Chính sách nào để phát triển khâu sau và ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Để đưa ngành Dầu khí phát triển ổn định và bền vững, ngày 23-7-2015, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 41-NQ/TƯ về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

TS Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Với mục tiêu phát triển ngành Dầu khí thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng phát triển ngành có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ...

Ngoài việc tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực khâu tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, tiếp tục tập trung phát triển lĩnh vực hóa dầu, hóa chất, công nghiệp khí, tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí, công nghiệp điện và đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Việc phát triển khâu đầu là tiền đề, là hạt nhân để thúc đẩy các khâu trung nguồn và hạ nguồn phát triển theo trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

chinh-sach-nao-de-phat-trien-khau-sau-va-nganh-dich-vu-ky-thuat-dau-khi.jpg

Nhằm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị và Chiến lược của ngành Dầu khí, thứ nhất cần hoàn thiện Luật Dầu khí, các quy định về Dầu khí, đặc biệt, Bộ Chính trị đã xác định rõ là hoạt động Dầu khí từ thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn. Cần có các chính sách và cơ chế giảm thiểu rủi ro, cải thiện cơ chế tài chính nhằm tăng tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là tại các vùng khó khăn, mỏ nhỏ, chi phí cao, nhất là các mỏ khí tại vùng nước sâu và xa bờ. Tạo tiền đề phát triển khâu đầu, dẫn dắt và tạo nguồn nguyên liệu phát triển các khâu sau.

Thứ hai, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng đối với ngành Dầu khí theo hành lang pháp luật để tăng quyền chủ động cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trên các lĩnh vực để hoạt động, vận hành theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế...

Nhà nước đã có các luật và nghị định cho lĩnh vực thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên, tuy vậy các văn bản pháp luật để thúc đẩy các khâu lọc hóa dầu khí cần ban hành nhằm tập trung phát triển các khâu sau để tạo sản phẩm cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, thu hút đầu tư vốn nước ngoài. Tạo sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Ngành lọc hóa dầu chịu sự chi phối hoàn toàn bởi cơ chế thị trường, đầu vào cũng bị chi phối bởi nguồn nguyên liệu, thậm chí phải thanh toán bằng ngoại tệ từ nguồn nguyên liệu dầu khí trong nước (Nhà máy Lọc dầu Dung Quất). Các sản phẩm đầu ra từ hóa dầu chủ yếu cho sản xuất và tiêu dùng cho các ngành chất dẻo, phân bón, hóa chất, dệt may, da giày... Vì vậy các chính sách rất quan trọng cho sự phát triển và định hướng tương lai.

Cần phân cấp, phân quyền và tạo tính trách nhiệm và sự chủ động trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cũng như thị trường thì sản phẩm mới gắn với thị trường và tính hiệu quả kinh doanh mới cao. Phải có các đòn bẩy kích thích cơ sở quan tâm và thường xuyên thay đổi, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống tiếp thị...

Đối với lĩnh vực công nghiệp khí, cần xây dựng và phê duyệt chiến lược, quy hoạch vùng cũng như giỏ giá khí đáp ứng kích thích đầu tư cho các vùng từ Bắc đến Nam, xây dựng công nghiệp khí chế biến sâu và công nghiệp phụ trợ sử dụng khí thiên nhiên và các sản phẩm khí làm nguyên liệu đầu vào, tạo giá trị gia tăng và đảm bảo cạnh tranh, coi đó là động lực để phát triển trong nhiều năm tới. Bổ sung kịp thời các hoạt động sản xuất kinh doanh vào Luật Dầu khí, mà hiện nay vẫn chỉ chi phối bởi Luật Doanh nghiệp thông thường.

Đối với lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí: Trong các hoạt động dầu khí, các dịch vụ chiếm rất lớn trong giá thành 1 thùng dầu (có thể 50-70%) tùy thuộc vào việc khai thác trong đất liền hay ngoài biển. Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã nêu với nội dung chính yêu cầu phải có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước một phần hay hầu hết tại các đơn vị này. Đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, thực hiện các dịch vụ đáp ứng cho các khâu của lĩnh vực hoạt động dầu khí. Mở rộng các dự án dịch vụ ra nước ngoài trong bối cảnh chung là hội nhập sâu rộng; mặc dù hiện nay đã xây dựng được các đơn vị dịch vụ vươn ra bên ngoài, tuy vậy tầm và lực còn phân tán và bị cạnh tranh ngay trong nội bộ. Khâu xây lắp, thiết kế, sửa chữa và bảo dưỡng chưa đồng bộ và kết nối để tạo thành sức mạnh nội lực và đạt chuẩn quốc tế. Phải nhanh chóng tổ chức và phân loại các dạng dịch vụ để đầu tư, tính toán hiệu quả đầu tư. Hình thành các tổ hợp dịch vụ (tổ hợp công nghiệp hỗ trợ dịch vụ dầu khí) được luật hóa khi bổ sung và sửa đổi Luật Dầu khí.

Thứ ba, cần đảm bảo nguồn vốn cho Petrovietnam để thực hiện được các mục tiêu chiến lược. Lập quỹ dự phòng, rủi ro dầu khí bằng cách cho trích đến 30% từ lợi nhuận sau thuế hằng năm để bù đắp chi phí cho các hoạt động dầu khí, cho các công trình dầu khí phải kết thúc sớm khi chưa thu hồi hết vốn do những rủi do địa chất dầu khí, biến động chính trị - tài chính, an ninh, do giá dầu giảm và đảm bảo an toàn của Công ty Mẹ và các đơn vị tìm kiếm thăm dò dầu khí. Lãi nước chủ nhà được giữ lại 30%, từ lợi nhuận của Vietsovpetro và từ cổ phần hóa là 100%, được huy động vốn từ các tổ chức tài chính và các nguồn hợp pháp, cho phép xử lý các chi phí treo từ những mỏ chưa thanh lý nhưng chưa được hạch toán vào chi phí, mà trước đây Nhà nước đã thu vào ngân sách Nhà nước...

Cho phép Petrovietnam được chủ động về tài chính để thực hiện giãn tiến độ, đưa vào nhanh hoặc chậm tiến độ đầu tư tìm kiếm, thăm dò. Cho phép Petrovietnam và một số đơn vị khâu đầu ngoài các quỹ đã được lập theo Luật Doanh nghiệp, được lập và sử dụng các quỹ rủi ro, nghiên cứu khoa học, quỹ khoa học công nghệ... Có cơ chế cho các công trình cơ khí dầu khí như đóng và lắp ráp giàn khoan, chế tạo trong dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

Thứ tư, đối với lĩnh vực hóa dầu - khí, Nhà nước cần xem xét việc mở rộng và phát triển các dự án ngoài Petrovietnam nhằm tránh tạo ra dư thừa sản phẩm trong tương lai và cạnh tranh lẫn nhau trong bối cảnh thị trường mở cửa tự do của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định FTA.

Thứ năm, coi trọng khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, bảo vệ tài nguyên môi trường, vấn đề này Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu rõ và kết luận là trình độ khoa học - công nghệ và nguồn vốn đầu tư cho công tác này còn hạn chế; do vậy, với nỗ lực và nội lực của mình, cần tạo và thiết lập các quy trình, soạn thảo và xây dựng quy chế phê duyệt, trình bộ, ngành để hoàn thiện và ban hành điều chỉnh và hoàn thiện quy trình và thủ tục trước đây làm chậm quá trình triển khai và áp dụng thực tiễn thời gian qua.

Thứ sáu, cần gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh và đối ngoại, tiếp tục thiết lập và phát hut nền "ngoại giao dầu khí" để hội nhập sâu rộng trong khu vực và trên thế giới.

Với những nhiệm vụ, giải pháp và chính sách phù hợp đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn thì các khâu của hoạt động dầu khí và đặc biệt khâu sau và các dịch vụ dầu khí mới tạo đà phát triển mạnh mẽ như mong đợi.

Khâu sau và lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cùng với khâu đầu tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thực hiện công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Nguồn:Năng lượng Mới 494​
 

Việc làm nổi bật

Top