Để ngành Dầu khí tiếp tục phát triển

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ông Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam cho rằng ngành Dầu khí Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để vượt qua mọi thách thức.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát lại dự thảo Quy chế do Bộ Tài chính trình Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho PVN trong đầu tư kinh doanh phù hợp với đặc thù của ngành dầu khí, đồng thời đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với pháp luật hiện hành, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2017.

Theo ông Trần Ngọc Cảnh, nguyên Tổng giám đốc PVN, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã mở ra một vận hội mới cho sự phát triển của PVN.

Sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 95/2015/NĐ-CP, tạo ra một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí.

PetroVN_copy.jpg

Trước những tác động gần đây từ khó khăn chung của ngành công nghiệp dầu khí thế giới khi giá dầu khí giảm, cùng với sai phạm của một số cá nhân, ông Hồ Tế cho rằng con đường phát triển phía trước của PVN sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng không nên quá bi quan.

“Thử thách của lĩnh vực này chính là luôn đầy chông gai và rủi ro cao. Có lúc giá dầu chưa đến 10 USD/thùng, chúng ta vẫn trụ được. Vừa qua, thật đáng tiếc là trong ngành đã xảy ra một số sự việc không mong muốn. Tuy vậy, ngành Dầu khí vốn đã trải qua nhiều giai đoạn gian khổ và chưa từng lùi bước, vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ”, ông Hồ Tế nói và cho rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chia sẻ, đồng hành, vào cuộc trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của mình, PVN hoàn toàn có cơ sở để vượt qua mọi thách thức.

Ông Trần Ngọc Cảnh cũng cho rằng, bên cạnh yếu tố giá dầu suy giảm và giữ ở mức thấp kéo dài như hiện nay, thì các vụ việc liên quan đến các dự án kéo dài, chậm tiến độ, chưa hiệu quả, cũng như sai phạm của một số cá nhân trong PVN… đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt hoạt động của Tập đoàn.

Tuy vậy, trong những khó khăn đó, thực tế là PVN vẫn đứng vững, hoàn thành tốt và vượt mức các nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ giao và luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

“Tôi cho rằng, các vụ việc tiêu cực đã xảy ra chỉ là cá biệt và tập trung trong một giai đoạn nhất định so với cả chặng đường lịch sử 56 năm xây dựng và phát triển của ngành này. Đây là bài học đau đớn đối với PVN. Với thời gian, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xem xét xử lý công khai, minh bạch trách nhiệm của những người có liên quan, còn ngành Dầu khí Việt Nam với đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động và các cơ sở công nghiệp hiện đại trị giá hàng chục tỉ đôla được đầu tư suốt mấy chục năm qua sẽ vẫn phải tồn tại và phát triển”, ông Cảnh bày tỏ.

Theo ông ông Hồ Tế, những năm qua, song hành với các nghĩa vụ đối với Nhà nước, PVN cũng được giao quyền chủ động quyết định đối với nhiều công trình, dự án trọng điểm về Dầu khí sau khi được Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt, với nhiều chính sách như nguồn kinh phí được Nhà nước phê duyệt chủ trương đầu tư trở lại cho PVN từ tiền lãi dầu khí nước chủ nhà mỗi năm.

Nhờ đó, ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đồng bộ trong 10 năm qua. “Tôi cho rằng, mọi chính sách về nguồn lực tài chính, về kiểm soát đối với PVN cần phải được phản biện, trao đổi và cân nhắc hết sức thận trọng”, ông Hồ Tế nói.

Ông Trần Ngọc Cảnh cũng nêu ý kiến, để đảm bảo nguồn thu lâu dài cho Nhà nước và sự phát triển bền vững cho PVN, bên cạnh các biện pháp tăng cường công tác thẩm định, xem xét phê duyệt và thắt chặt kiểm tra giám sát đối với các hoạt động đầu tư của PVN..., Nhà nước vẫn cần để lại một tỷ lệ thích đáng từ nguồn thu của PVN để tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi của ngành, từ đó góp phần bảo đảm nguồn thu lâu dài cho quốc gia.

Nguyễn Tiến Dũng
Baochinhphu.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top