Cổ phiếu dầu khí: Biến động mạnh

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Thị trường chứng khoán (TTCK) có nhiều biến động tăng giảm bất ngờ. Hầu hết cổ phiếu lớn đều mất động lực tăng trong phiên chiều, ngoại trừ dầu khí. Nhìn chung, nhóm dầu khí luôn có xu hướng dẫn dắt thị trường khá tốt.

Nhanh và bất ngờ


Hiện tại, có rất nhiều lời khuyên nên hạn chế “mua đuổi” với nhóm dầu khí. Bởi sẽ có cơ hội tích lũy cổ phiếu dầu khí với giá tốt hơn vì giá dầu Brent đang tiến đến vùng kháng cự kỹ thuật rất mạnh và nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh kỹ thuật.

Thực tế, lời khuyên của các chuyên gia đối với ngành dầu khí là không sai, bởi đây luôn là nhóm ngành nóng và có sự biến động nhanh và bất ngờ nhất. Thế nhưng, hiện nay, giá dầu này đã tăng gần 15% sau khi vượt qua vùng giá 35USD/thùng và tăng hơn 40% trong gần 2 tháng.

w620h405f1c1-files-articles-2016-1096121-tc12-nqh-8593.jpg

Theo chuyên viên phân tích của một công ty chứng khoán, giá dầu Brent nhiều khả năng sẽ điều chỉnh khi tiệm cận vùng giá 40 - 42 USD /thùng. Quả vậy, trong gần 3 tháng kể từ đầu năm đến nay, giá dầu thô thế giới đã có sự hồi phục nhanh hơn kỳ vọng.

Cụ thể, dầu Brent và WTI đạt mức tăng giá tích cực với lần lượt tăng 44,87% và tăng 35,27% so với mức đáy tại ngày 20/1/2016, tương ứng lên 40,39USD và 35,28USD/thùng.

Sự biến động của giá dầu xuất phát từ việc Nga và các nước trong khối OPEC đã thực sự có những động thái nhượng bộ trong vấn đề thỏa thuận sản lượng. Điều này thể hiện trong buổi nhóm họp vào ngày 15/2 tại Qatar giúp thúc đẩy sự hợp tác nhằm đối phó với vấn đề dư cung toàn cầu.

Bên cạnh đó, Ả rập Saudi cũng đã có những bước tiến đáng kể với cuộc họp chưa từng có tiền lệ vào 20/3 vừa qua giữa OPEC và các nước ngoài OPEC để tìm được tiếng nói chung trong vấn đề sản lượng.

Chính vì vậy, với con số trên 70% sản lượng cung toàn cầu mà các nước có dự định nhóm họp nắm giữ, giới phân tích hiện vẫn duy trì quan điểm rằng yếu tố địa chính trị sẽ là tác nhân chủ đạo định hình thị trường dầu thô trong năm 2016. Ngoài ra, cuộc họp thường kỳ OPEC vào tháng 6 cũng sẽ là một nhân tố đáng chờ đợi.

Cổ phiếu dầu khí có sự bứt phá

Xét từ khi giá dầu chạm đáy và hồi phục, cổ phiếu ngành dầu khí, đặc biệt như GAS hay PVD đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Index ngành cũng đạt mức cải thiện đáng kể, tăng 22% so với đầu năm.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay (thời điểm giá dầu khoảng 36USD/thùng), cổ phiếu dầu khí chưa thực sự có những biến động mạnh ngoại trừ GAS. Điều này cho thấy sự tương quan giữa giá dầu và diễn biến giá cổ phiếu họ “P” ngày càng chặt chẽ.

Theo đó, nhà đầu tư cũng có thể nhận thấy doanh nghiệp (DN) đầu tiên hứng chịu những tác động của thời điểm khủng hoảng giá dầu hiện tại là PVD.

Với 3 giàn khoan phải tạm ngừng hoạt động trong thời điểm hiện tại là PVD (II), PVD (III) và PVD ( IV), đây sẽ là một tổn thất đáng kể cho KQKD và hoạt động cốt lõi của DN.

Do đó, PVD dự kiến đề xuất trình lên ĐHCĐ kế hoạch năm khá khiêm tốn với doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 7.500 tỷ đồng (giảm 48,1% so với cùng kỳ) và 500 tỷ đồng (giảm 70,1% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, với giả định giá dầu sẽ có những bước đầu phục hồi từ giữa năm 2016 và những thông tin PVD đã ký hợp đồng khoan thăm dò với Murphy Phương Nam Oil, KQKD của DN này có thể có sự cải thiện dần dần theo thời gian.

Một yếu tố khác cũng quan trọng liên quan đến ngành dầu là do ảnh hưởng của giá dầu thấp, mảng dịch vụ kho nổi FSO/FPSO của PVS cũng đối mặt với không ít khó khăn.

Nói về PVS, DN đang lên những phương án dự phòng như nhận quản lý và tự vận hành mặc dù có thể phải đối mặt với rủi ro chịu chi phí cao.

Tuy nhiên, đây là phương án xấu nhất có thể xảy ra và với đà phục hồi dầu khí như trong thời điểm hiện tại, nếu giá dầu tiếp tục tiệm cận 45USD/thùng, PVS sẽ có thể tiếp tục duy trì hoạt động kho nổi. Nguyên nhân chính là do 45 USD là mức giá phù hợp để các mỏ khai thác duy trì hoạt động trong trung và ngắn hạn.

Thông tin tích cực đối với ngành đầu năm nay chính là dự án Cá Voi Xanh dự kiến được thúc đẩy triển khai khi đại diện các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí (bao gồm PVC, PVS, GAS, DPM) có buổi trao đổi với tỉnh Quảng Nam về kế hoạch xây dựng cụm điện khí.

Thông tin gần nhất về dự án được cập nhật vào khoảng giữa năm 2015, cho đến nay, thời gian dự kiến vận hành đã được dời thêm hai năm từ năm 2021 sang năm 2023. Về dài hạn, dự án này sẽ mang lại cơ hội cho các DN trong ngành mà cơ hội tham gia đầu tiên là cho DN xây lắp như PVS.

Ở mảng khí, theo chia sẻ từ một số DN trong ngành phân phối khí, việc giá cổ phiếu thế giới tăng trong khoảng thời gian quý IV/2015 khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt trong các tháng 11 và 12/2015.

Do ảnh hưởng của giá dầu, giá cổ phiếu có đợt giảm mạnh trở lại vào đầu năm nay, điều này phần nào giảm bớt áp lực về giá đối với các DN phân phối khí LPG trong nước (PGS, PVG, PCG). Từ đó, KQKD quý I/2016 của nhiều DN được dự đoán sẽ có chuyển biến khả quan so với quý trước đó.

Ngược lại, đối với phân khúc phân phối khí khô, thông tin công bố trong khoảng thời gian gần đây về việc GAS chính thức mua lại số cổ phần PGS thoái tại CNG đã tạo ra nhiều sự chú ý trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PGS đã tăng khoảng tăng 33,1% kể từ ngày thông tin được công bố cho đến nay.

Đây được xem là bước đi đầu tiên trong chiến lược tái cấu trúc thị trường khí CNG theo định hướng của GAS. Ngày 4/3, GAS ký thỏa thuận gia hạn Biên bản Ghi nhớ về quan hệ hợp tác toàn diện trong việc phát triển chuỗi giá trị LNG tại Việt Nam với Tokyo Gas.

Điều này cho thấy định hướng tái cấu trúc thị trường CNG/LNG càng được củng cố. Nhìn về dài hạn, đây là một cơ hội lớn cho các DN khí trong ngành.

Bên cạnh đó, với tiềm năng khai thác từ dự án Lô B Ô Môn và Cá Voi Xanh đang tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư, triển vọng ngành khí nhìn chung tích cực dù mặt bằng giá hiện đang ở mức thấp...

Với những thông tin đưa ra, ngành dầu khí dù nhiều biến động nhưng sự bứt phá cũng sớm bộc lộ. Nhà đầu tư có thể nhìn vào diễn biến thực tế để quyết định theo đuổi đầu tư ngành này trong trung và dài hạn.

LÂM AN - Doanh nhân Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top