Có ai nghĩ lương làm việc ngoài giàn khoan dầu chỉ 7 - 8 triệu/tháng?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Nghề khoan dầu vất vả là vậy, nhưng trong thời buổi giá dầu giảm thê thảm, tâm tư của kỹ sư, công nhân trên giàn khoan lại thêm phần trĩu nặng.

Tâm tư trong ‘cơn bão’ ngành dầu khí

Sau 12 giờ đồng hồ làm ca căng thẳng, những kỹ sư và công nhân khoan dầu lại được cởi bỏ những bộ quần áo bảo hộ nhem nhuốc, thảnh thơi trên boong giàn…

Giàn trưởng PVD6 người Anh tên Paul, như thường lệ, sau buổi ăn tối lại mang chiếc kèn saxophone lên boong chơi cho anh em cùng nghe. Xa xa, sau lưng Paul là chiếc tàu dầu với tháp lửa bập bùng cháy như những nhịp điệu hòa cùng tiếng kèn khiến không gian cô quạnh nơi đây lãng mạn lạ thường.

img_0215-2348544.jpg

Paul kể cho chúng tôi nghe về gia đình của anh ở thành phố Liverpool, nơi anh có 3 người con nhỏ và cô vợ xinh hiền từng ngày chờ đón. Tâm trạng của Paul cũng như hầu hết anh em trên giàn, trải qua gần 1 tháng làm việc, những ngày cuối cùng trước khi rời giàn để về nhà làm cảm giác khó tả nhất. Nỗi nhớ kèm tâm trạng háo hức cùng hình ảnh gia đình sum vầy bên nhau luôn thường trực trong Paul.

Trong thời gian chờ giao ca, an toàn viên Nguyễn Công Nhật, miệng nhả khói thuốc nhìn xa xăm về phía tàu dầu, nơi có ngọn tháp đang rực lửa.

Nhật tâm sự, đi làm trên giàn khoan đã được hơn 7 năm, nhưng với anh cảm giác cho đến tận bây giờ, lúc đi lúc ở rất khó tả.

“Sau 1 tháng làm việc trên giàn, thời gian chuẩn bị được về nhà thì mừng quýnh như một đứa trẻ. Hết 1 tháng ở đất liền thì lại nhớ biển da diết, nhưng lại bồi hồi khi nghĩ về người thân, gia đình.

Nếu không có tình yêu nghề thì khó có người nào bám trụ được trên giàn khoan lâu. Có người bị chi phối bởi gia đình, vợ con, đi làm được vài năm thì xin ở lại đất liền, không ra giàn nữa. Mấy năm gần đây, giá dầu giảm, người làm dầu khí thu nhập cũng giảm gần 40%, nhưng anh em vẫn hăng say với nghề. Đã yêu nghề rồi thì rất khó dứt lắm…” - Nhật bùi ngùi nói trong tiếng nhạc của Paul.

Những ngày đầu mới ra làm việc trên giàn, Nhật cũng như nhiều người khác phải làm ca 12 tiếng liên tục khiến cơ thể mỏi rã rời. Sau mỗi ca làm chỉ muốn lao ngay đến phòng nghỉ. Nhưng lâu dần rồi cũng quen, giờ đây với Nhật, một tháng làm việc trên giàn cũng nhanh như 1 tuần ngoài đất liền.

img_0090-3-2349351.jpg

Các công nhân và kỹ sư phải làm việc 12 tiếng đồng hồ liên tục. Ảnh: Quang Tùng.
Từng làm việc trên khắp các giàn khoan của PDV, anh Lê Trần Hậu (SN 1977, quê Nam Định) phụ trách điều hành máy bay, tàu thuyền trên giàn PVD6 tâm tư, cuộc đời của người dầu khí làm việc trên giàn khoan khắc khoải nhất đó là phải xa gia đình, vợ con.

“Mình đi xa đã khổ, nhưng vợ con ở nhà có khi còn khổ hơn. Vắng bóng đàn ông, vợ ở nhà phải lo cả, việc gì cũng phải đến tay” – anh Hậu nói.

Anh Hậu cho biết, khi giá dầu thế giới sụt giảm, nhiều giàn khoan không có việc làm phải kéo về đất liền nằm chờ. Anh em đi giàn bị thất nghiệp tạm thời. Hai năm nay, thu nhập của người làm trên giàn cũng giảm mạnh. Nhiều chính sách thay đổi, nếu sau 1 tháng không đi làm, lương cơ bản sẽ bị cắt, bảo hiểm cũng sẽ bị cắt, có anh em phải đi kiếm việc ở bên ngoài để tăng thu nhập…

Cùng tâm trạng, kíp trưởng đội khoan Đỗ Công Trính (SN 1977, quê Hải Phòng), đã làm trên giàn PVD6 được 3 năm, chia sẻ anh đã có 17 năm trong nghề đi biển khoan dầu nhưng chưa bao giờ thu nhập lại giảm sâu đến thế.

Theo anh Trính, thu nhập trên giàn của người Việt thấp hơn người nước ngoài nhiều lần. Nhiều người vẫn nghĩ công nhân dầu khí lương cao, nhưng có người trên giàn thu nhập cũng chỉ được 7-8 triệu đồng/tháng. Ở trên biển còn có tiền đi biển 280.000 đồng/ngày. Khi về đất liền chỉ được ăn lương cơ bản như quy chế lương nhà nước.

Khó khăn là thế, nhưng với anh Trính, chưa bao giờ anh hết yêu nghề và hy vọng vài năm tới, ngành dầu khí hưng thịnh trở lại.

“Lúc này ngành dầu khí khó khăn, tất cả anh em đều chia sẻ, không mấy ai ca thán. Chúng tôi vẫn hăng say làm việc 100% sức lực và chờ vào những điều tốt đẹp hơn sẽ đến trong nay mai…” – anh Trính nói với ánh mắt tràn đầy hy vọng.

Sai một ly mất cả triệu USD

Giữa đêm, tôi bám theo đoàn sau họp giao ca ra khu lắp đặt mũi khoan, trong ánh đèn lấp loáng, những khuôn mặt bám đầy dầu mỡ, nhễ nhại mồ hôi vẫn hăng say làm việc.

Ban ngày cũng như ban đêm, những tiếng búa chat chúa, những tiếng ồn của động cơ dường như không bao giờ dứt.

img_0147-6-2350229.jpg

Công việc vất vả nhưng có người trên giàn khoan thu nhập chỉ 7-8 triệu đồng/tháng. Ảnh: Quang Tùng.
Trong căn phòng doghouse (chuồng chó)… chờ đợi giây phút đưa phóng xạ vào mũi khoan như lời TS. Trương Hoài Nam nói, chúng tôi được nghe ông Nam kể về những câu chuyện ít ai biết về nghề khoan dầu.

Chuyện là, vừa qua đợt bão số 12, sau khi nghe ngóng thông tin, một số kỹ sư nước ngoài trên giàn PVD VI đòi dừng hoạt động của giàn, đóng gấp giếng khoan để di tản. Anh em trên giàn đều sẵn sàng tinh thần di tản cả rồi.

Nhưng trước những đánh giá từ nhiều nguồn dự báo thời tiết của Mỹ, Nhật Bản…, các chuyên gia Việt Nam đã phân tích và khuyên họ ở lại, vì bão sẽ đi vào khu vực Nam Trung Bộ chứ không hướng về khu vực giàn. Sau hồi phân tích với dẫn chứng khoa học, nhóm kỹ sư nước ngoài đồng ý ở lại giàn.

“Bão vào ai cũng lo, nhưng nếu phải dừng giàn khoan chạy bão, phải dừng sản xuất, cùng với việc đóng hơn 20 giếng khai thác của Mỏ Chim Sáo và mỏ Dừa, chi phí phải trả có thể lên tới 2 triệu USD. Vì vậy, đưa ra một quyết định trên giàn buộc phải dựa vào những thông tin chính xác. Một sai sót thôi, vài chục tỉ đồng đi bay…” – TS. Trương Hoài Nam nói.

Ông Nam kể cho chúng tôi, có nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn rất ‘chiêu trò’. Họ đưa ra kế hoạch hợp tác với nhiều hạng mục thăm dò, khai thác được khai vống chi phí, ‘bắt tay’ với chủ giàn khoan nước ngoài để tăng thời gian thi công, hoặc đưa những nhà thầu khoan có giá cao hơn nhà thầu trong nước để buộc PVN phải giảm giá theo giá thị trường…Nếu nước chủ nhà không có trình độ chuyên môn, kiểm soát không tốt thì sẽ mất hàng chục triệu USD như chơi.

Theo ông Nam, vụ việc thiết kế giếng khoan thăm dò của Idemitsu gần mỏ Đại Hùng là một ví dụ. Nhà thầu đã không nghe ý kiến tư vấn và phản biện của Phòng Quản lý hoạt động khoan nơi ông Nam đang công tác nên chi phí đã bị đội hơn 150 triệu USD. Vì vậy, khi xảy ra sự cố, một số hạng mục của Idemitsu không được phê duyệt thanh toán và nên phải chịu toàn bộ chi phí.

“Có những giếng khoan thăm dò chỉ khoảng 3 tháng là xong, nhưng kéo dài lên 10 tháng. Có những giếng dự kiến khoan hơn 5.000m, khoan đến gần 4.000m bị kẹt cần khoan không đến được đối tượng vỉa thăm dò, mũi khoan không kéo lên được, phải hủy giếng gây thiệt hại về kinh tế. Có những giếng khoan, ngân sách ban đầu dự kiến 30 triệu USD nhưng bị sự cố nên đội chi phí lên tới hơn 100 triệu USD. Thiệt hại cực lớn…” – ông Nam nói.

img_0218-8-2351091.jpg

Một buổi làm việc ca đêm trên sàn khoan của các công nhân giàn PVD VI. Ảnh: Quang Tùng.
Nghe ông Nam kể, tôi phần nào cảm nhận được sự khó khăn, kèm những áp lực cực lớn của những cán bộ trong ngành dầu khí lúc này. Chi phí sản xuất tăng cao, giá dầu sụt giảm thê thảm và những khó khăn trong công tác lãnh đạo, quản lý đang khiến họ mỗi ngày phải gồng mình trước những ý kiến trái chiều của dư luận...

Ở đâu đó đã có sự so sánh, thời làm vua của ngành dầu khí đã hết, giờ đây xuất khẩu dầu khí chỉ bằng xuất khẩu nông sản, nhưng cũng có mấy ai biết, hàng chục năm trời ngành dầu khí đã đóng góp ngân sách rất lớn cho đất nước.

Ngồi tựa lưng nghỉ giữa bốn bề sắt thép, máy móc,Trần Thanh Bảo (SN 1983, quê Bình Định) đã có thâm niên 10 năm đi giàn chia sẻ, giữa ‘cơn bão’ đang quét qua ngành dầu khí, tất cả cán bộ công nhân viên đều thấy đó là điều bình thường mà ai cũng phải chấp nhận.

“Thay vì buồn chán thì lúc này, mọi người cần trau dồi bản thân, học hỏi, hy vọng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Ngành dầu khí sẽ phát triển thịnh vượng hơn nữa trong tương lai, anh em trong ngành sẽ có nhiều công việc để vừa tăng thu nhập, vừa được hưởng thụ cuộc sống, mang niềm vui về cho gia đình và người thân…” - Bảo nói giữa ồn ào máy móc.

QUANG TÙNG
VTC News
 

Việc làm nổi bật

Top