Trung Quốc cân nhắc nguồn cung dầu giữa cuộc chiến thương mại với Mỹ

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Thị trường nông nghiệp và năng lượng đã chuẩn bị cho những rắc rối khi Trung Quốc săn tìm nguồn cung thay thế.

Mục tiêu đáp trả đầu tiên của Bắc Kinh sau khi Mỹ áp thuế lên 34 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc hôm 6.7 chủ yếu là đậu tương và các sản phẩm nông nghiệp. Nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng có kế hoạch đánh thuế lên 25% dầu thô và các mặt hàng năng lượng khác, khi Washington chính thức áp thuế lên 16 tỉ USD giá trị hàng hóa còn lại của nước này.

Theo Nikkei, Trung Quốc là nước tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới, 90% nhu cầu của họ phụ thuộc vào nhập khẩu. Chỉ tính riêng Mỹ đã chiếm hơn 30% tổng tiêu thụ đậu nành của quốc gia châu Á. Hiện tại, Trung Quốc đang săn tìm các nguồn cung cấp thay thế sau khi ngưng mua đậu nành từ Mỹ.

tno_hang-hoa-toan-cau-dang-trong-chuyen-di-gap-ghenh_qlmz.jpg

Các container tại cảng ở San Pedro, California, Mỹ. ẢNH: REUTERS
Brazil hiện là nguồn cung đậu nành chính của Trung Quốc, nhưng nhiều khả năng cũng không đủ để bù đắp cho sự mất mát lượng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ. Tình trạng này sẽ đưa Nga và Trung Á vào danh sách thay thế. Cả hai đều là những lựa chọn hấp dẫn vì sáng kiến “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc đang rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa thông qua khu vực Âu - Á. Xuất khẩu đậu nành của Nga sang Trung Quốc đạt tổng cộng 850.000 tấn kể từ tháng 7.2017, tăng 2,5 lần so với một năm trước đó.

Trung Quốc cũng phụ thuộc vào Kazakhstan đối với đậu nành và lúa mì. Bộ Nông nghiệp Kazakhstan muốn đẩy mạnh xuất khẩu lúa mì sang quốc gia tỉ dân, và đang nhắm mục tiêu bán 1 triệu tấn vào năm 2020, gần gấp ba lần so với năm 2016. Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev tháng trước đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh với Chủ tịch Tập Cận Bình, tại đó hai bên đã đồng ý mở rộng quan hệ trong giao thông vận tải, nông nghiệp và các lĩnh vực khác.

Hiện Bắc Kinh vẫn chưa quyết định cách đáp trả đối với vòng áp thuế thứ hai của Washington lên 16 tỉ USD giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể nước này đang xem xét đến dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai của Mỹ, sau Canada. Trong ba tháng đầu năm 2018, số lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Mỹ tăng gấp đôi so với một năm trước đó, lên 350.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, Mỹ chỉ chiếm khoảng 3,5% lượng dầu nhập khẩu của quốc gia châu Á, trong khi Trung Quốc chiếm khoảng 20% xuất khẩu dầu thô của Mỹ. Thuế quan của Bắc Kinh có thể đặt phanh lên xuất khẩu dầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới ở vào thời điểm Mỹ đang cố gắng mở rộng lĩnh vực này.

“Trong khi Trung Quốc có thể đảm bảo lượng dầu thô từ các nguồn khác… Mỹ sẽ khó tìm được một thị trường thay thế lớn như Trung Quốc”, theo công ty nghiên cứu Anh Wood Mackenzie.

Nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ chuyển sang mua dầu thô từ Angola và các nước Trung Đông, còn dầu thô nhẹ sẽ mua từ Nigeria. Nga cũng có thể sẽ xuất khẩu dầu sang nước láng giềng. Tháng 11.2017, Nga đã hoàn thành đường ống Đông Siberia - Thái Bình Dương thứ hai để chuyển dầu thô từ phía đông Siberia đến đông bắc Trung Quốc. Việc mở rộng cơ sở hạ tầng đã tăng gấp đôi lượng dầu mỏ mà Nga có thể đưa sang Trung Quốc, lên tới khoảng 30 triệu tấn mỗi năm.

Theo ông Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cấp cao tại NLI Research Institute, tác động của cuộc chiến thương mại lên nhập khẩu dầu thô Trung Quốc là “trung lập” đối với thị trường toàn cầu vì nước này có thể dễ dàng mua dầu từ các nước khác. Tuy nhiên, nó sẽ làm tổn thương dầu thô WTI của Mỹ bằng cách tạo ra tình trạng dư thừa ngay tại thị trường Mỹ, ông Ueno dự đoán.

Căng thẳng leo thang cũng có khả năng ảnh hưởng đến thị trường khí ga hóa lỏng (LPG), chẳng hạn như propane, sản phẩm được phát triển do cuộc cách mạng đá phiến ở Mỹ. Theo Nikkei, Mỹ cung cấp khoảng một phần tư propane nhập khẩu của Trung Quốc. Con số này có thể sẽ giảm nếu Bắc Kinh nhắm mục tiêu đánh thuế vào khí đốt.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã sẵn sàng phản ứng. Theo một nguồn tin công nghiệp, một nhà nhập khẩu của nước này đang tìm cách mua LPG từ Trung Đông để thay thế cho lượng hàng mua từ Mỹ.

Quốc gia châu Á bề ngoài dường như tỏ ra quyết tâm không nhúc nhích trong việc đối mặt với Mỹ, nhưng danh sách hàng hóa của Mỹ phải chịu thuế trả đũa cho thấy Bắc Kinh đang cân nhắc rất kỹ các lựa chọn của mình. Mặc dù dầu thô và khí ga hóa lỏng nằm trong danh sách tiềm năng bị áp thuế, nhưng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lại vắng mặt. Nguyên nhân là do nó rất quan trọng đối với kế hoạch giảm ô nhiễm không khí của Trung Quốc, bằng cách thoát khỏi tiêu thụ than. Hơn nữa, áp đặt mức thuế cao đối với LNG từ Mỹ có thể sẽ gây ra lạm phát.

Báo Thanh Niên
 

Việc làm nổi bật

Top