Hội đồng quản trị PVC quyết định vội vã, bỏ qua tư vấn chuyên môn

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sau khi Lao Động đăng loạt bài về những khuất tất trong gói thầu “Vật liệu bảo ôn cách nhiệt” tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (Dự án) do TCty CP Xây lắp Dầu khí VN - PVC (Cty con của PVN) làm tổng thầu, đến nay vẫn chưa được HĐQT PVC trả lời thỏa đáng. PV Báo Lao Động lại tiếp tục phát hiện những vấn đề nghiêm trọng hơn trong một gói thầu khác cũng tại dự án này.

Nhọc nhằn mời thầu

Không phải tới bây giờ công tác đấu thầu tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mới bị phát hiện có những việc làm sai trái, bởi trước đó, hồi tháng 4.2017, UBKT T.Ư đã từng đưa ra kết luận về những sai phạm tại đây. Tuy nhiên, khi PV Báo Lao Động tiếp tục điều tra làm rõ, đã phát hiện nhiều gói thầu khác khi nhìn vào công tác đấu thầu tưởng rất công bằng, nhưng bên trong lại ẩn chứa nhiều dấu hiệu sai phạm như sự độc đoán không lắng nghe ý kiến của cơ quan chuyên môn giúp việc, có dấu hiệu làm thất thoát tài sản nhà nước. Thậm chí có thể khiến dư luận liên tưởng tới việc có hay không sự bắt tay, thông đồng giữa đơn vị chào thầu với nhà thầu để đẩy giá thành gói thầu lên cao bằng nhiều mánh khóe khác nhau…

pv2_opt_ULXC.jpeg

Tại gói thầu “Hệ thống vận chuyển than và đá vôi” - một trong những hạng mục quan trọng để vận hành nhà máy nhiệt điện có tổng giá trị lên tới hơn 1.000 tỉ đồng tại Dự án, quá trình tiến hành đấu thầu tiếp tục khơi lên những nghi vấn đáng ngờ. Cụ thể, ngày 9.4.2013, HĐQT PVC ban hành Quyết định số 1012/QĐ-XLDK về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu “Hệ thống vận chuyển than và đá vôi”. Sau đó, PVC gửi thư mời thầu tới 3 nhà thầu theo danh sách các nhà cung cấp trong Hợp đồng tổng thầu EPC (đã được đánh giá về năng lực, kinh nghiệm) là: FLSmidth WADGASSEN GmBH (Germany); ThysenKrupp Forrdertechinik GmBH (Germany); FAM Magdeburger Foerderanlagen und Baumaschinen GmBH (Germany). Sau nhiều lần gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự thầu vì các lý do khác nhau, ngày 3.6.2013, PVC mới có thể tiến hành mở thầu công khai gói thầu trên.

Theo báo cáo công tác lựa chọn nhà thầu của gói thầu này tại văn bản 2310/XLDK-KTTM ngày 19.7.2013, Ban điều hành PVC nhận định cả 3 nhà thầu đều vượt qua các bước đánh giá sơ bộ. Tuy nhiên, 2 trong 3 nhà thầu vẫn có những thiếu sót trong hồ sơ dự thầu như không đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu, chào thầu thiếu một số hạng mục, tiến độ thực hiện dài hơn yêu cầu, đưa ra nhiều sai lệch thương mại như thời gian bảo hành và điều kiện thanh toán… Chỉ có “hồ sơ dự thầu FLSMIDTH WADGASSEN GMBH (sau đây gọi tắt là FLS - PV) đáp ứng cơ bản các yêu cầu về mặt kỹ thuật, được chuyển sang bước xác định giá đánh giá”. Theo đó, giá dự thầu mà FLS đưa ra là 51.566.480 EUR (tính theo giá trị thời điểm năm 2013, tương đương 67.036.424 USD, tức xấp xỉ 1.400.000 tỉ đồng). Mức giá này được Ban điều hành PVC cho là “vượt giá gói thầu trong tổng dự toán của chủ đầu tư (54.418.035 USD)”.

Trước khó khăn này, ngày 1.8.2013, Chủ tịch HĐQT PVC - ông Đào Ngọc Thắng - đã ký văn bản số 582/XLDK-HĐQT xin ý kiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Tại văn bản này, HĐQT PVC nhận định “mặc dù nhà thầu đã đưa ra một số phương án thay đổi, điều chỉnh phạm vi công việc nhưng rất khó có khả năng giá của nhà thầu đề xuất nằm trong giá gói thầu đã được HĐQT PVC phê duyệt”. Vì thế, HĐQT PVC đề xuất 3 phương án giải quyết: Thứ nhất là hủy thầu; thứ hai là không hủy thầu, mời cả 3 nhà thầu chào bổ sung…; thứ ba là tiếp tục đàm phán với FLS. Cũng tại văn bản này, HĐQT PVC khẳng định phương án thứ nhất và phương án thứ hai sẽ tăng tính cạnh tranh nhưng mất nhiều thời gian, phương án thứ ba nhanh nhưng lại không đảm bảo tính cạnh tranh. Vì thế, HĐQT PVC tập trung về phương án thứ hai, vừa đảm bảo tính cạnh tranh mà lại mất ít thời gian hơn.

Ngày 20.8.2013, HĐQT PVC ra Nghị quyết số 644/NQ-XLDK khẳng định sẽ tiến hành theo đúng như phương án hai đã đưa ra. Kết quả này cho thấy, HĐQT PVC đề cao và quan tâm rất nhiều tới tiến độ thực hiện gói thầu, bởi đây là một hạng mục quan trọng, có tác động tới tổng thể thời gian thực hiện Dự án.

Đã chậm tiến độ - cho chậm luôn!

Ngày 4.12.2013, Tổng Giám đốc PVC khi đó là ông Trần Minh Ngọc có văn bản số 3939/BC-XLDK gửi HĐQT PVC dựa trên kết quả đánh giá và báo cáo của Tổ công tác đầu thầu đề nghị HĐQT PVC xem xét chấp thuận phương án thừa nhận “kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu; cho phép mời nhà thầu FLS tới đàm phán và tổ công tác sẽ báo cáo Tổng Giám đốc để trình HĐQT xem xét”. Việc này được tổ công tác đấu thầu đánh giá là giải pháp “phù hợp với các quy định của Luật Đấu thầu”.

Đồng thời tổ công tác đấu thầu cũng đưa ra phương án thứ hai là hủy kết quả đấu thầu nhưng khuyến nghị rất cụ thể rằng: “Việc hủy thầu sẽ khiến cho tiến độ gói thầu kéo dài thêm ít nhất 3 tháng (ở thời điểm này, tiến độ gói thầu đã chậm 6 tháng so với kế hoạch - PV); việc hủy thầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của PVC đối với chủ đầu tư về năng lực thực hiện công tác mua sắm cho dự án; việc tiến độ gói thầu kéo dài ảnh hưởng đến nhiều gói thầu khác liên quan, dẫn tới việc kéo dài tiến độ tổng thể của dự án…”. Quan trọng hơn, việc hủy thầu nhằm mục đích đảm bảo giá trị gói thầu nằm trong yêu cầu của tổng thầu PVC, nhưng theo khuyến nghị của tổ công tác thì hủy thầu lại đồng nghĩa với việc “phát sinh các chi phí về tư vấn; tiềm ẩn khả năng khiếu nại phức tạp từ phía FLSmidth do việc bên mời thầu sử dụng các đề xuất về kỹ thuật của họ để tiến hành mời thầu lại, mà không tuyên bố rõ về việc hủy thầu trước khi tổ chức đàm phán, làm rõ chi tiết với nhà thầu”.

Thế nhưng, ngay trong ngày 4.12.2013, Chủ tịch HĐQT PVC Bùi Ngọc Thắng đã kịp thời ban hành Quyết định 895/QĐ-XLDK có vẻ như “đặng chẳng đừng” về việc phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu “hệ thống vận chuyển than và đá vôi” với nội dung: “Không có nhà thầu trúng thầu” vì 2 lý do là “giá chào thầu vượt giá gói thầu; thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư”. Từ đó Chủ tịch HĐQT PVC quyết định “hủy đấu thầu để tổ chức đấu
thầu lại”.

Cũng chính từ đây, giải pháp tưởng như để gỡ nút thắt lại trở thành mâu thuẫn khi hàng loạt các quyết định tiếp theo của HĐQT PVC thể hiện tính độc đoán, không dựa trên các quy trình phân cấp và niềm tin vào tổ công tác chuyên môn để làm căn cứ thực hiện các quyết định của mình. Điều này dẫn tới hệ lụy là ở lần chào giá lại (đấu thầu lần 2), PVC phải chấp nhận mức giá cao hơn hàng chục tỉ đồng trong khi khối lượng các hạng mục kỹ thuật lại bị cắt giảm.
Lao Động sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Báo Lao Động​
 

Việc làm nổi bật

Top