Ngành dầu khí: Nhà nước sợ 'mất ưu thế' thì không thể phát triển

THB

Administrator
Thành viên BQT
Nếu không cổ phần hóa doanh nghiệp dầu khí nhà nước và chia sẻ đầu tư cũng như rủi ro sang các doanh nghiệp tư nhân, ngành dầu khí sẽ không thể phát triển.

Đến thăm trụ sở Tập đoàn dầu khí Petronas (Malaysia) hôm 19-11, đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Lãnh đạo trẻ ASEAN+ được nghe chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển nhanh chóng của tập đoàn dầu khí thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (theo bình chọn của Fortune Global).


Ông M. Redhani A. Rahman, Tổng Giám đốc của Petronas chia sẻ vể Petronas với các Lãnh đạo trẻ ASEAN+ tại Malaysia. Ảnh: ZAMRI

Ông M. Redhani A. Rahman (40 tuổi), Tổng Giám đốc của Petronas cho biết từ một công ty dầu khí thuần túy của chính phủ, để trở thành một tập đoàn có hạng trên thị trường quốc tế, Petronas đã tiến hành quá trình thu hút đầu tư từ khu vực đầu tư tư nhân trong nước lẫn nước ngoài.

Một công ty muốn vươn ra quốc tế thì (nhà nước) không thể nắm giữ hay sở hữu 100% cổ phần, vì yêu cầu về vốn cũng như rủi ro gặp phải là rất lớn.

“Năm 2001, chúng tôi quyết định sẽ phát triển để trở thành một công ty có tầm cỡ thế giới. Trong tiến trình hội nhập vào cuộc chơi quốc tế, muốn có chỗ đứng trên thị trường nhiều quốc gia, thì phải chia sẻ việc nắm giữ cổ phần cho nhiều đơn vị khác. Thế nên chúng tôi quyết định kêu gọi đầu tư vốn và công nghệ, nhà nước chỉ nắm 60% tổng vốn đầu tư. Nhờ đó chúng tôi thu hồi được một lượng lớn tiền vốn và giảm được rất nhiều rủi ro”.

Mặt khác, Petronas tiến hành nhiều chính sách nhằm giảm thiểu các rủi ro ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư, để nhà đầu tư an tâm rót tiền và các dự án mà Petronas đề xuất, thực hiện. Việc này không chỉ giúp chính phủ Malaysia nhẹ gánh, mà còn có thêm vốn, công nghệ và cả kinh nghiệm quản lý được tham mưu từ các nhà đầu tư.

Khi đại biểu Việt Nam (đến từ báo Pháp Luật TP.HCM) đặt câu hỏi “tại một số quốc gia, tuy là nước xuất khẩu dầu mỏ nhưng họ lại thiếu sản phẩm từ dầu thô, buộc phải nhập khẩu để tiêu dùng nội địa. Làm thế nào để có thể khắc phục tình trạng này?”, ông Radman cho rằng có hai xu hướng hành động trong việc khai thác, chế biến dầu khí để có thể tự phục vụ nhu cầu quốc gia và xuất khẩu.

Thứ nhất, theo ông M. Redhani A. Rahman, là nhóm những người đề cao vai trò của vốn và công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài. Trái lại, nhóm thứ hai lại tìm cách ngăn chặn các nhà đầu tư quốc tế, bởi họ nghĩ rằng các nhà đầu tư nước ngoài đến chỉ để làm giàu trên đất nước của họ.
"Petronas chúng tôi trong quá trình khai thác dầu mỏ và sản xuất các sản phẩm từ dầu mỏ luôn đề cao vốn và công nghệ từ các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài để công ty nhận được nguồn trợ lực một cách nhanh chóng" - ông M. Redhani A. Rahman cho hay.

Vị này chia sẻ thêm nếu không tăng cường hợp tác với các nhà đầu tư để có vốn và công nghệ thì không thể phát triển một hệ thống từ khai thác đến chế biến dầu khí và sản phẩm dầu khí một cách toàn diện.

“Nếu chúng ta lo lắng rằng việc chia sẻ cổ phần đầu tư như thế sẽ khiến các nhà đầu tư có ưu thế, công ty của chúng ta sẽ không thể nào có đủ nguồn lực đầu tư cho quốc gia của mình. Vậy nên quan điểm của tôi, việc kêu gọi và chia sẻ đầu tư là rất quan trọng. Và các công ty dầu khí nên chia sẻ việc đầu tư với mọi người, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài” - vị này kết luận.

Trả lời thêm về câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM rằng “vậy cổ phần được chia sẻ như thế nào giữa nhà nước và các nhà đầu tư khác?”, ông Radman cho biết “thường thì chúng tôi phân bổ ở mức 51% (của chính phủ) và 41% (các nhà đầu tư tư nhân). Tuy nhiên hiện nay tôi không chắc tỉ lệ này còn như vậy vì tác động của quá trình tự do hóa thị trường dầu khí. Hiện theo tôi thấy chỉ còn lĩnh vực ngân hàng là còn được nhà nước bảo hộ, riêng các lĩnh vực khác đều phải chịu điều chỉnh của thị trường”.

Trải qua hơn 40 năm hoạt động, Petronas từ một công ty dầu khí quốc gia thuộc sở hữu của chính phủ Malaysia đã phát triển thành một tập đoàn đa quốc gia với hơn 400 công ty con và hơn 40 công ty liên doanh (trong đó tập đoàn nắm giữ ít nhất 50% cổ phần).

Các hoạt động khai thác và chế biến dầu khí của Petronas hiện diện tại hơn 35 quốc gia, ở cả Á, Âu, Phi và Mỹ La-tinh. Hồi năm 2012, Petronas mua thành công hai công ty dầu khí của Việt Nam, bao gồm Petronas Co Ltd Việt Nam (PVL) và Thăng Long LPG Co Ltd (TLLCL).

Hồi tháng 5-2015, trong buổi gặp mặt các công nhân Dầu khí tiêu biểu và nghe người lao động dầu khí bày tỏ những nguyện vọng cùng những kiến nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ mong muốn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ phát triển, sánh ngang với các tập đoàn dầu khí lớn khác trong khu vực và trên thế giới với mục tiêu trước mắt là ngang bằng với Petronas của Malaysia.

Đại Thắng (Từ Kuala Lumpur)
 

Việc làm nổi bật

Top