Khí đốt - những kỷ niệm ngày đầu đáng nhớ (Kỳ 2)

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Sản phẩm thứ hai có tên giao dịch quốc tế là LPG, chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Liquid Petrolium Gas. LPG là loại khí đã được hóa lỏng tách lọc ra từ nguồn khí ẩm, thành phần hóa học gồm C3H8 (Propan) và C4H10 (Butan) hai thành phần này được trộn lẫn với nhau theo một tỷ lệ thích hợp, sẽ cho ra một loại nhiên liệu mà chúng ta quen gọi tắt là Gas.

Gas được chế biến thành nhiều loại để đáp ứng cho những mục đích sử dụng khác nhau, trong y tế và một số công việc đặc biệt khác phải cần loại gas cho ra nhiệt lượng cao thì tỷ lệ Propan phải đạt 70-90%, còn trong dân dụng tỷ lệ hai thành phần này khoảng 50-50% là hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay cũng có những nhà máy chiết nạp gas đang tung ra thị trường loại gas dân dụng có nhiệt lượng cao theo yêu cầu của một số khách hàng, tỷ lệ propan 60-70%, tất nhiên giá thành sẽ cao hơn loại gas dân dụng thông thường. Gas bay hơi rất nhanh và rất dễ bắt lửa cho nên phải tàng trữ, bảo quản trong bình sắt kín, chịu được áp suất lớn, sau đó thì vận chuyển được bằng nhiều kiểu phương tiện.

Đây là loại sản phẩm sử dụng đa dạng nhất, nó không kén chọn đối tượng hiện đại hay thô sơ khi dùng nó, nếu hiện đại thì nó hóa lại thành hơi để luồn vào buồng đốt của turbine, còn nếu là thô sơ thì nhiều hình, nhiều vẻ lắm từ các dạng bếp gas để ở góc bếp và dạng lôi đi du lịch, cho tới dạng hóa thân thành một vật dụng nhỏ nhất là chiếc bật lửa lúc nào cũng kè kè trong túi áo của người nghiện thuốc.

Condensat là một loại dung dịch được tách lọc ra từ khí tự nhiên, tính chất bay hơi của nó kém hơn nhiều so với LPG, người ta có thể mở nắp thùng chứa và múc ra được. Sản phẩm này được sử dụng vào nhiều mục đích, nhưng trước mắt để giảm giá thành, người ta chỉ chế biến đơn giản bằng cách trộn thêm một số ít hóa chất cần thiết, để cho ra xăng thương phẩm A83 và đưa đi tham gia thị trường xăng dầu trong nước. Trên đây là ba loại sản phẩm chính cơ bản nhất ngõ hầu sẽ giải đáp phần nào cho bạn đọc bài toán kinh tế của chuyên ngành khí đốt.

khi-do-t-nhu-ng-ky-nie-m-nga-y-da-u-da-ng-nho-ky-2.jpg

Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng thì xuất hiện một dự án gửi đến Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Dầu khí xin được liên doanh để phân chia lợi nhuận của Tập đoàn Dầu khí Enron (Mỹ). Lúc đó có đa số ý kiến ủng hộ Enron liên doanh xây dựng Nhà máy Xử lý khí và Cụm Kho cảng Thị Vải không tách ra với lý do ta chưa đủ trình độ để quản lý EPC. Ý kiến không thống nhất trong Ban cán sự Đảng của tổng công ty được báo cáo lên Ban Bí thư (lúc đó đồng chí Lê Khả Phiêu là Trưởng ban) và một mặt lên đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười qua nhiều kênh, đường chính thống của Ban Cán sự Đảng tổng công ty và qua ông Phan Tử Quang, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Dầu khí (với sự hỗ trợ của ông Nguyễn Quang Hạp, Giám đốc Công ty Khí đốt). Ý kiến cuối cùng của Tổng bí thư và thông qua Ban Bí thư xuống tổng công ty là: “Gửi Tổng Công ty Dầu khí! Không liên doanh. Ta tự làm. Nếu thiếu tiền Nhà nước cho vay! Ký tên: Đỗ Mười”. Rất ngắn gọn, đầy uy lực và giao lại cho ông Phan Tử Quang mang về Tổng Công ty Dầu khí. Ngay lập tức Tổng bí thư gọi điện thoại cho ông Ngô Xuân Lộc, Phó thủ tướng phụ trách xây dựng cơ bản, chỉ đạo cụ thể việc triển khai quan điểm của mình. Mấy hôm sau, Phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc triệu tập cuộc họp bàn về vấn đề này với lãnh đạo Hội đồng Quản trị và lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí. Cuộc họp đã kết luận theo ý kiến chỉ đạo gắt gao, quyết liệt của Tổng bí thư: Không liên doanh Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố. Ta tự xây dựng, tự điều hành.

Dầu khí là một ngành kinh tế chiến lược, mỗi quyết định được ban hành nó đều hàm chứa một ý nghĩa kinh tế lâu dài, có ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế quốc dân của hôm nay và của cả mai sau. Thực ra liên doanh với nước ngoài là mô hình đã được vận dụng rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, sự tác động qua lại, bù đắp cho nhau trong sự vận động chung đã tạo hiệu quả kinh tế cao ở rất nhiều doanh nghiệp trong ngành Dầu khí. Có rất nhiều liên doanh với đối tác nước ngoài đã và đang hoạt động rất hiệu quả, lợi nhuận hàng năm thu về rất cao cho cả hai phía, nhiều mô hình liên doanh điều hành chung (JOC), mô hình liên doanh phân chia sản phẩm (PSC) ở trong ngành đang là những ví dụ sinh động, mà bức tranh rõ nét và mẫu mực nhất là Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro.

Tuy nhiên, chọn giải pháp liên doanh chỉ khi nước chủ nhà đang có sẵn tiềm năng nhưng không khơi dậy được, họ phải thúc thủ trong tình trạng bất khả thi, cái họ cần ở đối tác nước ngoài là tiền vốn đầu tư và tri thức khoa học, kỹ thuật. Chỉ có một trong hai yếu tố mang tính quyết định này khống chế mới đẩy họ vào thế phải liên doanh. Xét cụ thể trong trường hợp Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố giai đoạn năm 1998, trước mắt tiền vốn đầu tư tuy còn thiếu nhưng chủ đầu tư chưa huy động hết nguồn nội lực trong nước.

Bên cạnh đó lực lượng quản lý, vận hành đã được gửi ra nước ngoài đào tạo, sẵn sàng chiếm lĩnh mọi vị trí của nhà máy để sản xuất. Ai cũng biết rằng để đưa được nguồn khí vào địa điểm xây dựng nhà máy, trước đó bao nhiêu người đã phải lặn lội vất vả từ khâu tìm nguồn khí, khảo sát địa hình, lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật, thuê thiết kế và đã đầu tư rất tốn kém để thi công các công trình đầu nguồn thu gom và dẫn khí từ mỏ Bạch Hổ vào bờ. Trong khi đó, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro và Công ty Khí đốt cũng đã đầu tư 152 triệu USD xây dựng giàn nén khí ở mỏ Bạch Hổ để tăng công suất đầu vào cho nhà máy. Tức là giai đoạn gian nan và cực nhọc nhất ta đã vượt qua, những công trình khó khăn và tốn kém nhất của đầu vào đã được đầu tư. Coi như mâm cỗ đã dọn xong chỉ cần có người ngồi vào là thành tiệc. Như vậy có cần thiết phải liên doanh?

Liên doanh Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố với nước ngoài, nghĩa là ta đã tự tước bỏ đặc quyền điều hành của nước chủ nhà, ngoài số lợi nhuận trên 100 triệu USD hàng năm đã chia đôi, còn phải chi lương khoảng trên 40 ngàn USD mỗi năm cho một thành viên của đối tác và phải nhân với n lần số người họ điều đến làm việc, thì đây là một lượng ngoại tệ mất đi không hề nhỏ. Cay đắng hơn, ta phải cắn răng chia đôi chiếc bánh ta đã làm xong sắp dọn lên bàn, đau lòng hơn ta lại phải đưa tay mời mọc họ lịch sự và lại còn phải chúc cho đối tác ăn ngon miệng.

Phạm Văn Đoan
Nguồn:Năng lượng Mới số 532​
 

Việc làm nổi bật

Top