Khí đốt - những kỷ niệm ngày đầu đáng nhớ (Kỳ cuối)

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Xin được nói thêm rằng, chỉ có hơn một năm, sau khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động, chúng ta đã thu hồi cho Nhà nước đủ số tiền ngân sách đầu tư, nhà máy vận hành vẫn tốt, vẫn cho ra những sản phẩm có chất lượng cao, vẫn đảm bảo sản lượng đúng yêu cầu thiết kế, đặc biệt người Việt Nam vẫn giữ được quyền làm chủ trong việc điều hành nhà máy.

Và cũng chỉ vài tháng sau khi xin liên doanh không thành, Tập đoàn Dầu khí Enron không còn đủ năng lực tài chính để hoạt động, họ đã phải tuyên bố phá sản. Nếu liên doanh thì bây giờ hậu quả sẽ ra sao?

Qua đây một bài học được rút ra từ cơ chế tập thể lãnh đạo ở cấp vĩ mô là: Ở đâu và bao giờ trí tuệ của tập thể vẫn là sáng suốt, sức mạnh của tập thể vẫn là vĩ đại nhưng cũng nhiều trường hợp cụ thể buộc ta phải linh hoạt hiểu cho đúng bản chất khách quan của vấn đề, tập thể không phải lúc nào cũng duy nhất đúng, duy nhất sáng suốt. Ví như khi đem cộng một trăm cái đầu lại cũng không thể bằng hai phần ba bộ óc của Einstein. Sinh thời Lênin đã dạy: “Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân lao động, nhưng lịch sử không phủ nhận vai trò của cá nhân trong sự nghiệp cách mạng ấy”. Ngẫm trong trường hợp của lộ trình dự án liên doanh này thì đúng là một bằng chứng đã làm sáng tỏ ý tiền nhân. Nếu không có một ý chí sắt đá, một thái độ kiên quyết, một hành động dứt khoát của vai trò cá nhân trước một tập thể như đã nói thì bây giờ đã khác. Chắc chắn liên doanh ấy sẽ được thực hiện, lợi ích quốc gia sẽ bị xâm hại đến lâu dài một cách xót xa.

Trở lại tìm hiểu về những loại sản phẩm khó tính này, những người chế ngự nó đã phải hiểu rằng, luôn luôn phải hiểu rằng: Với tính chất đặc biệt trong loại hình sản xuất, kinh doanh khí đốt, công tác phòng chống cháy nổ đã trở thành một yêu cầu vô cùng quan trọng, thường xuyên phải duy trì theo chế độ chặt chẽ, sít sao nhất định không thể buông thả một phút lơi lỏng để tránh tình trạng qua loa, chiếu lệ. Nếu không làm tốt quy tắc an toàn nghiêm ngặt này những hoạt động ở đây sẽ như người đi xe đạp trên dây, một lần, hai lần rồi nhiều lần đều có thể qua được, nhưng nó tiềm ẩn vô vàn những yếu tố rủi ro mà không hề có tấm lưới bảo hiểm để bảo toàn tính mạng. Một sơ suất rất nhỏ của ánh đèn flash máy ảnh, một sự chà sát mạnh của đế giày đinh sắt hay một que diêm, một chiếc bật lửa sơ ý bật lên không đúng chỗ, thậm chí chỉ cần một cú điện thoại di động gọi đến và người nhận sơ ý, hồn nhiên mở máy ra nghe ở trong vùng cấm của nhà máy xử lý khí, lập tức có ngay một vụ tiểu Bigbang đủ để biến “nương dâu thành bãi biển” và rồi, vùng hoạt động của nhà máy thành một vùng gì gì rùng rợn đến nỗi người ta không ai dám hình dung tiếp nữa. Tai họa có tình huống này đã từng xảy ra ở một chiếc tàu chở khí hóa lỏng LPG, tất nhiên không phải ở ta mà ở một nước cũng có chuyên ngành công nghiệp khí đốt như ta.

Chính vì vậy công tác phòng chống cháy nổ để đảm bảo an toàn lao động ở đây đã được coi là nhiệm vụ hàng đầu, được trang bị những phương tiện kỹ thuật hiện đại và thường xuyên được kiểm tra thực hiện, đôn đốc giám sát vô cùng nghiêm ngặt, những quy định mang tính nguyên tắc được áp dụng với bất kỳ ai, không kể họ làm gì, chỉ biết rằng khi đã bước chân vào nơi sản xuất khí, nơi chế biến khí, nơi sử dụng khí là phải tuân thủ nguyên tắc an toàn vô điều kiện, nhất định không có trường hợp ngoại lệ. Đấy là tấm lưới bảo hiểm an toàn nhất, chắc chắn nhất để đảm bảo cho tính mạng người lao động và tài sản của Nhà nước.

khi-do-t-nhu-ng-ky-nie-m-nga-y-da-u-da-ng-nho-tiep-theo-va-het.jpg

Với ba loại sản phẩm chính được sản xuất ra từ Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, trong đó có hai loại được coi là đặc biệt quan trọng, với khí khô chúng ta hãy hình dung vai trò của nó qua một sự kiện mà trong quý II/2006, các phương tiện thông tin đại chúng đã đồng loạt đưa tin: “Ngày 13-4 Công ty Liên doanh Dầu khí Việt Nhật (JVPC) đã tạm ngưng các hoạt động khai thác dầu tại mỏ Rạng Đông để bảo dưỡng giàn khoan khai thác ngoài khơi theo kế hoạch định trước. Dự kiến thời gian bảo dưỡng kéo dài 3 ngày. Việc khai thác và cung cấp khí đồng hành tại mỏ này cũng bị tạm ngưng cho đến khi hoạt động dầu khí tái lập vào ngày 16-4. Sản lượng khí đồng hành khai thác tại mỏ Rạng Đông là 2 triệu m3/ngày. Theo Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trong thời gian này hệ thống cung cấp điện sẽ thiếu hụt 8 triệu kWh/ngày do nguồn khí cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí bị thiếu”. Hoặc Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ tháng 5-2006 phải ngưng sản xuất 63 ngày để khắc phục sự cố, trong thời gian này Chính phủ đã phải khẩn trương cho nhập khẩu một lượng phân đạm tương ứng với sản lượng của nhà máy để đảm bảo sự bình ổn thị trường. Còn đối với khí hóa lỏng LPG nó lại có ý nghĩa xã hội đa dạng, thông dụng và linh hoạt theo những cách khác. Tỷ lệ LPG hằng năm được sử dụng làm nhiên liệu ở Việt Nam hiện nay trung bình có 70% phục vụ cho dân dụng và thương mại (trong bếp ăn gia đình, nhà hàng, khách sạn... ).

Nếu tính một tấn khí hóa lỏng LPG cho ra một nhiệt lượng tương đương nhiệt lượng của 5,5m3 gỗ, hằng năm chúng ta đã hạn chế được 650 nghìn m3 gỗ bị chặt hạ làm củi (70% của 170 nghìn tấn LPG đã nhập khẩu năm 1998). Chả ai tính chính xác cho một khối lượng gỗ khổng lồ ấy khi được thay thế bằng LPG nó đã cứu được bao nhiêu diện tích của rừng xanh tránh được hiểm họa bị tàn phá. Không những thế LPG còn là loại nhiên liệu sạch, trong khi sử dụng nó bị đốt cháy hoàn toàn, hạn chế đến mức tối thiểu những loại khí thải làm ô nhiễm môi trường và trong tương lai gần nó sẽ trở thành nhiên liệu chính cho động cơ ôtô, xe máy... Hiện nay các nhà khoa học trên thế giới đã coi LPG là loại nhiên liệu thông dụng, lý tưởng nhất. Với những lợi thế này, ngoài trách nhiệm của ngành Dầu khí, thiết nghĩ Nhà nước cũng cần phải có chính sách khuyến khích để tiêu thụ LPG ở trong nước, bằng cách tổ chức, đầu tư mạng lưới phân phối loại nhiên liệu này đến tận vùng sâu, vùng xa như Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc trước mắt để thay thế chất đốt củi truyền thống. Đồng thời phải cân đối, điều tiết giảm giá thành và cung cấp những dụng cụ sử dụng gọn nhẹ đơn giản nhất cho phù hợp với từng vùng, để trên khắp đất nước ta ở đâu nhân dân cũng được sử dụng loại nhiên liệu LPG do Việt Nam sản xuất.

Từ một nước thuần nông lại vừa thoát ra khỏi hai cuộc chiến tranh lâu dài nhất, tốn kém nhất trong lịch sử, cho đến hôm nay chúng ta đã có một ngành Dầu khí vững mạnh, đã được xếp hàng thứ ba trong những nước có dầu khí lớn ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt với tiềm năng rất dồi dào về khí đốt. Chúng ta rất tự hào và coi trọng nguồn tài nguyên này vì ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa xã hội của nó đã đem lại cho Tổ quốc, rất biết trân trọng những công sức, trí tuệ của mình đã làm ra nó, nhưng làm ra để rồi phải sùng bái nó, ỷ lại vào nó thì nhất định chúng ta không bao giờ nghĩ thế. Nhìn nhận về dầu khí nói chung và tiềm năng khí đốt nói riêng, chúng ta chỉ coi nó là một động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế đất nước, nó không thể thay thế mà phải đồng hành cùng các ngành công nghiệp mũi nhọn khác kể cả nông, lâm, ngư nghiệp nữa mới làm thay đổi được diện mạo nước nhà.

Phạm Văn Đoan
Nguồn:Năng lượng Mới số 533​
 

Việc làm nổi bật

Top