Cổ phiếu của PVC: Từ cổ phiếu “hot” đến chưa bằng cốc trà đá

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Có thời điểm PVX là một trong những cổ phiếu “hot” trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp đạt doan thu thuần 7.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 750 tỷ đồng. Tuy nhiên giá cổ phiếu PVX sau đó đã lao dốc không phanh, chỉ quanh vùng giá 2.500 đồng/cổ phiếu.

Liên tục tăng vốn

Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam PVC (mã PVX) từng là doanh nghiệp hàng đầu ngành xây lắp dầu khí trên bờ của Việt Nam với nhiều công trình, dự án vốn đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng chỉ sau 2 năm lỗ 2012-2013 lỗ luỹ kế của PVC đã tăng lên hơn 3.000 tỷ đồng, tương đương 77% vốn điều lệ.

co-phieu-pvx_eihy.png

Được thành lập từ năm 1983 với tên gọi ban đầu là Xí nghiệp liên hợp xây lắp dầu khí. Đến năm 2007, Xí nghiệp được đổi tên thành CTCP Xây lắp dầu khí, đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh trong vai trò Tổng Giám đốc.

Một năm sau đó, PVC từ một doanh nghiệp nhỏ với vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 150 tỷ đồng đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nâng vốn lên 1.500 tỷ đồng nhằm đảm nhiệm các dự án lớn trong ngành dầu khí trên bờ.

Năm 2009, Trịnh Xuân Thanh trở thành Chủ tịch HĐQT PVC và doanh nghiệp này tiến hành niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Thời kỳ này, với nhiều dự án tầm cỡ đã, đang và chuẩn bị triển khai như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Ethanol Phú Thọ, Lọc dầu Nghi Sơn… đã giúp cổ phiếu PVX thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư và là một trong những cái tên “hot” nhất sàn chứng khoán.

Năm 2010 PVC đã đạt doanh thu thuần 7.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế kỷ lục gần 750 tỷ đồng. Khi đó, giá cổ phiếu PVX lên tới 30.000 đồng và trở thành Bluechips có tầm ảnh hưởng lớn trên sàn HNX.

Năm tiếp theo dưới thời Trịnh Xuân Thanh, PVC tiếp tục tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng và trở thành một trong những Tổng công ty lớn nhất của PVN.

Thua lỗ, giá cổ phiếu lao dốc không phanh

Với việc triển khai nhiều dự án lớn, PVC đã thành lập hàng chục công ty liên doanh, liên kết hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, xây lắp, vật liệu, bất động sản, tài chính…

Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp này đều hoạt động kém hiệu quả và những khó khăn của thị trường bất động sản, tài chính những năm 2010- 2013 đã khiến không ít dự án của PVC đình trệ, nhiều công ty con thua lỗ, phá sản.

Bắt đầu từ năm 2011, một số công ty thành viên của PVC bắt đầu báo lỗ. Đến năm 2012 và 2013, hàng chục công ty con, công ty liên kết của PVC đồng loạt báo lỗ lớn, tiêu biểu như trường hợp PVC-ME lỗ hơn 570 tỷ đồng sau 4 năm hoạt động. Kết quả, chỉ trong 2 năm 2012 – 2013 (giai đoạn Trịnh Xuân Thanh đương nhiệm), PVC đã lỗ tổng cộng hơn 3.000 tỷ đồng do trích lập dự phòng đầu tư tài chính, dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng các khoản vay bảo lãnh ngân hàng.

Trong báo cáo ban kiểm soát của PVC phải thừa nhận “Việc thua lỗ do có nhiều sai lầm về chiến lược. Dù hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con nhưng công ty mẹ không tập trung nâng cao năng lực quản trị và năng lực thi công xây lắp, phát triển đội ngũ chuyên gia và công nhân tay nghề cao mà chỉ tập trung đầu tư tài chính, thu phí quản lý từ các dự án, công trình được giao. Vì vậy, công ty không có yếu tố phát triển bền vững, hoàn toàn dựa vào các công ty con, công ty liên kết”.

Sau khi Trịnh Xuân Thanh rút lui khỏi HĐQT PVC (năm 2013), doanh nghiệp này đã dần có lãi trở lại, nhưng mức lợi nhuận là không đáng kể. Cổ phiếu PVX từ một Bluechips trên sàn HNX đã lao dốc không phanh và hiện chỉ quanh vùng giá 2.500 đồng, không bằng giá một cốc trà đá.

Với những sai phạm gây thua lỗ nghiêm trọng, cựu chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh cùng hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp này cũng như các công ty thành viên mới đây đều cơ quan an ninh điều tra bắt, khởi tố.

NGUYỄN THẢO
Bizlive.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top