Khuyến nghị đáng chú ý từ hội thảo về nhựa đường của Petrolimex

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sử dụng nhựa đường có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáng tin cậy; Quy trình công nghệ sản xuất, bảo quản, vận chuyển hiện đại giúp đảm bảo duy trì chất lượng nhựa tại công trình... là những nội dung tại Hội thảo “Nhựa đường - sản xuất, chất lượng và ứng dụng” do Công ty Nhựa đường Petrolimex tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 17/4 vừa qua.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều cơ quan, doanh nghiệp như: Viện KHCN Giao thông vận tải, Đại học Bách khoa Đà Nẵng; Các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông, các nhà sản xuất và cung ứng nhựa đường trong và ngoài nước như: Shell Bitumen, Công ty Nhựa đường Petrolimex cùng các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của các ban quản lý dự án giao thông...

7-055611.jpg

Hội thảo đã nghe các báo cáo, trao đổi thông tin về quy trình sản xuất các sản phẩm nhựa đường; Đặc tính lý - hóa của các sản phẩm nhựa đường; Yếu tố tác động đến chất lượng nhựa đường; Các TCVN quy định về chất lượng nhựa đường; Giải pháp nâng cao chất lượng bê tông nhựa (BTN); Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường BTN trong quá trình khai thác... Từ đó, đưa giải pháp khuyến cáo về sử dụng nhựa đường trong thiết kế bê tông nhựa và kiểm soát các yếu tố gây hư hỏng bê tông nhựa đang xảy ra trong thực tế các công trình đường bộ của Việt Nam.

Nhà sản xuất uy tín lo ngại nhựa chất lượng tốt bị... lép vế

Là nhà sản xuất, cung ứng nhựa đường giữ thị phần lớn nhất hiện nay tại Việt Nam, đại diện Công ty Nhựa đường Petrolimex đã giới thiệu cấu trúc sản phẩm nhựa mác 60/70, các loại nhựa đường cải tiến khác của công ty; Các nhà máy hiện đại của Công ty Nhựa đường Petrolimex tại các khu vực trên cả nước, đặc biệt tại khu vực Đà Nẵng, Quy Nhơn; Quy trình kiểm soát chất lượng nhựa trong quá trình tồn chứa, sản xuất, giao hàng...

Nhựa đường Petrolimex là thương hiệu có uy tín, trung bình mỗi năm cung cấp trên 200 nghìn tấn nhựa cho các công trình giao thông trọng điểm trong nước và vươn ra các thị trường Lào, Campuchia, chiếm trên 30% thị phần tại thị trường Việt Nam. Theo ông Vũ Văn Chiến, Chủ tịch kiêm giám đốc công ty, để vươn lên trở thành nhà cung cấp nhựa đường hàng đầu Việt Nam, Công ty Nhựa đường Petrolimex hiện đã làm chủ về công nghệ sản xuất các sản phẩm mới, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe về làm đường cao tốc, cầu lớn và sân bay…

Đối tác chính của Công ty Nhựa đường Petrolimex là Shell Bitumen có nhà máy lọc dầu Shell Bulkom Refinery tại Singapore là nguồn cung cấp nhựa cho công ty từ Shell - Singapore vào Việt Nam.

Sản phẩm của Công ty Nhựa đường Petrolimex gồm có các loại nhựa đường 60/70; Nhựa đường lỏng phân tách nhanh RC và phân tách trung bình MC; Nhựa đường nhũ tương Polime, nhũ tương gốc Axit và nhũ tương Novabond/PME; Nhựa đường polime SBS, TPS để sản xuất bê tông nhựa rỗng và từ cao su tái chế.

Nhà máy của Công ty Nhựa đường Petrolimex tại Thọ Quang (Đà Nẵng) có hệ thống hoàn thiện, hiện đại gồm bể chứa trên 6.000 tấn; Dây chuyền COMBO của hãng Daworth - Mỹ sản xuất polime công suất 25 tấn/h và nhựa đường nhũ tương công suất 50 tấn/h; Hơn 25 xe bồn chuyên dụng, 10 xe nhũ tương cùng một phòng thí nghiệm hiện đại hoàn toàn đáp ứng được các dự án lớn tại khu vực.

Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ nhà máy lọc dầu của Shell-Singapore cùng với hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ từ khâu nhập đến khâu sản xuất và giao hàng tận trạm trộn là những yếu tố đảm bảo chất lượng hàng đầu của Nhựa đường Petrolimex. Toàn bộ sản phẩm nhựa của Nhựa đường Petrolimex cung cấp cho các công trình trọng điểm tại Việt Nam và các nước lân cận như: Cầu Nhật Tân, sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất, các đường cao tốc, sân bay Apatu (Lào)... là sự ghi nhận và khẳng định rõ ràng nhất cho thương hiệu "Nhựa đường Petrolimex".

“Song hiện nay, các sản phẩm trôi nổi không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng không đảm bảo, giá thấp đang bành trướng với khối lượng rất lớn ra thị trường hiện đang là mối lo ngại rất lớn với các nhà cung cấp có thương hiệu như chúng tôi...”, ông Chiến chia sẻ.

Quản lý tiêu chuẩn nhựa còn bất cập

Theo đại diện Phòng Thí nghiệm trọng điểm đường bộ II Đà Nẵng (Viện KHCN Giao thông vận tải), cách phân loại nhựa đang được áp dụng tại Việt Nam là phân loại theo độ kim lún, cho phép phân loại từ loại nhựa mềm nhất 200/300 đến cứng nhất 20/30, trong đó có nhựa 60/70 là loại nhựa đang được sử dụng phổ biến nhất.

Ưu điểm của cách phân loại theo độ kim lún là đơn giản, dễ áp dụng, giá thành thấp, phù hợp với điều kiện về con người và trang thiết bị ở Việt Nam hiện nay.

“Song, nhược điểm là chưa phân loại chính xác các loại nhựa đường khác nhau, chưa xem xét tới điều kiện môi trường cụ thể, lưu lượng giao thông, tốc độ của phương tiện tham gia giao thông. Các chỉ tiêu kiểm soát chất lượng nhựa đường hiện nay ở Việt Nam chỉ đáp ứng được ở một mức độ nhất định chứ chưa đáp ứng được hoàn toàn việc kiểm soát chất lượng BTN từ quá trình sản xuất đến quá trình thi công và khai thác”.

Việc hư hỏng mặt đường BTN hiện nay là vấn đề cấp bách mà các cơ quan quản lý cũng như các đơn vị trong ngành đang hết sức quan tâm. Bộ GTVT do đó đã ban hành nhiều quyết định, thông tư để tăng cường việc kiểm soát chất lượng mặt đường bê tông nhựa. Một trong số giải pháp hiện nay được cơ quan quản lý cho phép áp dụng là sử dụng phụ gia cải thiện chất lượng BTN.

Theo các chuyên gia, điều này cũng làm xuất hiện bất cập trong thiết kế hỗn hợp BTN, đó là ảnh hưởng của thành phần cấp phối, cấp phối càng thô thì khả năng kháng lún vệt bánh xe càng tốt, song nhưng độ bền mỏi của BTN khi đó lại giảm. Điều này gây khó khăn trong công tác kiểm soát chất lượng BTN vừa phải đảm bảo khả năng kháng HLVBX nhưng cũng cần đảm bảo độ bền mỏi của nó.

Chuyên gia Shell bitumen cảnh báo chất lượng nhựa trôi nổi tại thị trường Việt Nam

Theo ông Jayan - chuyên gia kỹ thuật cao cấp của Shell Bitumen, chất lượng của nhựa đường có nguồn gốc xuất xứ sản xuất tại nhà máy lọc dầu có chất lượng đảm bảo, khác hẳn với nhựa đường nhập về từ nhiều nguồn tới các tổng kho. Loại nhựa nhập về tổng kho này, tại đây người ta sử dụng công nghệ thổi khí để điều chỉnh các chỉ tiêu, đặc biệt là điều chỉnh độ hóa mềm, nhằm phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) được phân loại dựa theo độ kim lún.

“Chúng tôi khuyến cáo cải tiến tăng độ đàn hồi của nhựa đường bằng việc sử dụng thêm các phụ gia polime chứ không sử dụng công nghệ thổi khí để điều chỉnh chỉ tiêu hóa mềm phá vỡ liên kết carbon - carbon trong nhựa đường, do đó gây ra sự lão hóa của nhựa đường. Chúng tôi cũng khuyến nghị nên kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thật cẩn thận và nên nhập từ các hãng có uy tín. TCVN cũng yêu cầu tới 12 chỉ tiêu hóa - lý cho nhựa đường, do đó nếu chỉ quan tâm đến một chỉ tiêu hóa mềm trên 12 chỉ tiêu là rất bất cập và chất lượng nhựa không đảm bảo, tuổi thọ và độ bền của thảm mặt đường sẽ bị giảm xuống rất nhanh”.

Phương Anh - Báo Giao Thông​
 

Việc làm nổi bật

Top