Đấu thầu tại một số dự án của PVC: Cắt giảm hạng mục, giá đắt hơn cả triệu USD

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Như Lao Động đã phản ánh trên số báo 176 ngày 31.7.2017, tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gói thầu “Hệ thống vận chuyển than và đá vôi” (Gói thầu - PV) sau nhiều khó khăn mới tìm được nhà thầu. Tuy nhiên, sau đó HĐQT TCty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) quyết định “bẻ lái”, hủy thầu để cuối cùng chấp nhận giá trúng thầu cao hơn giá trước khi hủy thầu hàng chục tỉ đồng. Ngoài ra, tại Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và TCty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm tổng thầu cũng đang nằm trong nghi vấn về chất lượng tại một số gói thầu.

Tiền hậu bất nhất

Chỉ trong thời gian ngắn, HĐQT PVC đã thay đổi ý chí của chính mình. Bởi ngày 20.8.2013, HĐQT PVC ra Nghị quyết số 644/NQ- XLDK khẳng định sẽ không hủy thầu.

Ngày 4.12.2013, văn bản 3939/BC - XLDK của Tổng giám đốc PVC, kèm theo Báo cáo số 1434/Tct TB2-MH của Tổ công tác báo cáo HĐQT PVC, đánh giá việc hủy thầu sẽ không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ của riêng gói thầu, tăng nguy cơ khiếu kiện của nhà thầu, mà còn ảnh hưởng tới tổng thể dự án.

3-3_opt_VERC.jpeg

Cụ thể, Tổ công tác khuyến nghị: “Việc kéo dài tiến độ gói thầu sẽ ảnh hưởng đến nhiều gói thầu khác, dẫn tới việc kéo dài tiến độ tổng thể dự án. Cụ thể: Ảnh hưởng tới tiến độ thiết kế và thi công cảng chính; ảnh hưởng tiến độ thiết kết, chế tạo kết cấu thép toàn bộ khu vực Bunker bay của SDC (SDC không chịu trách nhiệm giao hàng chậm do PVC chưa cung cấp số liệu cuối cùng cho họ); ảnh hưởng tới tiến độ thiết kế, thi công xử lý nền kho than và thiết kết kho than (nếu công tác thiết kế thi công được thực hiện sớm, PVC sẽ không phải dựng thêm kho tạm để làm nhiệm vụ chứa hàng hóa của dự án do tiến độ hiện đang bị chậm); ảnh hưởng tới tiến độ hệ thống thiết kế của hệ thống cung cấp nước thô, nước dịch vụ, nước sinh hoạt của nhà thầu SDC; ảnh hưởng tới tiến độ thiết kế của SDC trong việc tính toán, thiết kế thống số máy biến áp tự dừng và hệ thống điện tự dùng của nhà máy; không có thông tin về đo lường và điều kiện để thống nhất về số lượng và đặc tính I/O giữa gói than và gói SDC; tổ chức đấu thầu lại sẽ dẫn phát sinh về chi phí tư vấn; tiềm ẩn khả năng khiếu nại từ phía nhà thầu”.

Nhưng không hiểu sao, những khuyến nghị việc hủy thầu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy tiêu tốn tiền của, thời gian, trong bối cảnh tiến độ tổng thể Dự án đang bị chậm so với kế hoạch, song không được HĐQT PVC lưu tâm. Bởi vậy, cùng ngày 4.12.2014, HĐQT PVC “quay ngoắt 180o” và ra quyết định 895/QĐ-XLDK hủy thầu, tiến hành mở thầu lại.

Hạng mục giảm, chi phí tăng, vẫn nhà thầu cũ trúng thầu

Việc tổ chức đấu thầu lại khiến cho Gói thầu chậm tiến độ xấp xỉ 1 năm, kéo theo vô số chi phí từ nhân công, kho bãi, đội chi phí...

Ngày 27.12.2013, HĐQT PVC có Quyết định 974/QĐ-XLDK về việc thay thế quyết định 895/QĐ-XLDK và chỉ đạo thông báo cho ba nhà thầu chào thầu lại trên cơ sở điều chỉnh phạm vi công việc. Tuy nhiên, đến ngày 13.1.2014, chỉ có 2/3 nhà thầu nộp Hồ sơ chào thầu lại gồm FLSmidth Wadgassen GmbH (FLS - PV) và ThyssenKrupp Resourse Technologies GmbH. Tiếp đó, ngày 20.1.2014, Tổng giám đốc PVC đề nghị HĐQT PVC xem xét điều chỉnh tổng thể Gói thầu, theo đó: Lược bỏ một số hạng mục như “máy xúc lật, máy ủi, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống lưới tiếp địa, hệ thống chiếu sáng ngoài trời… Hố thu nước thải, các thiết bị thông gió và điều hòa không khí cho các tòa nhà thuộc hệ thống vận chuyển than và đá vôi, hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các tòa nhà, hệ thống chiếu sáng cho các tòa nhà…”.

Ngày 14.5.2014, HĐQT PVC đã ra quyết định số 438/QĐ-XLDK, quyết định phê duyệt nhà thầu FLS trúng thầu gói thầu “Hệ thống vận chuyển than và đá vôi - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2” với giá trúng thầu là 54.957.350 USD (chưa bao gồm thuế VAT). Vậy là, đảo qua đảo lại, cuối cùng FLS vẫn trúng thầu.

Gói thầu đã giảm khoảng 12 triệu USD so với giá trúng thầu lần đầu của FLS. Thế nhưng, so sánh giá chào thầu lần 2 nếu đủ các hạng mục như giá chào thầu lần 1 của FLS thì giá trị gói thầu lần 2 cao hơn lần 1 khoảng 1,2 triệu USD, tương đương khoảng 25 tỉ đồng.

Như vậy, sau nhiều lần đong đếm, cắt gọt, PVC đã “sàng lọc” hàng chục tỉ đồng. Đó là chưa thống kê các hạng mục bị cắt bỏ để chuyển sang các gói thầu khác chi phí khác biệt như thế nào so với giá trị chào thầu ban đầu. Việc chấp nhận tăng chi phí, bất chấp mất uy tín với chủ đầu tư và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ toàn bộ dự án để cuối cùng mang lại gói thầu đắt hơn hàng chục tỉ đồng cần phải được làm rõ động cơ, mục đích và quy trách nhiệm cụ thể của từng tập thể, cá nhân tại PVC. Nhưng tới nay, vụ việc vẫn nằm trong vòng o bế của PVC và có lẽ cả PVN.

Thông qua hai gói thầu mua sắm có giá trị từ vài chục tỉ đồng đến gói thầu cung cấp thiết bị cả nghìn tỉ đồng đủ thấy việc HĐQT PVC bất chấp ý kiến chuyên môn, tự tung tự tác, gây bức xúc cho các nhà thầu và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Rõ ràng hành vi ấy không thể chỉ do trình độ quản lý yếu kém mà còn mang tính hệ thống. Với các văn bản báo cáo từ PVC và văn bản chỉ đạo từ PVN, chắc hẳn PVN biết rõ, nhưng vì sao vẫn nhắm mắt làm ngơ không xử lý?

Tại dự án khác do PVN làm chủ đầu tư như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (do Lilama làm tổng thầu EPC) cũng đang có nhiều gói thầu cần phải làm rõ. Gần đây nhất, ngày 25.7.2017, Công văn 7736/VPCP-V.I được Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình “yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra và giải quyết” những vấn đề đang gây bức xúc tại gói thầu M05 - Hệ thống xử lý lưu huỳnh tại Dự án này. Bộ Công Thương sau đó đã có chỉ đạo yêu cầu PVN đánh giá lại toàn bộ gói thầu M05, kiểm tra xuất xứ thiết bị cung cấp cho gói thầu M05 có đúng theo hồ sơ yêu cầu? Lao Động sẽ tiếp tục thông tin.\

Báo Lao Động​
 

Việc làm nổi bật

Top