Giá dầu tăng, doanh nghiệp dầu khí vơi dần áp lực

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Nhóm cổ phiếu dầu khí có mức giảm giá mạnh nhất thị trường trong giai đoạn giá dầu sụt giảm, lợi nhuận quý I/2016 của các DN cũng ghi nhận sự tụt dốc. Hiện giá dầu đang hồi phục, áp lực của các DN ngành dầu khí vơi dần.

PVS -triển vọng lợi nhuận quý II tích cực hơn


Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 của Tổng CTCP Kỹ thuật dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 244,9 tỷ đồng, giảm 11,2% so với quý I/2015. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ PVS là hơn 35 tỷ đồng, giảm 87,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân là do giá dầu thô giảm, thị trường dịch vụ kỹ thuật dầu khí giảm mạnh, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận các lĩnh vực này của Công ty đạt mức thấp.

Với diễn biến tích cực của giá dầu trong thời gian gần đây, PVS kỳ vọng, lợi nhuận quý II/2016 sẽ được cải thiện. Công ty đã xây dựng 3 kịch bản kinh doanh cho năm 2016: lỗ khoảng 250 tỷ đồng nếu giá dầu thô dao động từ 25 - 30 USD/thùng; lãi sau thuế công ty mẹ xấp xỉ 500 tỷ đồng nếu giá dầu thô trung bình 40 USD/thùng và lãi khoảng 730 tỷ đồng nếu giá dầu 60 USD/thùng.

1_215853.jpg

PVT dự kiến lợi nhuận 2016 tối thiểu bằng năm ngoái

Tổng CTCP Vận tải dầu khí - PVTrant (PVT) có kết quả kinh doanh quý I/2016 khả quan, với doanh thu thuần đạt 576,9 tỷ đồng, tăng 32%; lãi ròng đạt 51 tỷ đồng, tăng 72% so với quý I/2015.

Ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVT cho biết, giá dầu tăng có tác động đến chi phí nhiên liệu, nhưng mức tác động không quá lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, có thể dự báo lợi nhuận quý II/2016 của PVT sẽ cao hơn quý I/2016. Ở mảng vận tải, Công ty đang vận chuyển dầu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hoạt động ổn định và giá vận tải đang có diễn biến tích cực. Trong khi đó, mảng vận chuyển than có thêm công việc khi cung cấp dịch vụ cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng.

Tuy kinh doanh hiệu quả, nhưng PVT khá thận trọng khi đặt kế hoạch kinh doanh năm 2016, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là gần 300 tỷ đồng. CTCK Dầu khí dự báo, lợi nhuận sau thuế năm nay của PVT tối thiểu bằng mức thực hiện năm 2015 là 430 tỷ đồng.

PXS đã có đủ hợp đồng để đạt kế hoạch kinh doanh 2016

Đại diện CTCP Kết cấu kim loại Dầu khí (PXS) cho hay, Công ty hiện đã có đủ hợp đồng khả thi để đạt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm nay. Cụ thể, kế hoạch sản lượng là 2.650 tỷ đồng đồng, doanh thu hơn 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 144 tỷ đồng. Đóng góp phần lớn vào doanh thu năm nay sẽ là các dự án giàn khoan của Bộ Quốc phòng (vốn ít chịu ảnh hưởng của biến động giá dầu, nhưng biên lợi nhuận thường không cao, vào khoảng 14%). Công ty sẽ tìm kiếm các hợp đồng thay thế bên cạnh những hợp đồng tiềm năng từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như NCS 2 - giai đoạn 2, Lô B - Ô Môn và các dự án nhiệt điện khác.

Bên cạnh đó, Công ty đang mở rộng sang mảng việc xây lắp trên bờ, cụ thể là các phần công việc liên quan tới Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Long Phú Sông Hậu... Đối với phần việc tại Nhiệt điện Thái Bình 2, PXS đã thi công 87% giá trị sản lượng trên tổng mức giá trị 925 tỷ đồng của gói thầu, giá trị dở dang chỉ dưới 200 tỷ đồng. Việc thay đổi tổng mức đầu tư của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 về cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu và lợi nhuận của PXS.

VPBS nhận định: giá dầu đã tạo đáy và sẽ tiếp tục phục hồi

Ông Lê Anh Minh, Phó giám đốc Phòng Nghiên cứu, CTCK VPBank (VPBS) cho biết, trong vòng 12 tháng qua, cổ phiếu ngành dầu khí có diễn biến kém hơn toàn thị trường, giá giảm khoảng 20% do tình trạng dư cung dầu toàn cầu, cuộc chiến về giá giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước bên ngoài OPEC, tăng trưởng chậm lại của thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016, cổ phiếu ngành dầu khí có diễn biến tốt hơn thị trường chung, giá tăng 33% so với mức tăng 9,6% của toàn thị trường, phù hợp với diễn biến giá dầu hồi phục 51% tính từ đáy được thiết lập đầu năm.

Ông Minh dẫn chứng số liệu của Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm tới 79% theo năm, chỉ còn 400 giàn vào đầu tháng 5/2016. Đây có thể coi là tín hiệu tốt đối với ngành dầu khí do những nhà sản xuất có chi phí cao đang dần bị đào thải, sẽ làm giảm nguồn cung và giúp cải thiện giá dầu trong các quý tới. Mặc dù cuộc họp của các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn tại Doha vừa qua không đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng, nhưng giá dầu thế giới sau khi giảm mạnh đột ngột đã tăng trở lại khá vững vàng.

Với tốc độ gia tăng tồn kho dầu giảm rõ rệt trên bình diện thế giới, cộng với quyết tâm chính trị của các quốc gia xuất khẩu dầu lớn trong việc ổn định, thậm chí hỗ trợ giá dầu phục hồi lên mức cao hơn, VPBS duy trì quan điểm là giá dầu có thể đạt 46 USD/thùng trong quý II/2016 và đạt 50 - 52 USD/thùng vào cuối năm. Trên cơ sở đó, VPBS nhận định, giá dầu đã tạo đáy và sẽ tiếp tục hồi phục.

Từ nay đến cuối năm, VPBS cho rằng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí sẽ được cải thiện theo sự hồi phục của giá dầu. Mặc dù vậy, so với năm 2015, GAS, PVS, PLC nhiều khả năng có kết quả kinh doanh suy giảm ở mức “vừa phải”, còn PVD, PVC có thể có mức giảm mạnh hơn.

Trên TTCK, chỉ số P/E trung bình của một số cổ phiếu dầu khí tiêu biểu của ngành hiện ở mức 6,7 lần, nếu dự phóng dựa trên kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2016, P/E vào khoảng 8,7 lần, đây là mức trung bình so với thị trường, nhưng khá thấp so với lịch sử của ngành.

Nhìn về dài hạn, theo quan điểm của ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán, đa số các DN lớn trong ngành dầu khí đều có nền tảng tài chính tốt, doanh thu và lợi nhuận suy giảm chỉ mang tính giai đoạn nhất thời, nhưng giá cổ phiếu đã giảm rất mạnh. Đối với một số công ty, cho dù P/E dự phóng năm 2016 là cao (do EPS giảm), nhưng xét theo P/B hay tỷ lệ cổ tức/thị giá, thì giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn.

Hải Vân - Đầu tư Chứng khoán​
 

Việc làm nổi bật

Top