Mỏ dầu Bạch Hổ - chuyện giờ mới kể

Thảo luận trong 'Trong nước' bắt đầu bởi Oil Gas Vietnam, 27/4/18.

  1. Oil Gas Vietnam
    Offline

    Oil Gas Vietnam Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    13,587
    Đã được thích:
    114
    Điểm thành tích:
    63
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Bà Rịa - Vũng Tàu
    Được tìm thấy từ trước 30-4-1975, Bạch Hổ nằm yên dưới đáy biển suốt hơn một thập niên cho đến ngày được bùng lên với bao bí mật chưa kể...

    Bạch Hổ, mỏ dầu chủ lực quyết định thành - bại của ngành dầu khí Việt Nam, được tìm thấy từ trước 30-4-1975.

    [​IMG]
    Khi chiến tranh Việt Nam gần đến hồi kết, các công ty dầu quốc tế rút lui. Bạch Hổ nằm yên dưới đáy biển suốt hơn một thập niên cho đến ngày được bùng lên với bao bí mật chưa kể...

    Kỳ 1: Đạo luật dầu hỏa tham khảo Iran

    Thập niên 1960, nhiều quốc gia trong khu vực đã khai thác được dầu thương mại để làm giàu. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu rất hiểu điều này.

    Kinh tế VNCH thời chiến chưa có gì ngoài một nền nông nghiệp lỗ chỗ lỗ bom, pháo và nông dân luôn nhấp nhỏm chạy nạn chiến sự.

    Nhưng nhìn ra Biển Đông, Việt Nam có thềm lục địa rộng lớn, nhiều người biết chắc chắn nơi ấy có tài nguyên dầu khí...

    Đạo luật 011

    Tuy nhiên, để khởi động được nền công nghiệp dầu khí dù chỉ là bước đầu thăm dò, phải có cơ sở pháp lý. Một đạo luật dầu hỏa là không thể thiếu. Có nó mới có thể đàm phán được với các công ty dầu quốc tế, nhất là các công ty Mỹ.

    Đặc biệt, đạo luật này vô cùng cần thiết để VNCH bảo vệ được quyền lợi của mình và xây dựng nền hạ tầng nhân - vật lực phục vụ cho ngành dầu khí.

    Một số đạo luật dầu hỏa của các nước được nghiên cứu, nhưng cuối cùng chính quyền Sài Gòn chọn đạo luật của Iran để tham khảo xây dựng đạo luật cho riêng mình. Bởi Iran có nền công nghiệp dầu hỏa rất lớn, nhưng lại khởi đầu phụ thuộc vào phương Tây với nhiều kinh nghiệm mà miền Nam Việt Nam có thể học hỏi.

    Các chuyên gia Hồ Mạnh Trung, Võ Anh Tuấn thuộc Nha Tài nguyên thiên nhiên, Bộ Kinh tế VNCH, được giao chủ trì soạn thảo bộ luật mới mẻ này. Nền tảng đạo luật là hợp đồng đặc nhượng.

    Một nguyên tắc cơ bản mà những nước có tiềm năng dầu hỏa phải áp dụng khi phụ thuộc vào các công ty quốc tế có tiềm năng tài chính, khoa học và kỹ thuật để khai thác được.

    Nguyên tắc hợp đồng đặc nhượng đó là các công ty dầu khí quốc tế phải trả cho VNCH hai khoản thuế chính: nhượng tô 12,5% (tiền thuê đất) và thuế lợi tức 45-55% số lượng dầu sản xuất.

    Đạo luật cho phép thời gian các công ty tìm kiếm dầu khí là 5 năm, có thể gia hạn thêm 5 năm; riêng thời gian sản xuất là 30 năm, có thể gia hạn thêm 10 năm...

    Lần đầu tiên soạn thảo và chưa từng có trải nghiệm để chỉnh sửa nhưng đạo luật dầu hỏa VNCH được giới chuyên môn đánh giá khá chặt chẽ, chú trọng quyền lợi quốc gia. Toàn bộ đạo luật gồm 6 chương với 66 điều.

    Nội dung là những quy định cụ thể, chi tiết về việc thăm dò, khai thác dầu hỏa trên thềm lục địa và trên lãnh thổ VNCH từ vĩ tuyến 17 trở vào. Quyền đặc nhượng cho các công ty dầu hỏa do thủ tướng Chính phủ VNCH quyết định.

    Theo đó, các công ty quốc tế xin được cấp quyền đặc nhượng bắt buộc phải đóng trước 500 USD (hoặc 137.000 đồng tiền Sài Gòn). Số tiền nhỏ ban đầu này được gọi là tiền đăng ký chữ ký.

    Sau khi hợp đồng đặc nhượng được ký kết và tiến hành thăm dò, khai thác, họ còn phải đóng thêm các khoản tiền lớn bất khả hoàn cho Chính phủ VNCH.

    Đạo luật quy định cụ thể diện tích đặc nhượng tìm kiếm dầu hỏa được chia thành từng nhượng địa, mà sau này thường gọi là lô. Mỗi nhượng địa không quá 20.000km2. Mỗi công ty không được cấp quá 5 nhượng địa, tức không quá 100.000km2.

    Quy định này để có nhiều công ty tham gia, cạnh tranh với nhau cũng như tránh dẫn đến tình trạng chính phủ và ngành dầu hỏa quốc gia phải phụ thuộc quá nhiều vào sự độc quyền của một công ty quốc tế.

    Thời hạn quyền đặc nhượng tìm kiếm có thể biến động tùy theo từng trường hợp đàm phán hợp đồng, nhưng kéo dài trong khoảng 5-15 năm.

    Đặc biệt, riêng quyền đặc nhượng khai thác dầu hỏa Chính phủ VNCH xét cấp cho mỗi nhượng địa không quá 5.000km2 trong thời hạn không dài hơn 40 năm.

    [​IMG]
    Thành lập Ủy ban quốc gia dầu hỏa

    Sau một thời gian dài nghiên cứu, soạn thảo và lấy ý kiến, ngày 1-12-1970, ông Thiệu ký ban hành đạo luật dầu hỏa VNCH số 011/70.

    Tháng 6-1971, tổng trưởng kinh tế Phạm Kim Ngọc công bố sẽ cấp quyền đặc nhượng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu mỏ tại thềm lục địa với thể thức đấu thầu.

    Toàn bộ vùng này nằm trong thềm lục địa miền Nam Việt Nam, được chia thành 61 nhượng địa, tức 61 lô. Trong đó 60 nhượng địa có diện tích tương đối bằng nhau, riêng nhượng địa thứ 61 rộng hơn với tổng diện tích khoảng 300.000km2.

    Chính phủ VNCH sử dụng kết quả đo đạc địa vật lý lần thứ hai, năm 1970, của Công ty Ray Geophycical Madrel trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam để làm cơ sở cho các công ty đấu thầu...

    Tính từ thời điểm soạn thảo đạo luật dầu hỏa, chiến tranh ngày càng leo thang khốc liệt, nhưng các bước tiến nỗ lực thăm dò, khai thác dầu hỏa của VNCH được đánh giá là rất nhanh chóng. Ngay khi đạo luật dầu hỏa có hiệu lực, Ủy ban quốc gia dầu hỏa VNCH cũng được thành lập.

    Ngày 7-1-1971, chỉ một tháng sau khi đạo luật được phê chuẩn, thủ tướng Trần Thiện Khiêm ký sắc lệnh số 003-SL/KT thành lập Ủy ban quốc gia dầu hỏa. Chủ tịch ủy ban này cũng chính là tổng trưởng kinh tế Phạm Kim Ngọc.

    Đến tháng 6-1974, Chính phủ VNCH tiếp tục thành lập Tổng cuộc Dầu hỏa và khoáng sản để đẩy nhanh tiến độ khai thác, thăm dò dầu hỏa. Trụ trở tổng cuộc đặt tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi là văn phòng cũ của Nha Tài nguyên thiên nhiên.

    Tổng cuộc có năm phòng trực thuộc để làm việc, gồm Cuộc dầu hỏa, Nha kế hoạch huấn luyện, Cuộc khoáng sản, Trung tâm nghiên cứu địa chất, Nha hành chánh và kế toán. Trong đó, kỹ sư địa chất Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách Cuộc dầu hỏa, kỹ sư phụ dầu khí Phí Lê Sơn đảm nhiệm Nha kế hoạch huấn luyện.

    Kỳ tới: Tìm 3 bể dầu dưới thềm lục địa

    QUỐC VIỆT
    Báo Tuổi Trẻ
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/4/18

Chia sẻ trang này