Cuộc chiến vàng đen

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Cảnh sát Na Uy vừa trả tự do cho 6 nhà hoạt động môi trường của tổ chức Hòa bình xanh, đồng thời phạt hành chính từ 2.700 EUR - 3.200 EUR/người.

nick_cobbing_greenpeace_nature_and_youth_oil_lofoten.jpg

Theo phía cảnh sát, họ bị bắt giữ vào trung tuần tháng 8 vừa qua sau khi đi vào khu vực “500m an toàn” của giàn khoan dầu Songa Enabler để biểu tình phản đối hoạt động khai thác của công ty dầu khí Statoil (Na Uy) tại giếng Korpfjell. Người đứng đầu tổ chức Hòa bình xanh Na Uy Truls Gulowsen, gọi vụ bắt giữ trên là trái pháp luật bởi cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra tại địa điểm phù hợp với luật tự do hàng hải.

Tờ Le Figaro nhận định, cuộc chiến vàng đen đang diễn ra trên nhiều mặt trận tại Na Uy với nhiều cuộc biểu tình. Một cuộc thăm dò ý kiến mới được công bố cho thấy, lần đầu tiên 44% số người được hỏi ủng hộ việc chính quyền hạn chế khai thác dầu mỏ để giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo tờ báo Pháp, tại một quốc gia dường như chỉ sống nhờ vào khai thác dầu lửa và khí ga từ những năm 1970 thì đây là một bước ngoặt lịch sử. Chuyên gia Erlend Tellnes thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace giải thích một mặt, giá dầu lửa sụt giảm đã khiến hàng trăm ngàn người Na Uy mất việc làm. Mặt khác, nhiều người bắt đầu hiểu rằng cần tìm các nguồn thu nhập khác.

Mục tiêu của các phong trào đấu tranh và nhiều chính đảng nhỏ hiện nay ở Na Uy là buộc chính phủ ngưng triển khai các dự án mới khai thác dầu mỏ và khí đốt. Sẽ là không quá khi nói rằng dầu mỏ một trong những vấn đề quyết định thành bại tại cuộc tổng tuyển cử Na Uy sẽ diễn ra trong tháng 9 tới.

Hai chính đảng lớn nhất hiện nay của Na Uy là đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập đều có động thái ủng hộ các bước ban đầu đánh giá tác động môi trường tại Lofoten, một bước đi trong quy trình tiến tới cho phép khai thác dầu. Theo đánh giá của một số công ty khai thác dầu của Na Uy, Lofoten có trữ lượng dầu mỏ vào khoảng 1,3 tỷ - 3 tỷ thùng (trị giá 60 - 65 tỷ USD). Điều đáng nói ở đây là 1 trong 2 đảng trên sẽ đều phải liên minh với các đảng nhỏ khác tại Na Uy để thành lập chính phủ sau cuộc tổng tuyển cử. Và các đảng nhỏ thì luôn coi việc động vào Lofoten cùng các đảo Vesterålen và Senja, những nơi có cảnh sắc thiên nhiên vào dạng bậc nhất Na Uy, là điều cấm kỵ. Vì vậy, đảng Bảo thủ hay Công đảng gần như chắc chắn không dám dỡ bỏ lệnh cấm khai thác tại Lofoten nếu muốn thắng cử.

Không thể phủ nhận là Na Uy đã có nhiều nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, Na Uy là quốc gia Bắc Âu sử dụng nhiều xe hơi điện nhất thế giới, nhà nước cũng đóng góp nhiều trăm triệu USD cho quỹ bảo vệ rừng Amazon… Nhưng nghịch lý là Na Uy chủ trương khai thác khí đốt với lượng lớn nhất, nhanh nhất và hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ, khí đốt lớn thứ 8 trên thế giới. Lượng khí phát thải từ chất đốt mà Na Uy xuất khẩu ra thế giới năm 2016 cao gấp 10 lần lượng khí phát thải từ chất đốt mà Na Uy sử dụng trong nước. Nói cách khác, Na Uy đứng thứ 7 về xuất khẩu khí phát thải độc hại ra thế giới. Một tờ báo khác của Pháp là Le Monde nhận định “là một đất nước nhỏ bé, nhưng Na Uy lại gây tác động rất lớn tới biến đổi khí hậu toàn cầu”.

ĐỖ CAO - Sài Gòn Giải Phóng​
 

Việc làm nổi bật

Top