Hợp tác quốc tế giữa Viện Dầu khí và HalliBurton

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong gần 40 năm từ khi thành lập, Viện Dầu khí Việt Nam đã không ngừng phát triển. Có được sự phát triển đó là do nhiều yếu tố, trong đó có đường lối đúng đắn của Ban lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí (sau này là Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam) và Ban lãnh đạo Viện về hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế giữa Viện Dầu Khí và Halliburton/Landmark Graphics trong giai đoạn 1999-2005 trong công tác Hỗ trợ kỹ thuật phần mềm đã đem lại hiệu quả kinh tế cho cả hai phía và đóng góp cho sự trưởng thành của cán bộ kỹ thuật cũng như sự phát triển của Viện.

hop-tac-quoc-te-giua-vien-dau-khi-va-halliburton-trong-cong-tac-ho-tro-ky-thuat_1.jpg

TS. Phan Ngọc Trung - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam và TS. Flemming Getreuer Christiansen -
Phó Tổng giám đốc Cục Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS)
đại diện hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác, 21/11/2014.

Có thể nói khởi nguồn của sự hợp tác này bắt nguồn từ một sự hợp tác quốc tế khác, từ trước đó. Năm 1996 Cục Địa chất Đan Mạch & Greenland (GEUS) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) hợp tác với Viện Dầu khí Việt Nam trong khuôn khổ đề án “Đánh giá tiềm năng dầu khí Bể Sông Hồng”. Trong quá trình thực hiện đề án, Ban Giám đốc dự án tiến hành mua 02 máy Woskstation (trạm làm việc) của hãng SUN và các phần mềm minh giải tài liệu địa chất/ địa vật lý của hãng Landmark Graphics (công ty con của Halliburton). Phần mềm có tên OpenWork, bao gồm các modul: GeodataLoad: nạp tài liệu địa chất (tài liệu giếng khoan, địa chấn); SeisWork2D/3D: minh giải địa chấn; TDQ: chuyển đổi dữ liệu và kết quả minh giải từ miền thời gian sang miền độ sâu; SynTool: chỉnh sửa đường cong tốc độ giếng khoan; PetroWork: minh giải các đường cong giếng khoan; StratWork: liên kết địa tầng giếng khoan; ZMapPlus: thành lập bản đồ.

Giám đốc dự án, phía Đan Mạch là ông Ioannis Abatzit, phía Việt Nam là TS. Viện Trưởng Trần Ngọc Toản, (sau này là Viện trưởng Vũ Văn Kính). Thành viên kỹ thuật tham gia gồm các nhà địa chất/địa vật lý Cục Địa chất Đan Mạch và các anh chị em ở phòng Địa Vật lý và Tin học của Viện Dầu khí (các anh Tài – thư ký & điều phối viên, Tiềm, Phòng, Giang, Tùng, Nam, Sơn, Đức, Cường, các chị Hương, Bình, Huyền, Thư, Hạnh).

Tài liệu giếng khoan và địa chấn được cấp từ Trung tâm Thông tin Tư liệu Dầu khí. Việc nạp tài liệu địa vật lý giếng khoan thì tương đối thuận lợi nhưng việc nạp tài liệu địa chấn từ băng từ thì gặp khó khăn do anh em chưa có kinh nghiệm. Ban điều hành Dự án đã nghĩ tới phương án thuê chuyên gia của Landmark từ Kuala Lumpur sang nạp nhưng sau đó anh em Việt Nam trong nhóm dự án, dưa trên những kiến thức thu nhận được từ khóa đào tạo ngắn hạn của Landmark tìm hiểu thêm phần mềm và tự nạp thành công, tất nhiên khi gặp khó khăn thì gọi trợ giúp của hãng (Kuala Lumpur, Perth, Huston) thông qua điện thoại hoặc email. Kết quả là đã nạp được tài liệu của gần 20 giếng khoan và hơn 150 tuyến địa chấn 2D của Bể Sông Hồng vào hệ thống, phục vụ công tác minh giải, thành lập các loại bản đồ các mặt phản xạ, bản đồ đẳng thời, đẳng sâu và đưa ra các kết quả nghiên cứu, đánh giá tiềm năng dầu khí của Bể.

Các nỗ lực tiếp thu/sử dụng/làm chủ phần mềm cũng như năng lực của nhóm kỹ thuật Viện Dầu khí được phía Đan Mạch đánh giá cao, đã góp phần cho sự thành công của Pha I của dự án, làm tiền đề cho sự tài trợ, hợp tác giữa Cục Địa chất Đan Mạch, Viện Dầu khí, Đại học Tổng hợp Copenhagen (GI/KU), Đại học Mỏ Địa chất (HUMG), Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội (HUS) ở các pha tiếp theo (pha 2 và dự án “Phân tích tổng hợp, mô hình hóa và đánh giá tiềm năng dầu khí các bể trầm tích ở Việt Nam”, chương trình “Nâng cao năng lực nghiên cứu” (ENRECA)).

Thời gian này, anh em kỹ thuật Viện Dầu khí trực tiếp tham gia các khâu của dự án, từ kiểm tra chất lượng tài liệu, nạp tài liệu vào hệ thống đến minh giải, thành lập bản đồ, vv. Ngoài ra anh chị em cũng được Ban Giám đốc dự án cử đi tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn, các chuyến đi thực địa ở Cục Địa chất Đan Mạch, Trung tâm Đào tạo Phần mềm của Landmark ở Malaysia, Australia. Anh chị em đã tích cực học hỏi, làm việc cùng chuyên gia Đan Mạch và nắm được quy trình thực hiện một nghiên cứu một cách bài bản, từ khâu thu thập, nạp tài liệu, minh giải, đối sánh trên Woskstation đến thành lập bản đồ, đưa ra nhận định và các kết luận nghiên cứu khác.

Trước năm 1999, hãng Landmark Graphics (Mỹ) cung cấp phần mềm địa chất, địa vật lý, khoan khai thác, mô hình hóa mỏ cho một số nhà thầu hoạt động dầu khí tại Việt Nam như Petronas, Unocal, BP Amoco, Conoco Phillips, Liên doanh Dầu khí Việt Xô (VSP), PVEP, Côn Sơn JOC, JVPC, vv. Công việc hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện từ các văn phòng của Landmark ở nước ngoài thông qua điện thoại hoặc email. Trong trường hợp khách hàng gặp các vấn đề nghiêm trọng hoặc khẩn cấp, người của Landmark sẽ trực tiếp sang Việt Nam hỗ trợ.

hop-tac-quoc-te-giua-vien-dau-khi-va-halliburton-trong-cong-tac-ho-tro-ky-thuat_2.jpg

Phần mềm của Landmark Graphics là công cụ hữu hiệu để các nhà thầu minh giải,
nghiên cứu các bể trầm tích với mục đích tìm kiếm dầu khí.

Cuối năm 1999, đại diện Landmark tại Kuala Lumpur (ông Kamarudin), thông qua Ban điều hành dự án Đan Mạch-Việt Nam, nắm được tình hình sử dụng phần mềm của hãng, khả năng nhân lực dự án, đã sang Viện Dầu khí gặp gỡ lãnh đạo Viện (khi đó TS Trần Ngọc Toản là Viện trưởng) và đặt vấn đề mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, đề nghị hợp tác với Viện, cụ thể là Viện giúp Landmark thuê văn phòng tại TP. HCM và cung cấp nhân lực ở vị trí Hỗ trợ kỹ thuật và Tư vấn (Technical Support, Consultan). Qua phỏng vấn, Landmark đề nghị 4 người: anh Giang, Tùng, Sơn, Nam (sau này có thêm anh Long, An, Đức, Cảnh, Nghị). Nhóm kỹ thuật này sẽ 2 người một tốp, trong 2 tháng, lần lượt thay nhau làm việc tại TP. HCM, Landmark sẽ trả lương thông qua Viện.

Sau thỏa thuận này, Landmark đã mở văn phòng tại TP. HCM, thuê một phòng của Chi nhánh Viện Dầu khí ở G1, Cư xá Thanh Đa, Bình Thạnh. Cán bộ hành chính có chị Hồng Sơn (cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế HCM). Điều hành văn phòng là Đại diện Landmark tại Việt Nam, ông Macko, thường xuyên ở Kuala Lumpur, hàng tháng sang văn phòng HCM một đến hai lần. Tốp cán bộ kỹ thuật đầu tiên có anh Tùng, Giang. Nhiệm vụ của nhóm kỹ thuật: hàng ngày nếu có điện thoại hoặc email từ khách hàng (các nhà thầu đang sử dụng Landmark tại TP. HCM và Hà Nội) về vấn đề kỹ thuật thì giải quyết, nếu không giải quyết được ngay thì tới văn phòng của họ để xem xét và tìm giải pháp kỹ thuật (tự tìm hiểu, xin trợ giúp từ Kuala Lumpur, Perth, Huston); Hàng tuần tới thăm khách hàng một lần, có vấn đề gì thì đưa ra giải pháp tại chỗ. Ngoài ra cứ hai tuần thì viết báo cáo gửi cho văn phòng khu vực tại Kuala Lumpur. Chúng tôi nhớ khách hàng người Việt khi đó là: anh Thập, Đang, Trì, Bình (BP Amoco); anh Long, Châu, Quang, chị Hằng, Hương (Petronas); anh Hùng, Cương, Luyện, chị Thu, Nguyệt (Unocal); anh Cảnh (Conoco Phillips); anh Ngoạn, Phong, Trường (VSP); anh Nghĩa (Côn Sơn JOC); anh Phương (JVPC), vv. Ngoài ra còn có các nhà địa chất, địa vật lý người Mỹ, Úc, Đức, Canada, Anh, Malaysia làm việc cho các nhà thầu.

Sau thời gian khoảng một năm ở Thanh Đa, văn phòng chuyển ra Saigon Center ở 64 Lê Lợi và tiếp đó lại chuyển sang Saigon Trade Center 37 Tôn Đức Thắng, Quận 1. Anh em kỹ thuật của Việt Nam đã rất nỗ lực (nâng cao trình độ Tiếng Anh, kiến thức chuyên môn, sử dụng phần mềm, vv), thực hiện tốt công việc của mình (chỉ có một lần duy nhất không giải quyết được lỗi kỹ thuật và chuyên gia từ Kuala Lumpur phải sang TP. HCM năm 2000), được khách hàng và Landmark đánh giá cao. Anh Tùng, Giang, Đức, Nam từng được Landmark cử đi trợ giảng hoặc làm giảng viên chính cho các lớp ngắn hạn do hãng tổ chức cho khách hàng ở VIệt Nam (học viên của các nước thành viên CCOP), Ấn Độ, Thái Lan (khách hàng là các nhà địa chất/địa vật lý của nhà thầu dầu khí). Các anh cũng đã thực hiện công việc chuyển đổi toàn bộ dữ liệu thô và kết quả minh giải của BP Amoco từ hệ thống GeoQuest sang Landmark.

Năm 2000, khi anh Nam sang Kuala Lumpur dự một lớp đào tạo ngắn hạn đã xử lý và nạp thành công dữ liệu địa chấn 2D một trường hợp khó mà ngay cả chuyên gia của Lanmark tại Malaixia cũng không giải quyết được, được Landmark cũng như nhà thầu đánh giá cao. Ngoài ra chúng tôi cũng nhớ một kỷ niệm rất vui là đã hỗ trợ kỹ thuật cho TS Nguyễn Huy Ngọc, chuyên gia địa chấn của Petronas sử dụng phần mềm minh giải địa chấn. Anh Ngọc đã minh giải tầng Mioxen khu vực Ruby ở miền thời gian, sau đó chuyển đổi sang miền độ sâu và khi Petronas khoan thì chỉ chênh với vị trí mà anh dự đoán khoảng 2m.

Sau 2005, lúc này Landmark đã đứng vững ở thị trường Việt Nam, họ trực tiếp thuê chuyên gia kỹ thuật. Anh em kỹ thuật của Viện trở về công tác tại Viện (anh Tùng, Sơn, An), hoặc trực tiếp làm cho họ (anh Giang, Nghị, Nam), hoặc làm cho nhà thầu khác (anh Cảnh). Các khách hàng (làm việc cho nhà thầu) mà Lanndmark khi đó từng hỗ trợ kỹ thuật cũng chuyển các đơn vị khác và có vị trí cao hơn (lãnh đạo của PVN, PVEP, vv). Anh em kỹ thuật phía Việt Nam làm cho Landmark cũng trưởng thành (hiện nay anh Tùng là Giám đốc Trung Tâm Tìm kiếm Thăm dò & Khai thác, Viện Dầu Khí; anh Long: Phó Trưởng Ban TKTD, anh Đức: Trưởng phòng Trữ lượng, Ban TKTD, PVN; anh Cảnh: kỹ sư chính Chevron; anh Giang, Nghị: kỹ sư chính Petronas; anh Nam: chuyên gia cấp khu vực của Halliburton; anh An: Phó Trưởng ban Công nghệ Mỏ PVEP, vv).

Mỗi khi có dịp gặp nhau, chúng tôi, các khách hàng/người sử dụng phần mềm Landmark cũng như người hỗ trợ kỹ thuật & người của Halliburton/Landmark cùng vui vẻ nhớ lại một thời đã làm việc, cộng tác, hỗ trợ cùng nhau, góp phần vào sự nghiệp tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài.

Sơn Hùng (Viện Dầu khí)​
 

Việc làm nổi bật

Top