Cuộc 'nội chiến' ngành gas

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Hai buổi đối thoại của Bộ Công thương với cộng đồng doanh nghiệp tuần rồi bỗng trở thành 'cuộc chiến' nội bộ của các công ty gas.

Mấu chốt của cuộc tranh luận chủ yếu xoay quanh quy định về điều kiện với thương nhân phân phối gas tại Nghị định 19 ra đời giữa năm 2016. Theo đó, muốn phân phối gas, doanh nghiệp phải có tối thiểu từ 100.000 vỏ bình gas và có bồn chứa 300 m3. Nếu so với Nghị định 107 trước đây thì thương nhân cấp 1 còn phải có ít nhất 300.000 vỏ và bồn chứa 800 m3, gấp 3 lần quy định như hiện nay.

Vậy nhưng các doanh nghiệp nhỏ vẫn cho là chính sách này bảo vệ các ông lớn, o ép họ. Thế nên, dù hội nghị đối thoại diễn ra ở hai đầu Hà Nội và TP.HCM, thì ngay tại buổi đối thoại đầu tiên ở Hà Nội (27.9) , hội trường chứng kiến sự đổ bộ khá rầm rộ của công ty nhỏ và vừa có trụ sở ở miền Nam và nam Trung bộ, từ Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng…

Bức xúc vì bị quy kết là đối tượng được chính sách "bảo kê", tại hội nghị ở TP.HCM (30.9), lại là sự xuất hiện của không ít doanh nghiệp lớn từ miền Bắc bay vào.

Ông Nguyễn Minh Châu, Công ty cổ phần dầu khí EPIC - người đã bay từ Nghệ An vào dự họp, cho biết, việc hạ các điều kiện này khiến công ty ông mới là người "chịu thiệt" khi trước đó phải đầu tư bài bản. Ông Hoàng Anh, đại diện Tổng công ty Gas Petrolimex cho rằng trạm nạp thì phải thuộc thương nhân phân phối để hạn chế tình trạng sang chiết lậu đang không quản lý được.

Theo một chuyên gia, hiện cả nước có khoảng 30 thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG, 150 thương nhân phân phối, gần 200 tổng đại lý và trên 10.000 đại lý. Một khi số lượng doanh nghiệp đầu mối được ký kết càng nhiều thì nguy cơ thất thoát bình gas càng cao, cơ hội để các đại lý chiếm giữ bình gas không quay lại hệ thống của doanh nghiệp đầu mối càng nhiều. "Như vậy, điều kiện quy định đối với các doanh nghiệp kinh doanh gas càng giảm thì yếu tố gây mất an toàn trong sản xuất càng cao, quyền lợi người tiêu dùng ngày càng không được đảm bảo", ông cảnh báo.

ga1_CFWP.jpg

Tại cả hai buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng nhắc lại, trước khi Nghị định 19 ra đời, các quy định tại Nghị định 107 còn ngặt nghèo hơn. "Không có chuyện chúng tôi làm chính sách là để giết doanh nghiệp nhỏ hay bảo vệ doanh nghiệp lớn như một vài ý kiến đưa ra", ông Khánh nói.

Điều vị Thứ trưởng muốn nhấn mạnh, một chính sách ra đời nhằm đa mục tiêu, làm sao vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh nhưng phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. "Và có thể, trong bối cảnh đó, Nghị định 19 thiên về mục tiêu thiết lập lại trật tự kinh doanh gas đang có dấu hiệu bát nháo nên có thể gây khó cho một nhóm doanh nghiệp nhất định. Đôi khi chính sách có tác dụng phụ là vậy", ông Khánh nói.

Ngoài ra, theo ông Khánh, Nghị định số 19 cũng đã có độ mở nhất định khi quy định 5 loại hình thương nhân kinh doanh (bao gồm thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu; thương nhân sản xuất, chế biến; thương nhân phân phối; tổng đại lý và đại lý). "Điều này đã mở cho các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn tham gia thị trường kinh doanh gas. Khi tham gia kinh doanh mặt hàng gas trên thị trường nội địa, doanh nghiệp đều có quyền tự do lựa chọn các loại hình kinh doanh phù hợp chứ không nhất thiết phải là thương nhân phân phối", ông nhấn mạnh.

Nguyên An - Báo Thanh Niên​
 

Việc làm nổi bật

Top