ra giải pháp điều chỉnh phù hợp, đưa ra cách tính không phản ánh đúng thực tế kinh doanh của DN, thiếu minh bạch. Cũng theo ông Ruệ, một bất cập khác đã xảy ra khi thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế tiêu thụ đặc biệt được tính ở đầu ra cho sản phẩm xăng dầu do thực hiện chậm nên đã ảnh hưởng đến giá bán lẻ, gây khó khăn cho DN xăng dầu và không bảo đảm chính xác quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng,...

Giá sẽ dần tăng

Năm 2016, mức tiêu thụ dầu toàn cầu trung bình 95,7 triệu thùng/ngày. Tổng sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 500 nghìn thùng/ngày và của Mỹ giảm còn 12,56 triệu thùng/ngày, so với mức 12,75 triệu thùng/ngày trong năm 2015. Từ nay đến năm 2020, nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng dưới 1%, và ước chỉ tăng 5% trong hai thập kỷ tới, nhu cầu dầu của thế giới sẽ không đạt ngưỡng 103,5 triệu thùng/ngày cho đến năm 2040, từ mức 94,5 triệu thùng dầu/ngày hiện nay.

Dầu mỏ Việt Nam được đánh giá có chất lượng tốt, với trữ lượng khoảng 4,4 tỷ thùng, chiếm 0,3% trữ lượng dầu mỏ được phát hiện của thế giới, đứng thứ 28 trên thế giới. Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô (có thể duy trì sản lượng khai thác dầu thô ở mức khoảng 340 nghìn thùng/ngày trong một vài năm tới, xếp thứ 36 trên thế giới về quy mô khai thác và xếp thứ tư trong khối Đông - Nam Á về xuất khẩu dầu mỏ), lại vừa là nước nhập khẩu dầu thô và xăng dầu thành phẩm (nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam năm 2016 tăng 6% so với năm trước, ước khoảng 16,4 triệu tấn, với 50% được thỏa mãn từ nhập khẩu). Năm 2017, khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại, sẽ đưa vào thị trường từ ba đến bốn triệu tấn xăng dầu cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nguồn cung sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước sẽ đạt ở mức gần 10 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, cơ chế chính sách để tiêu thụ xăng dầu sản xuất trong nước đang cần phải xử lý năng lực cạnh tranh sản phẩm của hai nhà máy này theo quy luật kinh tế thị trường.

Hiện nay, qua thực tế vận hành Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, Chính phủ đang quan tâm xem xét hiệu quả của Nghị định này. Bộ Công thương, Tài chính đã chính thức cho xem xét và đề xuất với Chính phủ về đánh giá những mặt được, chưa được của nghị định, trong đó tập trung vào giá cơ sở, dự trữ lưu thông, chu kỳ điều chỉnh giá, quỹ bình ổn, cho phù hợp với diễn biến thị trường, phù hợp xu hướng phát triển thể chế kinh tế thị trường,… Chủ tịch Vinpa Phan Thế Ruệ cho biết, xu thế của thị trường xăng dầu là đa dạng hóa sản phẩm được lưu hành trên thị trường với nhiều đối tượng tham gia thị trường.

Đến nay, đa số trên thị trường lưu hành xăng Ron 95, Ron 92, xăng E5. Mục tiêu thị trường xăng dầu Việt Nam phải có tiêu chuẩn mức cao hơn hiện nay, với 29 đầu mối và hàng trăm nhà phân phối song tính cạnh tranh thật sự chưa xuất hiện, toàn quốc chỉ có một loại giá.

Khi giá thống nhất rồi thì các DN cạnh tranh nhau bằng mức chi phí, cứ đẩy chi phí xuống cơ sở làm cho cuộc cạnh tranh thị phần không lành mạnh, yếu tố rủi ro trong kinh doanh ngày càng cao, không ổn định, không đem lại yếu tố tích cực thật sự trong kinh doanh xăng dầu hiện nay. Ông Ruệ cũng cho biết, về tổng thể thị trường xăng dầu năm 2017 sẽ cân bằng hơn, giá cả sẽ ổn định và tăng nhẹ chung quanh mức hơn, dưới 55 USD/thùng. Tương tự, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, với cách tính thuế, phí trong mặt hàng xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập cùng với sự phụ thuộc vào nguồn cung của thị trường xăng dầu thế giới nên việc gây sức ép lên giá xăng dầu trong thời gian tới là điều hiển nhiên.

Do vậy, Nhà nước, cụ thể là các cơ quan quản lý cần kiểm soát giá, điều chỉnh thuế sao cho hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng,…

Bài và ảnh: QUỲNH CHI - Báo Nhân dân​
 

Việc làm nổi bật

Top