Quy trách nhiệm các bên liên quan làm chậm tiến độ Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ngày 4/10, tại Hậu Giang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã có buổi thị sát công trường Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và làm việc với Ban quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 cùng các nhà thầu, nhà tư vấn, nhằm trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do dự án đang bị chậm tiến độ thi công.

Ông Hồ Xuân Hiền - Trưởng Ban quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 - cho biết, Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư và Lilama làm tổng thầu. Tính đến đầu tháng 10/2017, Dự án đã chậm so với tiến độ dự toán hơn 16 tháng, trong đó có phần thiết kế, mua sắm trang thiết bị và thi công. Cụ thể, tiến độ thực thi dự án tổng thể theo kế hoạch là 65,2% nhưng thực tế chỉ thực hiện được 39,55%; kế hoạch thiết kế đặt ra 99,6%, chỉ đạt 85,14%; kế hoạch mua sắm 81,3%, thực tế đạt 49,90%; thi công đặt kế hoạch 61,5%, thực tế đã làm được 28,22%.

91b48fccda2c92b5de7a2b0b460080d3_SONG_HAU_2.jpg

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thị sát tiến độ thi công tại công trường Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1
Theo ông Hồ Xuân Hiền, tiến độ tổng thể dự án chậm do có nhiều hạng mục bị chậm so với tiến độ cấp 3, đặc biệt là gói thầu FGD làm ảnh hưởng đến mốc hoàn thành bàn giao tổ máy 1 bị chậm khoảng 16,5 tháng. Đối với móng máy tuabin và máy phát, nhà thầu PVC gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính, một phần khác do đơn giá dự toán, định mức rất thấp nên nhà thầu không đủ nguồn lực để tiếp tục thi công tất cả các hạng mục theo hợp đồng đã ký.

Để khắc phục sự chậm trễ về tiến độ thi công dự án, theo ông Hồ Xuân Hiền, Lilama đã phải thực hiện nhiều biện pháp mạnh như điều chuyển phạm vi công việc của PVC ở tổ máy số 1 cho nhà thầu khác, ứng tiền mua sắm vật tư vật liệu xây dựng, vật tư biện pháp thi công, làm việc tăng ca… Nhờ đó sự chậm trễ thi công móng tuabin, máy phát giảm còn hơn 6 tháng so với tiến độ cấp 3. Tuy nhiên, biện pháp này không thể thực hiện được cho tất cả các hạng mục khác khi nhà thầu không thực hiện được công việc do Lilama không thể bù lỗ thêm.

Đối với khu vực STG tổ máy số 1, nhà thầu PVC tiếp tục trả lại tất cả các phần việc xây dựng trong khu vực nhà tuabin #1. Lilama hiện đang tìm kiếm phương án thực hiện do các nhà thầu hiện tại đều từ chối thực hiện công việc này. Tuy nhiên rất khó có khả năng tìm kiếm được các nhà thầu khác thực hiện công việc do vướng mắc về đơn giá định mức thấp, không phù hợp với thị trường và biện pháp thi công thực tế, dẫn đến tiến độ chung của dự án có nguy cơ tiếp tục kéo dài thêm. Về công tác mua sắm, do công tác mua sắm vật tư trong nước thuộc phạm vi điều chỉnh, nghiệm thu thanh toán giá gặp nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ mua sắm, chế tạo, xây dựng, lắp đặt.

Ông Hồ Xuân Hiền đơn cử, định mức và đơn giá vật liệu xây dựng đầu vào tính theo công bố giá của địa phương cho các chủng loại phổ thông/thông dụng, nhưng theo yêu cầu kỹ thuật của dự án thì các chủng loại vật tư có tính đặc thù và tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao; do đó chi phí được thanh toán luôn không đủ bù chi phí thực tế nhà thầu mua sắm. Chưa hết, chi phí nhân công, vật tư tại khu vực thi công biến động tăng nóng theo tiến độ triển khai dự án, tuy nhiên các mức thang bảng lương và quy định hiện hành không phản ánh phù hợp với thực tế trên công trường.

b3899b3af12c7edf2c27be209b21f2de_SAONG_HAU_3.jpg

Công nhân đang ráo riết thực hiện hạng mục của dự án
Từ thực tế tiến độ thi công dự án chậm so với tiến độ, Ban Quản lý dự án và Tổng thầu Lilama kiến nghị cơ quan chức năng sớm có quyết định để gói thầu FGD có thể triển khai thực hiện, vì hạng mục này đang nằm trên đường găng tiến độ của dự án, ảnh hưởng đến mốc đốt than và bàn giao tổ máy số 1 và tổ máy số 2. Đối với phương thức thanh toán và điều chỉnh giá, trong quá trình thực hiện, các vướng mắc về đơn giá dự toán và cách thức lập dự toán, đặc biệt là các biện pháp thi công đặc thù đã làm chậm tiến độ thực tế rất nhiều. Thực tế, việc thống nhất về phương thức thanh toán và điều chỉnh giá cần phải xác định ngay 12 tháng sau khi hợp đồng có hiệu lực, nhưng đến nay đã 29 tháng vẫn chưa được phê duyệt, đề nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ sớm vướng mắc này.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá, Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 có nhiều yếu tố thuận lợi hơn các dự án lớn do Bộ Công Thương đang triển khai, nhưng tiến độ thực thi chậm đến 16,5 tháng so với dự toán là rất đáng quan ngại và các bên tham gia cần phải tìm giải pháp để tháo gỡ ngay. Theo Thứ trưởng, chỉ vì một gói thầu FGD trị giá khoảng 50 triệu USD mà làm chậm tiến độ cả một dự án trị giá 2 tỷ USD sẽ gây thiệt hại rất lớn. Do vậy, việc để chậm tiến độ thi công dự án, trách nhiệm ở đây thuộc về các thành phần gồm chủ đầu tư, tổng thầu, nhà thầu phụ tham gia, nhưng trách nhiệm chính vẫn là chủ đầu tư. Mục tiêu cuối cùng đối với dự án hiện nay là các bên cần sớm đưa ra được phương án để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng chất lượng công trình phải được đảm bảo.

Để Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 giải tỏa các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thi công, Thứ trưởng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trước mắt phải đảm bảo để Chính phủ có những bảo lãnh về tín dụng, nhằm phục vụ tốt nhất cho dự án. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình duyệt các thay đổi trong dự án, điều chỉnh trong thi công, vì đây là chuyện thường xảy ra trong thực tế, nhằm giải quyết ngay những vướng mắc. Xây dựng cơ chế hợp lý thanh toán tiền quy đổi (giữa USD và VND), tỷ giá sao cho hợp lý. Đối với tổng thầu Lilama, doanh nghiệp cần xác định lại trách nhiệm vì không thể cứ làm dự án nào cũng gây khó khăn và điều chỉnh. Thời gian tới, Lilama cần cập nhật lại tiến độ về gói thầu FGD có một tiến độ chính xác nhất, nâng cao trách nhiệm hợp tác, cung cấp thông tin, phối hợp tốt hơn với các nhà thầu phụ, có như vậy sự chậm trễ trong công tác thi công dự án mới giảm và khai thông những hạng mục khác.

Thế Vĩnh
Báo Công thương​
 

Việc làm nổi bật

Top