Ukraine và bài toán khí đốt từ Nga

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Bất chấp việc Nga xuống thang căng thẳng khi chấp thuận đề nghị của Đức duy trì một phần lượng khí đốt sang châu Âu đi ngang qua ngả Ukraine, Kiev vẫn không chấp thuận và yêu cầu Moscow phải giữ nguyên lượng khí trung chuyển như trước đây.

Nhùng nhằng không hồi kết

Câu chuyện khí đốt của Nga bán cho các nước châu Âu đi qua ngả Ukraine sau nhiều năm nhùng nhằng đến nay vẫn chưa có hồi kết. Cách đây 10 năm, việc vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine, chiếm từ 10% đến 15% lượng khí tiêu thụ ở châu Âu. Nhưng trong những năm gần đây đã giảm đáng kể, đặc biệt là kể từ khi tuyến đường ống Nord Stream 1 thông qua vùng Baltic được vận hành.

4977c6a8-4d4b-41d0-9c15-1a7d2f04ec31.jpg

Tổng Giám đốc Gazprom Alexei Miller cho biết đến đầu năm 2020, Gazprom có kế hoạch cắt giảm quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine.
Vì sao Nga lại muốn tránh Ukraine? Nếu không có gì xảy ra thì hệ thống dẫn khí đốt của Ukraine từ Nga qua châu Âu hằng năm đem về cho Kiev nhiều tỉ USD tiền cho thuê. Trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng giữa Moscow và Kiev liên quan tới vấn đề Crimea, lâu lâu Ukraine cũng tìm cách “bắt chẹt” Nga để hoặc được giảm giá mua khí đốt hoặc tăng tiền phí trung chuyển.

Đã có lần Ukraine làm căng khiến lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu bị ngưng trệ làm 11 nước châu Âu mất nguồn khí đốt để sưởi ấm trong mùa đông năm 2009 khi tại một số nơi nhiệt độ xuống đến âm 25 độ. Mọi việc dường như đều được giải quyết ổn thỏa nhưng chỉ được một thời gian sau đó rồi kịch bản cũ lại diễn ra.

Về phía châu Âu cũng ngán ngẩm và đã tìm cách tìm nhiều nguồn khí đốt khác để thay thế. Nga cũng tính tới các con đường khác đến châu Âu không qua Ukraine. Nhưng sự việc chỉ được đẩy lên đỉnh điểm khi xảy ra cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine liên quan tới bán đảo Crimea vào năm 2014.

Chỉ lúc này, Nga mới quyết tâm xúc tiến các dự án đường ống dẫn khí đốt né Ukraine. Ngoài tuyến Nord Stream 1 đã đi vào hoạt động, hiện Nga đang xây dựng thêm 2 đường ống dẫn khí là Nord Stream 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ để vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu, tránh đi qua Ukraine.

Dự án Nord Stream 2 gồm 2 đường ống dẫn dầu khí nối Nga sang Đức qua biển Baltic. Tổng công suất của 2 đường ống là 55 tỷ mét khối mỗi năm. Dự án phải được hoàn thành trước cuối năm 2019. Chi phí cho dự án ước tính khoảng 9,5 tỷ Euro.

Vào tháng 4-2017, các công ty năng lượng của châu Âu như Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall đã đạt được thỏa thuận với Gazprom về việc tài trợ cho dự án Nord Stream 2. Theo thỏa thuận, các đối tác châu Âu sẽ đầu tư 50% tổng chi phí dự án.

Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ mở những tuyến đường ống mới giúp đưa nguồn nhiên liệu khí đốt từ Nga vượt qua Biển Đen, cung cấp tới Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó vận chuyển tới các quốc gia phương Tây. Hệ thống này được chia thành 2 nhánh. Nhánh thứ nhất dành cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhánh thứ hai được thiết kế để xuất khẩu khí đốt cho các nước Nam Âu và Đông Nam Âu. Năng lực vận chuyển của mỗi nhánh theo công bố sẽ là 15,75 tỷ m3 khí đốt/năm. Nhánh thứ nhất của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu được lắp đặt vào nửa cuối năm 2017. Toàn bộ hệ thống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ được xây dựng hoàn tất và đưa vào vận hành trước ngày 31-12-2019.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 24 mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandre Novak cho biết Tập đoàn Gazprom của Nga đã lắp đặt được khoảng 50km đường ống dưới Biển Đen nằm trong dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặt khác, trong tuyên bố tại đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 6-2017, ông Alexei Miller, Tổng Giám đốc Gazprom cho biết, đến đầu năm 2020, Gazprom có kế hoạch cắt giảm quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine xuống còn khoảng 10-15 tỷ m3/năm thay vì mức bình quân hằng năm theo hợp đồng hiện nay vào khoảng 50-60 tỷ m3. Mặc dù trên thực tế thì trong năm 2016 khí trung chuyển qua Ukraine tăng 23%, đạt đến 82,2 tỷ m3.

Trong nửa đầu năm 2017, chỉ số này tiếp tục tăng trưởng, lượng khí đốt của Nga quá cảnh qua Ukraine tăng 21%, lên đến 45,7 tỷ m3. Vì vậy, việc giảm quá cảnh khí đốt ở mức 10-15 tỷ m3/năm sẽ là một thảm họa cho Ukraine. Về vấn đề này, hi vọng của Ukraine về khả năng ký tiếp một hợp đồng trung chuyển mới với Gazprom thay thế hợp đồng hiện tại sẽ hết hạn vào năm 2019, là rất mong manh. Ukraine hiện đang rất lo ngại về viễn cảnh mất vai trò trung chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ nước mình vì thế phải ráo riết tìm kiếm kế hoạch hành động.

Trong trường hợp khí đốt của Nga ngừng quá cảnh Ukraine, Kiev sẽ phải xem xét lại khả năng chuyển đổi công năng hệ thống vận chuyển khí đốt (GTS) và các kho ngầm lưu trữ khí đốt (UGS) của mình. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine, bà Boyko đề nghị nội các Ukraine chuẩn bị các biện pháp cần thiết cho viễn cảnh khí đốt của Nga sang châu Âu không còn quá cảnh Ukraine nữa. Bà cũng đề nghị thảo luận về khả năng sử dụng các UGS của Ukraine như một trung tâm cho việc lưu trữ khí đốt từ EU.

Ý tưởng về một trung tâm lưu trữ khí cho châu Âu, theo Boiko, là rất thú vị. Tuy nhiên, đối với Ukraine đó lại là một lựa chọn cực kỳ khó chịu. Do đó, Ukraine phải tìm mọi cách để giữ cho được vai trò quá cảnh khí đốt của Nga sang châu Âu, giữ hình ảnh một quốc gia quá cảnh đáng tin cậy cho châu Âu. Điều đó rất quan trọng đối với Ukraine.

Giáo sư Igor Yushkov, một chuyên gia có uy tín người Nga, cho rằng hệ thống đường ống của Ukraine “đã lạc hậu và cần được sửa chữa, song họ lại không có nguồn ngân sách để làm vậy. Nếu về lâu dài, đường ống của Ukraine không được Nga dẫn khí đốt liên tục, sẽ không có quốc gia nào chấp nhận đầu tư để bảo dưỡng cho nó. Tôi cho rằng Ukraine sẽ không còn là một trạm trung chuyển khí đốt như trước đây nữa khi thỏa thuận khí đốt giữa Ukraine và Gazprom hết hiệu lực vào năm 2019. Khả năng Ukraine tìm được một nhà cung cấp mới là rất khó”.

Oleg Obuhov, một chuyên gia người Nga khác, cho rằng nhìn chung hệ thống ống dẫn khí đốt của Ukraine rất được các nước chú ý. Nhưng chúng chỉ có giá trị khi có khí đốt của Nga được bơm qua. Song việc xây dựng 2 đường ống Nord Stream 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến giá trị của đường ống dẫn khí đốt của Ukraine dần tuột dốc.

Chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Ukraine

Để tự cứu mình, ngày 9-4 vừa qua, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có chuyến thăm bất ngờ tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để thảo luận về vấn đề năng lượng. Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của ông Poroshenko diễn ra trong bối cảnh Ankara đang hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trên nhiều vấn đề và Nga sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 đã và đang bị phương Tây cô lập cấm vận.

Trong cuộc đàm phán tại Istanbul, ông Poroshenko thảo luận về "việc thực hiện các dự án năng lượng chung" và "hợp tác 3 bên giữa Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar", theo tuyên bố của Phủ Tổng thống Ukraine. Kiev muốn nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar, một đồng minh quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Vịnh, thông qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ để bù đắp cho tổn thất năng lượng liên quan đến xung đột với Nga.

Sau chuyến thăm Qatar tháng 3 vừa rồi, ông Poroshenko thông báo rằng Doha đã sẵn sàng cung cấp khí tự nhiên cho Ukraine. Tuy nhiên, thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ là điều cần thiết để chuyển nhiên liệu này về Ukraine qua eo biển Bosphorus.

Nhưng quan trọng hơn cả là châu Âu cũng đang muốn tránh gánh nặng tài chính với Ukraine. Khi tiếp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Berlin ngày 10-4, Thủ tướng Đức Merkel nói: “Không thể có chuyện Ukraine không giữ vai trò nào trong dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2”, đồng thời cho biết đã nói rõ quan điểm với Tổng thống Putin trong một cuộc điện thoại giữa hai vị lãnh đạo Đức-Nga một ngày trước đó.

Cũng trong ngày 10-4, Tập đoàn Gazprom của Nga cho biết sẵn sàng duy trì việc vận chuyển khí đốt sang châu Âu đi qua Ukraine, như yêu cầu của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi chấp thuận cấp phép cho Nord Stream 2 đi ngang lãnh thổ Đức, nhưng với điều kiện sẽ giảm khối lượng.

"Một phần khí đốt từ Nga quá cảnh (thông qua Ukraine) có thể được bảo tồn, với khối lượng 10-15 tỷ mét khối mỗi năm, nhưng phía Ukraine phải chứng minh lợi ích kinh tế của một hợp đồng vận chuyển mới", Tổng Giám đốc Gazprom Alexei Miller nói trong một tuyên bố ngày 10-4.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 11-4, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Igor Nasalyk cho rằng khối lượng khí đốt mà Gazprom đề xuất quá ít và do đó không mang lại lợi ích cho quốc gia Đông Âu này. Theo ông Nasalyk, Ukraine sẽ phải đầu tư các nguồn lực riêng để duy trì việc vận chuyển khí đốt của Nga với khối lượng do Gazprom đề xuất.

Quan chức này cho rằng Nga cần cung cấp ít nhất 40 tỷ m3/năm để đảm bảo mang lại lợi ích kinh tế cho Kiev. Theo giới phân tích, việc phản đối để xuất của Gazprom còn là do Kiev nhận thấy nhu cầu mua khí đốt Nga của EU liên tục tăng cao - mà theo đề xuất của tập đoàn khí đốt Nga thì quyền lợi của Kiev lại đi xuống. Xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2016, lên 103 tỷ m3, doanh thu từ xuất khẩu khí đốt tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 17,891 tỷ USD.

Theo Gazprom, năm 2017, nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Nga tại Tây Âu và Trung Âu tăng mạnh với thống kê cho thấy xuất khẩu khí đốt của Nga sang Đức tăng 16,4%, sang Áo tăng 74,2%, sang Slovakia tăng 27,7%, sang Cộng hòa Séc tăng 27,1%.

Nhưng xem ra phản đối của Kiev khó lòng thay đổi được quyết định của Nga khi cắt giảm lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine. Việc Nga chỉ giữ lại chút ít lượng khí đốt qua Ukraine chẳng qua là muốn làm vừa lòng Đức khi nước này chấp thuận cho Gazprom triển khai tuyến đường ống Nord Stream 2 trên một phần lãnh thổ của họ.


M.T. (tổng hợp)
cand.com.vn
 

Việc làm nổi bật

Top