Phát thải từ nhiệt điện than đang gây sức ép lên môi trường

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Lượng phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than trong cả nước đang gây sức ép ngày càng lớn lên môi trường nên cần phải có phương án xử lý hiệu quả, theo thông tin tại hội thảo diễn ra ngày 3-10 tại Cần Thơ.

Tại hội thảo “Sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực ĐBSCL”, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, cả nước hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động với hai loại công nghệ lò đốt. Trong số các nhà máy này, có 13 nhà máy sử dụng công nghệ lò đốt than phun (pulverised combustion) và 8 nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn (circulating fluidizing bed).

3416f_20160925_085652.jpg

Ông Bắc dẫn Quy hoạch điện 7 điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 cho biết, dự kiến đến năm 2030 cả nước có đến 57 nhà máy nhiệt điện than, tăng 36 nhà máy so với hiện nay.

Theo ông Bắc, với số nhà máy nhiệt điện than như quy hoạch và lượng tro xỉ thải ra không được xử lý, thì đến năm 2018 lượng tro xỉ phát sinh là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 tăng lên mức 248 triệu tấn và dự báo sẽ cán mức 422 triệu tấn vào năm 2030.

Trong khi đó, với số nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động trong cả nước (21 nhà máy), dự kiến đến cuối năm 2017, lượng tro xỉ và thạch cao tồn chứa trên cả nước sẽ đạt đến 40 triệu tấn.

Riêng tại khu vực ĐBSCL, theo ông Bắc, hiện có ba cụm nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ đốt than phun, gồm nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Long Phú và Sông Hậu, trong đó, các nhà máy đang vận hành gồm nhiệt điện Duyên Hải I và III với tổng công suất 1.445 MW, mỗi năm thải ra 1,8 triệu tấn tro xỉ.

Theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, dự kiến đến năm 2020, các nhà máy nhiệt điện Long Phú I, II; sông Hậu I, II và Duyên Hải III mở rộng sẽ đưa vào hoạt động, nâng tổng công suất lên 5.505 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 16,52 triệu tấn than và thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro xỉ. “Từ sau năm 2020 đến 2030, sẽ có thêm 9 nhà máy hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 18.225 MW, mỗi năm tiêu thụ 54,68 triệu tấn than và thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro xỉ”, ông Bắc cho biết.

Trong tài liệu được cung cấp tại hội thảo, ông Đinh Quốc Dân, Phó viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, trung bình để sản xuất ra 1 kWh điện (sử dụng nhiên liệu là than cám) sẽ thải ra 0,9-1,5 kg tro xỉ; để sản xuất ra 1 MW điện cần đến 4 tấn than và sẽ thải ra khoảng 1 tấn tro xỉ.

“Như vậy, một nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW vận hành trong 5 năm sẽ phát thải 5 triệu tấn tro xỉ và cần đến 30 héc ta để chôn lấp”, báo cáo của ông Dân cho biết.

Cũng theo báo cáo này, hiện bãi thải của các nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động chiếm một diện tích lên đến 709 héc ta và dự kiến sau năm 2020 tổng diện tích bãi thải theo thiết kế sẽ là 1.895 héc ta. "Khối lượng phát thải này đang tạo sức ép ngày càng lớn lên môi trường và chiếm diện tích đất để tồn chứa ngày càng lớn. Việc tiếp tục phát thải tro xỉ mà không có biện pháp tiêu thụ, xử lý sẽ dẫn đến các chi phí sử dụng đất, chi phí làm bãi chôn lấp, chi phí xử lý tro xỉ, vận hành bãi thải sẽ tiêu tốn cả nghìn tỉ đồng mỗi năm”, trích báo cáo của ông Dân.

Để giải quyết bài toán tro xỉ than phát sinh dự báo sẽ rất lớn như nêu ở trên, nhiều đại biểu tại hội thảo gợi ý nên tận dụng tro xỉ để sản xuất vật liệu xây dựng; làm vật liệu san lấp; xây dựng các công trình, mặt đường giao thông; gia cố nền móng công trình xây dựng…

Tuy nhiên, trên thực tế đến nay việc áp dụng vẫn chưa được phổ biến và một vấn đề khác cũng cần làm rõ, đó là phải có đánh giá rõ ràng có hay không những tác động đến môi trường, nếu sử dụng tro xỉ để rải mặt đường giao thông hay chôn lấp ở các công trình xây dựng...

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo về lý do ứng dụng tro xỉ chưa phổ biến, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương giải thích, thứ nhất là do thói quen của người sử dụng; thứ hai là các khuôn khổ về pháp lý vẫn chưa đầy đủ. Hiện vẫn còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các hướng dẫn kỹ thuật và các định mức kinh tế trong việc sử dụng tro xỉ ở các mục đích như nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hay sử dụng trong các công trình xây dựng...

Tại hội thảo, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, có 7 đối tác đã ký hợp đồng tiêu thụ hơn 2,9 triệu tấn tro xỉ của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I và III, bằng 210% tổng lượng tro xỉ trung bình hàng năm của 2 nhà máy và bằng 160% lượng tro xỉ đang lưu giữ tại bãi thải xỉ. Tuy nhiên, các đối tác tiếp nhận thực tế theo báo cáo của EVN hiện chỉ ở mức 68.145 tấn.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top