Đàm phán về trung chuyển khí đốt Nga - Ukraine - EU: Tránh nguy cơ chiến tranh khí đốt

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ngày 17.7 tại Berlin, Đức, các quan chức ngành năng lượng của Nga và Ukraine đã tham gia cuộc thương lượng do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, nhằm thảo luận về hoạt động vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Moscow và Kiev về hợp đồng cung cấp khí đốt bổ sung. Các cuộc đàm phán nhằm tránh nguy cơ nổ ra chiến tranh khí đốt mới giữa hai nước láng giềng sau khi hợp đồng hết hạn vào năm 2019.

08-tranh-nguy-480200718.JPG

Tín hiệu tích cực

Phát biểu sau cuộc gặp ba bên giữa Nga, Ukraine và EU ngày 17.7, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, Nga sẵn sàng gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine sang châu Âu hiện nay, hoặc có thể thảo luận hợp đồng mới. Ông Novak cũng nêu rõ lập trường của Nga là giải quyết mọi vấn đề gây tranh cãi trước khi bắt đầu thương lượng hợp đồng mới có lợi cho cho tất cả các bên. Ông Novak cho biết, tại cuộc gặp ngày 17.7, các bên đã nhất trí đưa ra những con số cụ thể, tuy nhiên, những đề xuất này cần tiếp tục được thảo luận và phê chuẩn. Theo đó, Nga, Ukraine và EU sẽ thảo luận về những vấn đề mang tính kỹ thuật như khối lượng, giá thành và các điều khoản cung cấp khí đốt tại cuộc gặp tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Một thỏa thuận “hữu nghị” giữa Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Naftogaz của Ukraine cũng có thể được thương lượng tại cuộc gặp tháng 10.

Đánh giá về không khí cuộc đàm phán ba bên, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic cho rằng, cuộc thương lượng mang tính tích cực, nhằm tạo dựng niềm tin và cách tiếp cận mang tính xây dựng giúp các bên giải quyết những vấn đề tồn đọng. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết, mặc dù cuộc thương lượng ngày 17.7 giữa Nga - Ukraine do EU bảo trợ không đề cập tới dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, song ông tin tưởng, các bên có thể đạt được giải pháp nhằm vừa bảo đảm hoạt động vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraine, vừa bảo đảm lợi ích an ninh của Ukraine sau năm 2020.

Xoa dịu căng thẳng

Đàm phán về trung chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine sang châu Âu diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Moscow - Kiev liên quan đến vấn đề khi đốt. Phần lớn khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu được vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine, giúp mang lại một khoản thu ngân sách của Kiev. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân thường xuyên làm nảy sinh tranh cãi giữa hai nước láng giềng. Thêm nữa, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nhằm xây đường ống dẫn dầu từ Nga sang Đức qua biển Baltic, không đi qua Ukraine, lại càng “đổ thêm dầu” vào mối bất hòa Moscow - Kiev.

Trong Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, Nga sẽ xây hai tuyến đường ống dẫn khí dài 1.200km, với tổng công suất lên đến 55 tỷ mét khối khí một năm, chạy thẳng từ bờ biển của Nga qua biển Baltic sang Đức. Dự án được hy vọng sẽ hoàn thành phần xây dựng vào tháng 7.2019 và đến cuối năm 2019 sẽ sẵn sàng để vận chuyển khí đốt của Nga. Khi đi vào hoạt động, đường ống này sẽ vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không đi qua Ukraine, góp phần tăng gấp đôi lượng khí đốt của Nga đến nền kinh tế mạnh nhất EU.

Dmitry Kuleba, đại diện thường trực của Ukraine trong Hội đồng châu Âu cho rằng, Ukraine sẽ mất “đòn bẩy chính trị” vì Dòng chảy phương Bắc 2. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng phản đối mạnh mẽ dự án này, cho rằng Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ khiến Ukraine ngày càng bị cô lập về kinh tế. Các chuyên gia Ukraine cho rằng, khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được khởi động, giá trị của đường ống dẫn khí đốt của Ukraine sẽ giảm. Ukraine sẽ không còn là trạm trung chuyển khí đốt khi thỏa thuận khí đốt giữa Ukraine và Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga hết hiệu lực vào năm 2019.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng lên tiếng phản đối dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và cho rằng, Berlin bị Moscow “nắm thóp” vì Đức lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ Moscow. Tuy nhiên, Berlin khẳng định, Dòng chảy Phương Bắc 2 chỉ là dự án hoàn toàn mang tính chất thương mại. Trong tháng 3, Đức cũng đã dỡ bỏ những trở ngại cuối cùng đối với việc xây dựng tuyến đường ống này. Nhằm xoa dịu những lo lắng của Ukraine, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, Ukraine nên tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển khí đốt đến châu Âu.

Nhu cầu khí đốt của châu Âu đã tăng từ năm 2015, chủ yếu do sản lượng giảm ở Hà Lan. Ngoài Dòng chảy Phương Bắc 2, một dự án khác mang tên Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang được thiết lập, nhằm giảm vai trò của Ukraine trong quá trình vận chuyển khí đốt. Mùa đông năm ngoái, Gazprom tăng xuất khẩu sang châu Âu lên mức cao kỷ lục do thời tiết lạnh. Nhà nghiên cứu Jack Sharples cho rằng, việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ tiếp tục cần thiết cho sản lượng khí đốt đáng kể trong suốt cả năm đối với Nga, cho đến khi Dòng chảy Phương Bắc 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, sau đó, vai trò của Ukraine sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận đạt được với Ủy ban châu Âu hoặc nhu cầu của khách hàng.

Ngọc Khánh
daibieunhandan.vn
 

Việc làm nổi bật

Top