Ngành dầu khí đóng góp cho GDP khoảng 10%

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sáng 10-9, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp Báo Đại biểu Nhân dân, Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Ngành Dầu khí Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0”, trong đó ghi nhận nhiều vấn đề khó khăn, thách thức mà ngành dầu khí đang phải đối diện, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương vào cuộc tháo gỡ.

bda70138ffe82b08fb644b5854ed8c84.jpg

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã chỉ ra hàng loạt các vấn đề khó khăn, vướng mắc mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang phải đối diện như: việc thực hiện Luật Dầu khí gặp nhiều vướng mắc, công tác đầu tư ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn, về bảo lãnh Chính phủ và thu xếp vốn cho các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, việc tích hợp, áp dụng giữa các luật (Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công…) đang khá phức tạp khiến PVN khó có thể triển khai được công việc liên quan. Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ trong những năm qua như: Nộp ngân sách nhà nước hằng năm chiếm tỷ trọng 9 đến 11% tổng thu ngân sách và chiếm 16,5 đến 17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng nộp ngân sách nhà nước từ dầu thô chiếm 5 đến 6% tổng thu ngân sách chung của nhà nước và 7 đến 9% tổng thu ngân sách Trung ương; đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm 10 đến 13%; ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn hiện tại tập trung vào năm lĩnh vực, gồm: Tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí; chế biến dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí.


Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San phát biểu tại buổi tọa đàm.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San khẳng định: Dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà còn là chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước, liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm sự tự chủ về nhiên liệu, nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế như nông nghiệp (phân bón), hóa dầu như nhựa và sản phẩm tiêu dùng chất dẻo, nguyên liệu xuất xứ nội địa cho các ngành dệt may, da giày, các sản phẩm hóa chất… và đặc biệt là động lực phát triển kinh tế vùng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp ngân sách nhà nước,...

Qua trao đổi, thảo luận, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất cho rằng, cần phải bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí và các văn bản pháp quy dưới luật cho phù hợp với bối cảnh dầu khí hiện nay, bảo đảm tính hấp dẫn đầu tư, đồng thời kiến nghị cần có một định chế phù hợp để điều tiết chuỗi giá trị của ngành dầu khí. Kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, ngành công nghiệp dầu khí quan trọng của nền kinh tế thì phải có chính sách phù hợp để phát triển toàn bộ chuỗi hoạt động dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Nhưng vấn đề pháp lý đặt ra với PVN đến thời điểm này đã có sự thay đổi về chủ sở hữu, về bối cảnh phát triển khi giá dầu có sự sụt giảm mạnh, hoạt động tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng sụt giảm, khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn.

Do đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ủy ban Ngân sách Quốc hội sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, thảo luận tại buổi tọa đàm đồng thời xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung sửa đổi Luật Dầu khí vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội giai đoạn 2019-2020 của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14.

 

Việc làm nổi bật

Top