Họ dầu khí đạt lợi nhuận khủng

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Giá dầu ở mức thấp trong năm 2016 khiến các doanh nghiệp ngành dầu khí phải đối mặt với những thách thức kinh tế thị trường, nhưng vẫn về đích sớm với lợi nhuận khiến nhiều ngành khác phải ngưỡng mộ.

Tháng 3 đã tiêu hết tiền

Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP) cho hay, năm 2016 là năm khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động của VSP. Ở thời điểm tháng 1/2016, khi giá dầu xuống 27 USD/thùng, các tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và VSP cho thấy, với giá dầu như vậy, doanh nghiệp chỉ có thể trang trải kinh phí đến hết tháng 5/2016.
Tình hình có vẻ còn bi thảm hơn tại Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP). Ông Ngô Hữu Hải, Tổng giám đốc PVEP cho hay, năm 2016 là khó khăn nhất của PVEP kể từ ngày thành lập. Chưa bao giờ, vị thế, năng lực tài chính của doanh nghiệp từng được xem là trụ cột của tập đoàn kinh tế lớn nhất cả nước lại bị tổn thương mạnh mẽ, đe dọa sự phát triển của doanh nghiệp. “Nếu VSP tới tháng 5/2016 hết tiền, thì tại PVEP chỉ tới tháng 3/2016 đã hết nhãn và âm”, ông Hải nói.

ho-dau-khi-ve-dich-som-loi-nhuan-khung1485104373.jpg

Giá dầu thấp không chỉ khiến các doanh nghiệp khai thác dầu lao đao, mà còn kéo theo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng bị ảnh hưởng theo.

Theo ông Phan Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC), giá dầu giảm, cạnh tranh khốc liệt khiến PTSC hiểu rõ hơn về kinh tế thị trường và cạnh tranh. Ông Tùng cho biết: “Chúng tôi thực hiện các công trình ở những dự án dầu khí nên cũng bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm, phải dừng hoặc chậm tiến độ. Trong quá trình hoạt động, PTSC đã tiến hành so sánh mình với các đối thủ trên các góc độ và nhận thấy, có những thay đổi lớn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, trong khi các doanh nghiệp có vốn nhà nước như PTSC bị nhìn không thiện cảm”.

Tại các doanh nghiệp chế biến dầu khí, tình hình cũng đầy rẫy khó khăn. Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, dù là sản xuất trong nước nhưng sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn phải chịu thuế nhập khẩu, thậm chí ở mức cao hơn so với một số khu vực có ưu đãi tới 10%, khiến cho tình hình hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Còn nhớ, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng liên tục kêu cứu trong hơn nửa đầu của năm 2016, do mức thuế nhập khẩu tính trong giá xăng có sự chênh lệch lớn với một số khu vực, khiến nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu muốn nhập khẩu vì rẻ hơn xăng dầu nội.

Cũng khó khăn ngay từ đầu năm 2016 còn có Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVP) khi tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng bị sự cố từ ngày 25/1/2016 và tới tận đầu tháng 9/2016 mới khắc phục xong. Ngoài ra, hệ thống cấp khí từ khu vực PM3 về cho các nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 cũng gặp nhiều sự cố.

Dẫu khó khăn, nhưng thời điểm về đích theo kế hoạch đặt ra của nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí, không khỏi khiến các ngành khác phải bất ngờ.

Đơn cử như BSR, vào ngày 9/11/2016 đã hoàn thành chỉ tiêu sản lượng 5,8 triệu tấn sản phẩm các loại, về đích sớm 52 ngày so với kế hoạch năm 2016. Còn PVEP, vào ngày 1/12/2016 cũng đã chính thức hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác quy dầu theo kế hoạch được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao năm 2016, vượt tiến độ 30 ngày.

Và lợi nhuận khủng

Kết thúc năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt 22.400 tỷ đồng, vượt 37,4% kế hoạch năm. Hệ số bảo toàn vốn đạt 1,02 lần. Lợi nhuận trong lĩnh vực khai thác dầu khí cũng không hề thấp trước thách thức giá dầu. Công ty liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đạt doanh thu 43.300 tỷ đồng, vượt 3,2% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 6.480 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch.

Tại PVEP, doanh thu hợp nhất đã đạt 30.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.189 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quy định, thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là theo khối lượng dầu xuất bán tại các dự án và không phụ thuộc vào lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác nên thuế thu nhập doanh nghiệp mà PVEP phải nộp lên tới 5.189 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận sau thuế bị âm tới 1.980 tỷ đồng.

Tại Liên doanh Rusvietpetro, tổng doanh thu phía Việt Nam đạt được là 406,1 triệu USD, tương đương 9.140 tỷ đồng. Lợi nhuận của phía Việt Nam thu được là 82,24 triệu USD, tương đương 1.890 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực khai thác khí, Tổng công ty Khí Việt Nam – PV Gas đạt doanh thu hợp nhất là 55.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 5.670 tỷ đồng. Đối với riêng Công ty mẹ - PV Gas, lợi nhuận sau thuế đạt 5.630 tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch.

Đối với lĩnh vực công nghiệp điện, Tổng công ty Điện lực Dầu khí cũng có kết quả đáng nể. Doanh thu hợp nhất đạt 26.520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.590 tỷ đồng, trong đó phần của Công ty mẹ - PVPower đạt 918 tỷ đồng.

Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo) cũng có kết quả tốt với doanh thu hợp nhất đạt 8.160 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.140 tỷ đồng, riêng Công ty mẹ - PVFCCo đạt 1.080 tỷ đồng.

Tại Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.210 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 622,5 tỷ đồng. Đối với Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 2.160 tỷ đồng, vượt 2,4 lần kế hoạch năm.
Khối các doanh nghiệp ở mảng dịch vụ dầu khí, 5 đơn vị đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất cao là Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PV Trans) với 460 tỷ đồng, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) với 836 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) với 436 tỷ đồng, Tổng công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa công trình Dầu khí (PVMR) với 5 tỷ đồng, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) với 577 tỷ đồng.

Các đơn vị chủ lực trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí tuy vẫn có lợi nhuận sau thuế, nhưng đạt thấp là Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) với 110 tỷ đồng, Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) với 156 tỷ đồng, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí (PVE) là 33 tỷ đồng…

Các doanh n
ghiệp dầu khí bị lỗ:
Công ty Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PV Tex) với lỗ luỹ kế tới 31/12/2016 là 3.431,5 tỷ đồng.
Tổng công ty cổ phần Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí (DMC) lỗ hợp nhất là 41 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) lỗ 1
22 tỷ đồng.
Thanh Hương - Báo Đầu tư​
 

Việc làm nổi bật

Top