Nhà đầu tư Dầu khí rút khỏi Việt Nam: "Trong rủi, có may" ?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sự ra đi của hàng loạt nhà đầu tư khỏi các dự án dầu khí tại Việt Nam có khi lại là sự may mắn?

Điểm lại các dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí gần đây, đa phần đều trong trạng thái tạm dừng hoặc rút hoàn toàn, trong khi đó với những dự án đang triển khai dở dang thì thời điểm này vẫn “án binh bất động”. Đơn cử như dự án lọc dầu Nhơn Hội, một dự án được xem vào hàng “khủng” của nhà đầu tư là tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) tại Bình Định là dự án Victory lên tới 22 tỷ USD. Dự án này được xới lên từ cách đây 4 năm khi giá dầu đang ở mức cao ngất ngưởng và từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương. Lẽ ra, thời điểm này đã phải triển khai việc cấp chứng nhận đầu tư nhưng theo đại diện Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định thì nhà đầu tư này có vẻ như vẫn đang nghe ngóng tình hình giá dầu thế giới để quyết định có triển khai hay không khi hẹn với Ban quản lý rằng phải tới giữa năm 2016 họ mới có câu trả lời chính thức.

Một thương vụ “nổi đình, nổi đám” khác trong giới đầu tư dầu khí gần đây là việc Tập đoàn Gazprom Neft (GPN – Nga) đánh tiếng muốn mua lại 49% cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Khi đó, hai bên đã có những thỏa thuận về những ưu đãi cho Gazprom Neft khi thương vụ hoàn tất. Nhưng thông tin chính thức mới đây cho hay, Gazprom Neft cũng đã ra đi, để lại bao sự tiếc nuối về một thương vụ mang nhiều ý nghĩa trong hợp tác dầu khí Việt – Nga.

Một dự án khác là dự án Lọc đầu Long Sơn ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Qatar có tổng mức đầu tư 4,5 tỉ USD mới đây cũng đã xin rút với lý do tái cơ cấu chiến lược của tập đoàn, để lại bao sự dở dang khi dự án phải tìm nhà đầu tư khác thay thế.

Dù khi rút mỗi dự án đều có những lý do riêng, nhưng theo giới phân tích thì không có lý do nào khác ngoài việc giá dầu thế giới giảm theo kiểu “xuống dốc không phanh”, nguồn cung từ các nước OPEC, Nga… thừa thãi khiến nhà đầu tư phải tính toán chi phí.

Thực ra, việc triển khai các dự án dầu không chỉ ở VN mới dừng mà trên thế giới, nhiều dự án dầu khổng lồ cũng phải dừng đầu tư vô thời hạn trước sự lao dốc giá dầu thấp nhất kể từ 13 năm trở lại đây. Hàng loạt các dự án đầu tư dầu khí ở Mỹ, Trung Đông… đã ngừng không triển khai. Theo tính toán của hãng tư vấn Wood Mackenzie, có đến 68 dự án dầu khí lớn trên thế giới với tổng trị giá 380 tỉ USD đã và đang bị trì hoãn.

duan.jpg

Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, có khi với VN điều này lại là may mắn và câu “trong cái rủi có cái may” chưa bao giờ đúng hơn nếu gắn với câu chuyện này. Bởi xét cho cùng thì lượng trữ dầu của VN tuy lớn nhưng cũng có giới hạn, lâu nay chúng ta đã khai thác khá nhiều, trung bình khoảng 14-15 triệu tấn dầu thô /năm và với đà khai thác như hiện nay và đặc biệt nếu các dự án trên suôn sẻ thì chỉ khoảng 10 – 20 năm nữa các mỏ dầu ở VN sẽ cạn kiệt. Đây là điều không tốt nếu tính về lâu về dài cho nền kinh tế cũng như vấn đề an ninh năng lượng của VN.

Chưa hết, theo tính toán của các chuyên gia các dự án lọc dầu xét về mặt kinh tế không mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn, tiếng là các dự án này toàn thuộc vào hàng khủng, vốn lên tới cả chục tỷ USD nhưng lại không mang lại nhiều công ăn việc làm cho người lao động như những lĩnh vực khác. Trong khi lại hút tài nguyên thiên nhiên để bán, tác động không tốt tới môi trường. Trên thế giới, nhiều nước đã phải chuyển các dự án lọc dầu tới các đảo ngoài biển ít người sinh sống để triển khai nhằm tránh những tác động tới môi trường và xã hội.

Bởi vậy, đây rõ ràng là cơ hội để chúng ta cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư, xem xét giảm thiểu các dự án đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Nhất là khi VN đã tham gia vào các Hiệp định FTA, nền kinh tế VN đang rất cần tập trung nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao nhằm phục vụ sản xuất, gia tăng hàm lượng chất xám, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, đảm bảo cho nền kinh tế VN phát triển hiệu quả và bền vững.

Quốc Anh - Enternews.vn
 

Việc làm nổi bật

Top