Quan điểm trái chiều về dự thảo nghị định kinh doanh khí mới

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí (LPG – còn gọi là gas) được khá nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Nam ví như “cô gái cởi truồng” khi không còn bất kỳ quy định nào về vỏ bình, trạm chiết… và lo lắng thị trường sẽ “loạn”.

Bà Lê Tuyết Lan, phụ trách pháp lý của Công ty Total Gas bình luận Bộ Công Thương và ban soạn thảo đã có sự tiến bộ khi quy định các điều kiện kinh doanh phù hợp hơn với Luật Dân sự, Luật Thương mại, theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, “cởi trói như vậy là cởi hết”!

Theo bà Lan, không rõ ban soạn thảo cố tình hay hữu ý không nhắc đến việc sở hữu vỏ bình, trong khi Nghị định 107 (nghị định quản lý thị trường gas đầu tiên) quy định rất chặt chẽ. "Không có quy định về sở hữu vỏ bình với thương nhân đầu mối như vậy, khi bị cơ sở khác lấy chai, sang chiết lậu thì làm sao có cơ sở pháp lý để xử lý?”, bà Lan đặt câu hỏi.

Cũng theo bà Lan, không quy định phải sở hữu vỏ bình, doanh nghiệp chỉ cần ra thu gom vỏ trên thị trường của đơn vị khác là có thể hoạt động.

Đại diện Công ty Cội Nguồn, một liên doanh với Úc cũng cho rằng, với việc bỏ hàng loạt điều kiện, chẳng hạn như vỏ bình, dự thảo nghị định mới quá cởi mở, hơn mức cần thiết, với một ngành kinh doanh đặc thù, có điều kiện như gas.

Ông đề nghị, nếu cơ quan quản lý đã muốn thông thoáng như vậy thì nên đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa gas ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

c6e78_20170324_093402.jpg

Ông Nguyễn Thế Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Ân ở Tây Ninh cũng cho rằng dự thảo nghị định này cởi trói quá đà, sẽ không ai kiểm soát nổi các trạm sang chiết gas. Các trạm sẽ mọc lên như nấm sau mưa vì chỉ cần đầu tư hai tỉ đồng.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, đại diện của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cho rằng, đặc thù ngành này là kinh doanh ruột trong vỏ bình (tức phải có vỏ bình mới bán được gas). Vỏ là quyền sở hữu của từng công ty. Không quy định rõ về quyền này sẽ tạo ra sự bát nháo trên thị trường khi đơn vị nào cũng có thể thu gom và sang chiết lậu.

Ngược với các ý kiến trên, cũng có không ít ý kiến đồng tình với sự cởi trói của Bộ Công Thương tại dự thảo nghị định kinh doanh khí này.

Ông Trần Trung Nhật, Giám đốc Công ty Gas Thái Dương (Tây Ninh) bày tỏ ông rất tán thành với quy định tại dự thảo. Bởi lẽ, như vậy là tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và phù hợp với quy luật vận hành của thị trường: có doanh nghiệp lớn, có doanh nghiệp nhỏ…

Ông Nhật cho rằng, các quy định pháp luật về việc xử lý vi phạm trong hoạt động sang chiết gas đều đã có sẵn. Ai vi phạm, cứ theo đó xử lý. Nặng thì truy tố hình sự. Nhẹ hơn thì xử phạt hành chính. Lâu nay, những trạm sang chiết gas vi phạm mà vẫn hoạt động kéo dài được là vì cơ quan thực thi pháp luật không nghiêm.

Đại diện một công ty khác đánh giá dự thảo nghị định mới tạo bình đẳng cho người kinh doanh. Lâu nay, giá một bình gas đến tay tổng đại lý chỉ hơn 230.000 đồng nhưng bán ra từ 340.000 - 370.000 đồng, vì hệ thống phân phối đang bảo kê cho những "ông cá mập", không bảo vệ doanh nghiệp nhỏ. Mọi thứ của thị trường thì hãy để thị trường tự điều tiết…

Buổi hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp khu vực phía Nam về dự thảo nghị định kinh doanh khí diễn ra hôm nay, 24-3-2017, tại TPHCM, do ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công Thương và ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chủ trì. Đây là buổi hội thảo thứ hai sau buổi tại Hà Nội diễn ra vào 22-3-2017.

Theo đại diện Bộ Công Thương, mọi ý kiến sẽ được ghi nhận đầy đủ trong báo cáo đánh giá tác động trình lên Chính phủ. Và đây chưa phải là hội thảo cuối cùng.

Dự thảo nghị định kinh doanh khí mới này đã thay đổi gần như hoàn toàn so với Nghị định 19/2016/NĐ-CP khi các doanh nghiệp gần như không còn phải đáp ứng bất kỳ điều kiện nào về vỏ bình, trạm chiết, kho chứa…

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top