Thoái vốn khỏi các dự án thua lỗ: vướng nhất chỗ nào?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Chính phủ và Bộ Công Thương đã đưa ra hàng loạt phương án để xử lý 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ với các giải pháp tưởng như rất cụ thể. Nhưng điều này có dễ thực hiện?

Việc thoái vốn nhà nước, chuyển nhượng dự án với mục tiêu đến hết năm 2018 hoàn tất việc xử lý cả 12 dự án (theo thông cáo báo chí về nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4-2017) có khả năng sẽ khó về đích như lộ trình đề ra. Bởi những “món hàng” mà Chính phủ và Bộ Công Thương đưa ra thị trường không đơn giản chỉ là “món hàng” kém chất lượng.

Khi nhà nước rút vốn

Quan điểm nhất quán ngay từ năm 2016 của Chính phủ khi xử lý 12 dự án thua lỗ thuộc ngành công thương (ban đầu là năm dự án, sau tăng thêm bảy dự án khác) là không cấp thêm tiền vào bất kỳ dự án nào. Thậm chí Chính phủ còn yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rút 1.000 tỉ đồng mà SCIC đã góp vào Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - TISCO (giai đoạn 2) từ năm 2014 theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng chưa giải ngân được nhằm bảo toàn vốn.

19395_thoai_von_khoi_cac_du_an_thua_lo....jpg

Chính phủ đã đưa ra các hướng xử lý cụ thể với từng dự án diễn ra trong bối cảnh 6/12 dự án đang được vận hành sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ; ba dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn; ba dự án đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn. Tính đến hết năm 2016, tổng số lỗ lũy kế của 10/12 nhà máy là 16.126 tỉ đồng. Số lỗ này gấp 4 lần so với tổng số vốn chủ sở hữu còn lại của các nhà máy (3.985 tỉ đồng). Tổng nợ phải trả của các dự án là 55.063 tỉ đồng, cũng gần bằng tổng tài sản của tất cả các nhà máy (57.679 tỉ đồng).

Theo đó, có 9/12 dự án đặt ra cái đích xử lý cuối cùng là thoái vốn, chuyển nhượng toàn bộ (ba dự án sản xuất ethanol, bốn dự án sản xuất phân bón, dự án sản xuất sơ xợi Đình Vũ, dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2) cho dù phải qua các giai đoạn tái cơ cấu khác nhau. Với Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam, thực hiện bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền. Với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, cho phá sản. Chỉ có dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Nhà máy Gang thép Lào Cai, phương án xử lý là tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với TBKTSG, một số nhà đầu tư lớn chuyên mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và xử lý nợ cho rằng thua lỗ không phải là vấn đề khó giải quyết nhất ở các dự án này. Vấn đề hàng đầu là trong cơn bĩ cực, Chính phủ lại là nhà đầu tư đầu tiên có những động thái rút nhanh khỏi các dự án (như cách rút 1.000 tỉ của SCIC ra khỏi dự án TISCO giai đoạn 2) thay vì tìm cách tái cơ cấu trước.

“Chính phủ rút vốn rất nhanh, trong khi cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tài chính, điều chỉnh điều kiện vay vốn... lại chưa rõ ràng gì”, lãnh đạo một công ty mua bán, sát nhập doanh nghiệp nói. Ông cho rằng, đây là một điểm trừ khi đặt các dự án, ví dụ như TISCO giai đoạn 2, lên bàn đàm phán.

Công nghệ sản xuất và thị trường

Tiếp theo, điều khiến cho các nhà đầu tư ngần ngại là công nghệ sản xuất và thị trường tại các dự án ngàn tỉ đều quá cũ hoặc không phù hợp, xuất phát từ các quyết định đầu tư sai lầm. Theo tính toán, việc bỏ vốn đầu tư mới các dự án tương tự còn khả thi hơn nhiều việc rót tiền vào chỗ “ngàn tỉ” đắp chiếu.

Ví dụ như ở dự án Nhà máy Sản xuất sơ xợi Đình Vũ (PVTex) của tập đoàn Dầu khí, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc PVTex đã không tổ chức thẩm định tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, nội dung dự án không đảm bảo phù hợp, đồng bộ với thiết kế kỹ thuật tổng thể làm tăng sai một số khoản chi phí lên đến 38,7 triệu đô la Mỹ. Hậu quả là chất lượng sản phẩm không ổn định, trong khi nhà máy xa vùng nguyên liệu và thị trường.

Tại dự án Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam (Long An), tháng 6-2012 đã chạy thử có tải không thành công do nguyên liệu đay của Long An không phù hợp với công nghệ sản xuất. Tổng công ty Giấy Việt Nam - nơi nhận bàn giao dự án - đã điều chỉnh công nghệ và nguyên liệu, thay cây đay bằng gỗ cây tràm cừ nhưng không hiệu quả về mặt kinh tế. Sau nhiều rà soát, Bộ Công Thương phải khẳng định dự án không đạt được mục tiêu ban đầu do công nghệ, thiết bị, nguyên liệu, thị trường...không hiệu quả, khả thi nên phải dừng toàn bộ.

Tại hai dự án sản xuất phân đạm Hà Bắc và đạm Ninh Bình, công nghệ sản xuất u rê từ than đã lỗi thời, mua than với giá cao nên không thể cạnh tranh được với các dự án sản xuất phân đạm từ khí nên bài toán đầu ra cũng cực kỳ nan giải.

Vướng mắc với nhà thầu

Hiện nay, vướng mắc với các nhà thầu, nhất là tổng thầu EPC, đặc biệt là tổng thầu EPC Trung Quốc, đều quá nan giải với các chủ đầu tư hiện tại, chưa nói người đến sau.

Dự án đạm Ninh Bình vướng mắc với tổng thầu EPC (Tổng công ty Thầu khoán Hoàn Cầu, Trung Quốc), đàm phán từ tháng 9-2012 đến nay chưa xong. Dự án TISCO giai đoạn 2 vướng mắc với Tổng thầu MCC (tập đoàn Luyện kim Trung Quốc) nên dừng thi công từ năm 2012. Trong lúc còn tranh chấp, có gói thầu chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu đến 93% giá trị, trong khi các ngân hàng từ chối giải ngân vì vướng mắc thì đàm phán lại rất khó. Dự án nhà máy sản xuất ethanol Dung Quất cũng không thể quyết toán do chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất tranh chấp phát sinh hợp đồng EPC...

Khi các tranh chấp còn chưa ngã ngũ, khó rạch ròi thì liệu nhà đầu tư nào dám nhảy vào?

Hiện trạng thua lỗ, nợ nần

Và vấn đề cuối cùng mới là bài toán xem xét hiện trạng tài chính thua lỗ, nợ nần ở các dự án. Trong 55.000 tỉ đồng tổng nợ phải trả của 12 dự án thì nợ phải trả Ngân hàng Phát triển (VDB) là 10.663 tỉ, nợ vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299 tỉ đồng (mà phần lớn, từ lâu, Chính phủ đã đứng ra trả thay, như với dự án Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam).

Hầu hết các nhà máy đều đã ngưng sản xuất, ngưng đầu tư, nên không có dòng tiền để trả nợ, thì các khoản vay có nguồn gốc từ vốn ngân sách, tín dụng nhà nước sẽ được xử lý thế nào? Có cơ chế đặc biệt hay ân hạn về trả nợ gốc và lãi cho từng dự án không trong khi bài học về xử lý nợ Vinashin và Vinalines kéo dài nhiều năm chưa đến hồi kết và hiệu quả rất kém?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top