Các doanh nghiệp nước ngoài kéo đến Iran tìm cơ hội kinh doanh

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Khi lệnh trừng phạt Iran chính thức dỡ bỏ, các doanh nghiệp châu Âu và châu Á sẽ đổ xô tới nước này tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới.

Iran là một thị trường lớn nhiều tiềm năng với trữ lượng dầu đứng thứ 4 và trữ lượng khí đốt hàng đầu thế giới. Iran cũng là thị trường có quy mô lớn với dân số lên tới 75 triệu người.

Bên cạnh đó, sức hút từ Iran cũng đến từ chính sách của nước này khi Teheran ra sức mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài nhằm khôi phục nền kinh tế.

162615_cac-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-keo-nhau-den-iran.jpg

Ngày 6/1, Chính phủ Iran đã ký một bản ghi nhớ về việc mua 500 toa tàu của tập đoàn Siemen (Đức). Các phương tiện truyền thông của Iran cũng loan báo thông tin Peugeot của Pháp cũng dự định sẽ đầu tư nhà máy lắp ráp ô tô tại Iran.

Trước đó, Novo Nordisk, tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Đan Mạch, cũng đã ký một bản ghi nhớ việc sẽ đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất tại đây.

Iran được dỡ bở cấm vận cũng sẽ đem những cơ hội lớn đến các các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu mỏ. Đối với các nước tiêu thụ lớn như Nhật Bản, Iran sẽ trở thành một trong những “mỏ vàng” giúp nước này an tâm hơn trong vệc bảo đảm an ninh năng lượng.

Vào tháng 11/2015, khi Iran mở một hội nghị với chủ đề khai thác dầu thô và khí đốt sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, đã có tới 340 công ty đến từ 50 quốc gia tham dự. Điều này cho thấy sức hút của Iran trong lĩnh vực này.

Total, tập đoàn năng lượng hàng đầu của Pháp, đã bắt đầu đàm phán với đối tác dầu mỏ của Iran để thúc đẩy hợp tác khai thác.

Các nhà phân tích tại Nhật Bản nhận định ngoài việc giúp Nhật Bản đảm bảo an ninh năng lượng, nền kinh tế phát triển nhanh của Iran cũng sẽ đem tới vô khối cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Người Iran vốn có thiện cảm với Nhật Bản và đây là cơ hội tốt để người Nhật xuất khẩu các sản phẩm đa dạng, từ điện dân dụng, mỹ phẩm, thực phẩm.

Chính phủ Nhật cũng không chậm chân khi ngay từ tháng 10/2015 đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Iran về việc ký kết hiệp định đầu tư.

Dự kiến các tập đoàn của Nhật Bản trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, đường bộ, đường sắt, các hãng chế tạo ô tô, thông tin..., sẽ nhanh chân bước vào thị trường vừa được “cởi trói” này.

Phát biểu trước Quốc hội Iran về ngân sách cho tài khóa tới (bắt đầu từ tháng 3/2016), Tổng thống Hassan Rouhani nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài, khoảng từ 30-50 tỷ USD/năm, để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

162907_cac-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-keo-nhau-den-iran1.jpg

Để đạt được tăng trưởng 8%, Iran cần thu hút từ 30 tỷ USD đến 50 tỷ USD/năm, trong bối cảnh kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Rohani, việc sử dụng vốn nước ngoài để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế là cần thiết, do khó khăn về tài chính, sự hạn chế của hệ thống ngân hàng và thị trường vốn.

Ngoài ra, giá dầu hiện rơi xuống dưới 30 USD/thùng, giảm tới 75% so với cách đây một năm, dẫn đến nguồn thu từ dầu cũng giảm theo.

Theo Tổng thống Iran, ngân sách của nước này được tính toán dựa trên giá dầu ở mức 40 USD/thùng, do đó thu nhập từ dầu mỏ được ấn định vào khoảng 32 tỷ USD có thể đạt được.

Trong một thông tin có liên quan, Iran mới đây quyết định tăng sản lượng thêm 500.000 thùng dầu và xuất khẩu thêm 500.000 thùng trong thời gian từ 6 đến 12 tháng nữa, sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Điều này được cho là có thể càng làm trầm trọng tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ và có nguy cơ đẩy giá dầu xuống thấp hơn nữa./.

Tri Phương, Thanh Bình (TTXVN)​
 

Việc làm nổi bật

Top