Có thể thu hồi tiền hoàn thuế xăng dầu cho quỹ bình ổn?

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã được hoàn thuế theo Biểu thuế ưu đãi đặc biệt trong ASEAN (ATIGA) năm 2015 khoảng 3.500 tỉ đồng tiền thuế và dự kiến số thuế được hoàn sẽ tiếp tục tăng lên. Song có ý kiến cho rằng, số tiền chênh lệch hoàn thuế kể trên của các doanh nghiệp nên được đưa vào Quỹ bình ổn xăng dầu như một cách hoàn trả cho người tiêu dùng.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội hôm 22-3, ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, cho rằng việc Bộ Tài chính tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu từ mức thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành (MFN) từ 10% đến 20% là không đúng với tình hình nhập khẩu thực tiễn do có một số lượng xăng dầu được nhập khẩu từ ASEAN , Trung Quốc và Hàn Quốc, là những nơi chịu mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp hơn hẳn thuế MFN. Sự chênh lệch trong việc định giá cơ sở xăng dầu dẫn đến doanh nghiệp xăng dầu có cơ hội tăng lợi nhuận không đến từ hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trong thông tin được Bộ Tài chính đăng tải trên website của bộ này hôm 18-3, bộ này thừa nhận thời gian qua không phải tất cả các hàng hóa nhập khẩu đều hưởng các mức thuế ưu đãi nhập khẩu đồng nhất. Cụ thể năm 2015, số thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế TTĐB đã thu từ từ xăng dầu nhập khẩu là xấp xỉ gần 40.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã bổ sung C/O mẫu D (theo biểu thuế ATIGA) nên được hoàn thuế 3.500 tỉ đồng. Song số liệu hoàn thuế nhập khẩu này chỉ là số liệu sơ bộ vì có thể số thuế tiếp tục được doanh nghiệp đù điều kiện hoàn trong thời gian tới sẽ lớn hơn. Hay nói khác đi, số chênh lệch thuế doanh nghiệp được hoàn sẽ còn gia tăng, kéo theo lợi nhuận của họ sẽ còn gia tăng trong khi người tiêu dùng bị thiệt hại nặng.

Ông Bùi Đức Thụ cho rằng số tiền chênh lệch mà doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu được hoàn thuế nên đưa trở lại vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm điều tiết giá bán khi giá xăng dầu tăng cao để hài hòa lợi ích giữa các bên, cho dù Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh mức tính thuế trong giá cơ sở từ hôm 18-3 theo hướng hợp lý hơn.

Vấn đề là ở chỗ, ông Thụ thừa nhận trong bản chất sự việc này, doanh nghiệp được lợi nhưng họ không trục lợi, không vi phạm quy định mà tuân thủ theo cơ chế điều hành xăng dầu của Nhà nước. Đồng thời việc họ hoàn thuế phải có đủ chứng từ, thủ tục, nghĩa là cũng lại đúng quy định hiện hành.

19da1_petrolimex.jpg

Hơn nữa, cũng không có cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp hoàn số thuế 3.500 tỉ đồng vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trước đó, năm 2013, Chính phủ đã từng ra văn bản yêu cầu truy thu chênh lệch thuế khi các doanh nghiệp chuyển số xăng dầu tạm nhập-tái xuất sang tiêu thụ nội địa do cách tính thuế từ khi xăng dầu cập cảng và cách tính thuế khi chuyển mục đích sử dụng chênh nhau. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đầu mối không chịu và đã kiện quyết định truy thu thuế ra tòa. Một số nhà nhập khẩu đã thắng kiện Tổng cục thuế trong vụ kiện này.

Trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cũng thừa nhận, việc điều chỉnh mức thuế nhập khẩu trong giá cơ sở xăng dầu là quá chậm.

Theo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top