Cổ phiếu GSP tăng trưởng tốt, bất chấp giá dầu giảm

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Cổ phiếu GSP của Công ty Vận tải Sản phẩm khí Quốc tế vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt, bất chấp giá dầu thế giới xuống mức thấp nhất 12 năm.

Nhìn lại diễn biến giá trong 3 tháng qua, cổ phiếu GSP tăng 23%, trong khi cổ phiếu PVT của Tổng Công ty Vận tải Dầu khí, PCT của Dịch vụ Vận tải Dầu khí, PTT của Vận tải Dầu khí Đông Dương... giảm. GSP được giao dịch trung bình hàng trăm cổ phiếu mỗi phiên trong khi PCT, PTT giao dịch nhỏ giọt. Đặc biệt, giá cổ phiếu GSP hiện cao hơn gấp rưỡi các cổ phiếu cùng ngành vận tải dầu khí.

gasshipping.com.vn_171110229.jpg

GSP ra đời cách nay hơn 8 năm, với 3 cổ đông lớn ban đầu, gồm Tổng Công ty Vận tải Dầu khí (PV Trans), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) và Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC); nhưng nay chỉ còn PV Trans trụ lại. Trong PV Trans, GSP là công ty con duy nhất hoạt động trong ngành vận tải khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) bằng đường biển.

Do PV Trans trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), GSP đã có được những đặc quyền hấp dẫn. Đó là hợp đồng bao tiêu với Công ty Bình Sơn (đang quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất) và Công ty Kinh doanh Sản phẩm khí (kinh doanh khí từ nhà máy Dinh Cố, Dung Quất, khí nhập khẩu từ Trung Đông, các nước trong khu vực). Với điều này, GSP dễ dàng chiếm lĩnh 90% thị phần vận chuyển LPG trong nước, trong lúc tổng trọng tải đội tàu LPG của Công ty chỉ đáp ứng 53% nhu cầu thị trường. GSP cũng chính là đơn vị vận chuyển LPG xuất nhập khẩu cho Công ty Kinh doanh Sản phẩm khí (PV Gas Trading), công ty con thuộc PV GAS. Theo báo cáo thường niên của PV GAS, năm 2014, PV Gas Trading đã kinh doanh hơn một triệu tấn LPG, trong đó, dành 41% cho xuất khẩu và kinh doanh quốc tế.

GSP tiếp tục duy trì thị phần, phát triển kinh doanh dù giá cước vận chuyển trung bình đã giảm từ 15-20%. Đó là nhờ sản lượng của GSP đã gia tăng, bù đắp tốt vào phần biến động giá. Từ tháng 7.2015, GSP đã vận chuyển toàn bộ sản lượng khí của PV Gas Trading. Kết hợp với việc nhà máy Dung Quất hoạt động ổn định, không phải dừng bảo trì trong năm qua, sản lượng vận chuyển của GSP tăng gần 90%, theo ước tính từ Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS).

Dù GSP chưa công bố báo cáo kinh doanh chính thức năm 2015, nhiều công ty chứng khoán tin rằng, doanh thu GSP có thể lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỉ đồng. Lãi sau thuế năm 2015 của GSP dự đoán cũng sẽ tăng cao, vượt mức tăng 65% ở thời điểm 9 tháng 2015. Bên cạnh tăng sản lượng, việc đạt được các hợp đồng điều chỉnh giá cước theo giá nhiên liệu đã giúp biên lợi nhuận của GSP tránh được biến động tỉ giá. Cùng đó, GSP giảm gần chục tỉ đồng chi phí khấu hao, do 2 tàu Hồng Hà và Việt Gas đã hết khấu hao từ đầu năm 2015.
char_kd_gsp_467_171112901.jpg
Giới phân tích dự đoán, từ năm 2016 trở đi, tình hình kinh doanh của GSP sẽ khởi sắc. Theo nghiên cứu từ Viện Dầu khí Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ LPG của Việt Nam đến năm 2020 có thể lên tới 2,2 triệu tấn, do LPG là nguồn nguyên liệu sạch, an toàn, cháy ở nhiệt độ rất cao (1.900-1.950 độ C). Các công ty hoạt động trong các ngành công nghiệp nung gốm, sản xuất gạch men, vật liệu xây dựng, luyện kim, hóa chất, công nghệ thực phẩm là đối tượng sử dụng LPG nhiều nhất.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ thị trường, PV GAS dự tính sẽ triển khai mới nhiều dự án cung cấp LPG, như nhà máy GPP Cà Mau, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, GPP Nam Côn Sơn II, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô... Bình Sơn thì đặt mục tiêu hoàn tất mở rộng nhà máy Dung Quất vào năm 2019.

Sản lượng LPG từ các nhà máy mới sẽ dần thay thế lượng LPG nhập khẩu, mở ra cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp vận tải khí. Ước tính, nếu tiêu thụ LPG tăng 8%/năm thì doanh thu vận tải LPG bằng đường biển sẽ tăng khoảng 10%/năm.

Trước các cơ hội này, GSP cũng tìm cách nâng cao năng lực đội tàu. Hiện tại, GSP sở hữu 7 tàu chở dầu, trong đó, 2 tàu Hồng Hà, Việt Gas đã hết khấu hao từ năm ngoái và 2 tàu Aquamarine Gas, Apollo Pacific sẽ hết khấu hao vào năm 2016-2017. Với 4 tàu hết khấu hao, GSP có thể bán thanh lý hoặc giữ lại chạy tuyến ngắn. Dù thế nào, GSP vẫn cần thuê hoặc đầu tư tàu mới để đảm bảo lấp đầy lịch chạy tàu. GSP đang thuê 3 tàu Venus 9, Oceanus 8, Viet Gas 1 và có kế hoạch chi hơn 150 tỉ đồng để mua thêm tàu LPG trọng tải 3.000 DWT, thay thế tàu Aquamarine. Trong năm 2016, GSP cũng dự kiến đầu tư thêm một số xà lan.

Xa hơn, để phục vụ nhu cầu vận chuyển khí từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, GSP dự kiến bổ sung một tàu chở khí trọng tải lớn (VLGC) tải trọng 80.000 DWT, với giá trị đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng. Do GSP ít kinh nghiệm trong quản lý tàu cỡ lớn nên 2 năm trước khi GSP đưa tàu VLGC vào chạy chuyến trong nước (2017-2019), tàu VLGC sẽ phải chạy định hạn trong các tuyến quốc tế.

Khi đó, các công ty chứng khoán dự báo, hiệu quả kinh doanh của GSP sẽ gặp khó khăn tạm thời, do biên lợi nhuận các chuyến vận tải quốc tế thường thấp. Ngoài ra, GSP chịu thêm áp lực từ lãi vay, khấu hao. Trước nay, GSP được đánh giá tốt nhờ tài chính lành mạnh, dư nợ vay thấp. Từ năm 2012 tới nay, chi phí tài chính của GSP chưa vượt qua mốc 10 tỉ đồng. Nợ vay bằng ngoại tệ cũng không đáng kể nên ít gây rủi ro tỉ giá. Năm 2016, để tài trợ mua tàu VLGC, GSP dự kiến phát hành 18 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, nhưng chưa thông tin chi tiết kế hoạch, giá.

Việc phát hành thêm sẽ pha loãng cổ phiếu GSP nhưng căn cứ tiềm năng, vị thế và mức EPS dự kiến năm 2016 (hơn 2.500 đồng/cổ phần), TVS vẫn nhìn nhận lạc quan về cổ phiếu GSP. Đặc biệt, cổ phiếu GSP còn hấp dẫn với mức cổ tức tiền mặt mỗi năm đều đặn 1.000-1.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng khoảng 10% giá cổ phiếu.

Theo: Nhịp cầu Đầu tư​
 

Việc làm nổi bật

Top