Bán Nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ: Nếu Trung Quốc muốn mua

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
“Tôi nghĩ việc bán PVTex không phải dễ đâu. Không phải ai cũng quan tâm. Không phải cứ rao bán là doanh nghiệp nhào vào mua ngay”.

Đó là khẳng định của ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) với Đất Việt xung quanh việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam có ý định bán toàn bộ vốn ở nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) nếu được đồng ý.

pvn-ban-nha-may-xo-soi-7.000-ty-bai-toan-kho_4723261.jpg

PV: - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang có ý định bán toàn bộ vốn ở nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) nếu được. Ông đánh giá như thế nào về kế hoạch trên? Sau thời gian dài hoạt động không hiệu quả, biện pháp bán PVTex có phải là lựa chọn phù hợp hay không, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Hồng: - Hiện nay ngành may mặc đang khó khăn và nó cũng ảnh hưởng đến sản xuất của ngành xơ sợi trong nước.

Vì vậy khi không giải quyết được vấn đề về tiền bạc, đầu tư thì việc PVTex muốn chuyển qua cho các đối tác khác có điều kiện, am hiểu nhiều hơn để phát triển thuận lợi hơn thì cũng là chuyện bình thường.

Thực tế, đầu tư và phát triển về xơ sợi dệt rất cần thiết ở Việt Nam nhưng không phải thời điểm trước mắt mà phải chờ 2-3 năm nữa.

Trước đây không chỉ Việt Nam mà FDI cũng đầu tư phát triển rất mạnh về xơ sợi. Nhưng việc gia nhập TPP đang khó một chút, chưa biết sắp tới sẽ ra sao. Vì vậy cũng cần phải tính toán thận trọng hơn.

PV: - Nhà máy xơ sợi Đình Vũ được xây dựng với vốn đầu tư 7000 tỷ, mang kỳ vọng cung cấp xơ sợi cho thị trường Việt Nam nhưng lại liên tục đắp chiếu, thua lỗ, hàng hóa sản xuất ra không bán được do chất lượng và giá cả không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này, do việc lập kế hoạch không tốt hay do lựa chọn công nghệ có vấn đề? Xin ông phân tích cụ thể.

Ông Phạm Xuân Hồng: Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, chúng ta mới đầu tư nên chi phí cao. Ngoài ra công nghệ sản xuất chưa đáp ứng được, công nghệ vẫn còn lạc hậu nên chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Thứ hai là việc lập kế hoạch không sát với thực tế. Xây dựng phương án cho 1 dự án về lý thuyết thì rất dễ nhưng đưa vào sản xuất thì phải nghiên cứu kỹ. Giai đoạn đầu là bao nhiêu, giai đoạn sau ra sao? Chi phí nó cao thì chúng ta sẽ phải khắc phục ra sao trong những năm tới. Cái đó phải dự trù được.

Chúng ta có thể tính toán về lao động, kinh phí, vận hành về lý thuyết nhưng thường thường trong thực tế những doanh nghiệp mới thành lập thời gian đầu sẽ khó khăn hơn. Chúng ta phải tính toán những trục trặc có thể xảy ra nếu không làm kỹ cái đó khi xảy ra sự cố thì sẽ lúng túng liền.

Ngoài ra, chúng ta đầu tư xây dựng nhà máy xơ sợi cho vài ba năm nữa để tận dụng khai thác các hiệp định thương mại từ TPP. Vì hiện nay các hiệp định thương mại chưa có hiệu lực nên không phát huy được nhiều ý nghĩa, trong khi đó Trung Quốc lại đi trước chúng ta bao nhiêu năm nên để cạnh tranh khó khăn hơn.

PV: - Với tình trạng hiện nay, việc các đối tác tìm đến mua PVTex có khả thi hay không? Liệu PVN có nên chấp nhận bán được bằng mọi giá, để cắt lỗ không, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Hồng: - Tôi nghĩ việc bán PVTex không phải dễ đâu. Như bất động sản nó lên thì chúng ta bán được giá cao. Khi nó xuống mà vẫn giữ nguyên như thế thì ai mua. Đó là quy luật chung rồi.

Ở đây tôi nghĩ không phải ai cũng cần và có khả năng. Không phải cứ rao bán là doanh nghiệp nhào vào mua ngay.

Tôi nghĩ có 2 đối tượng có thể tìm đến mua. Thứ nhất là doanh nghiệp có am hiểu về ngành bông sợi, dệt may. Thứ hai là họ dù không có chuyên môn nhưng có đối tác liên kết và có đầu ra về các sản phẩm xơ sợi.

Để bán thì phía PVN phải đưa ra giá cả phù hợp. Đầu tư cũng phải có lời, có lỗ nhưng giá nào chấp nhận được thì phải tính toán hợp lý để tránh thua lỗ kéo dài.

PV: - Nhiều ý kiến lo ngại, với làn sóng đầu tư mạnh của Trung Quốc vào công nghiệp dệt nhuộm Việt Nam, đối tác tìm đến PVTex có thể là doanh nghiệp Trung Quốc. Ông có chia sẻ với ý kiến trên hay không? Theo ông, trong trường hợp đó, cần có những ràng buộc gì với nhà đầu tư mới hay không và vì sao?

Ông Phạm Xuân Hồng: Tôi cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc hay bất cứ nước nào đầu tư cũng được, miễn là ở hoạt động tại Việt Nam. Bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam không giải quyết được hết thì cần sự hợp tác của nước ngoài để giải quyết khó khăn.

Nếu không cho Trung Quốc hay các nước khác đầu tư thì chúng ta sẽ không có gì để khai thác.

Dĩ nhiên Trung Quốc có nhiều thủ thuật nên các nhà quản lý, các nhà chính sách Việt Nam phải có sự chặt chẽ về luật. Chúng ta có Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) có những tiêu chuẩn nhất định về xơ sợi, dệt may. Nếu cần thiết phải tham khảo cho chặt chẽ hơn. Hiện nay chúng ta kinh doanh trên toàn thế giới nên cần tham khảo các nhà chuyên môn. Nếu chúng ta duyệt kết hoạch nhưng không chuẩn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sau này.

PV: Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ dường như đang lặp lại kịch bản của dự án Gang thép Thái Nguyên 2. Theo ông, việc quy trách nhiệm nên làm như thế nào để tránh những kịch bản tương tự? Trong trường hợp Đình Vũ, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về hàng ngàn tỷ đồng lãng phí khi quyết định đầu tư dự án này?

Ông Phạm Xuân Hồng: - Tôi cho rằng vấn đề này chúng ta đang gặp khó. Nhất là quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu, người quyết định dự án. Việc này chúng ta cần phải làm chặt chẽ và rõ ràng hơn trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt.

Nguyễn Hoàn - Báo Đất Việt (Thực hiện)​
 

Việc làm nổi bật

Top