Lãi khủng, doanh nghiệp xăng dầu phớt lờ Euro 4

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất xăng dầu dường như đang đứng ngoài cuộc chơi cung cấp nhiên liệu sạch để đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4.

Doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn

Báo cáo tài chính quý III vừa được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố cho thấy, tổng doanh thu thuần hợp nhất 9 tháng đầu năm của tập đoàn đạt 88.059 tỷ đồng, bằng 78% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 4.064 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch và bằng 160% so với cùng kỳ. Điểm đáng chú ý là lợi nhuận trước thuế đến từ kinh doanh xăng dầu của Petrolimex đạt 2.329 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh khác như hóa dầu, nhựa đường, hóa chất mang lại lợi nhuận 609 tỷ đồng. Lợi nhuận từ kinh doanh gas đạt 108 tỷ đồng. Còn mảng kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng cũng chỉ đạt lợi nhuận 131 tỷ đồng,

Tính chung 9 tháng, tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của tập đoàn này đạt 3.330 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu hợp nhất đạt 15,8%.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng có kết quả kinh doanh tốt trong 9 tháng đầu năm. Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), doanh thu hợp nhất của PVOil trong 9 tháng đạt 24.200 tỷ đồng, bằng 75,4% so với kế hoạch nhưng không vì thế lợi nhuận tụt giảm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong 9 tháng của PV Oil đạt 283 tỷ đồng, vượt 74,4% so với kế hoạch đề ra.

lai-khung-doanh-nghiep-xang-dau-phot-lo-euro-41479616816.jpg

Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), nơi đang quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo PVN, trong 9 tháng đầu năm, BSR đã đạt doanh thu 52.000 tỷ đồng, bằng 84% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của BSR vẫn đạt 960 tỷ đồng, vượt so với 618 tỷ đồng đặt ra trong kế hoạch.

Lãi lớn nhưng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu lại đang phớt lờ lộ trình cung cấp nhiên liệu sạch để thực hiện tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đang cận kề. Trước đó, tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành năm 2011, đã đưa ra lộ trình từ năm 2017, ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 (Euro 4). Tuy nhiên, hiện nay vẫn mới chỉ có các doanh nghiệp ô tô chuẩn bị cho việc áp dụng Euro 4, trong khi cả Bộ Công thương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu vẫn “bình chân như vại”.

Phớt lờ nhiên liệu sạch

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một doanh nghiệp sản xuất ô tô có số lượng xe bán ra đứng hàng top 5 trên thị trường cho hay, để chuẩn bị cho thời điểm ngày 1/1/2017, doanh nghiệp đã phải chuẩn bị ít nhất là nửa năm và tiến hành đặt hàng các động cơ theo tiêu chuẩn Euro 4 từ cách đây 3 tháng.

“Chỉ có doanh nghiệp ô tô làm mà không có nhiên liệu tương ứng để chạy thì chả có nghĩa gì về tiêu chuẩn Euro 4”, ông này nói và cho biết, đang xem xét hủy một số đơn hàng động cơ Euro 4 đã đặt dù phải chịu thiệt hại nhất định, bởi khi nhập về lắp cho ô tô mà không có nhiên liệu sạch thì sau này còn mệt nữa. “Cứ nói chính sách ổn định song thực tế klại hông triển khai như lộ trình đặt ra, làm doanh nghiệp cứ mệt mỏi chạy theo”, ông này nói.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Group cũng cho biết, đối với ô tô có động cơ tiêu chuẩn khí thải đạt Euro 4 thì nhiên liệu xăng cũng phải đạt chuẩn Euro 4. Nếu xe Euro 4 mà chạy xăng Euro 2 thì ô tô phải gắn thêm một số thiết bị lọc khiến chi phí sản xuất tăng.

Theo Bộ quy chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015, trên thị trường có thể tồn tại chín loại xăng không chì, được ghi rõ cho khách hàng lựa chọn, gồm RON90-II, RON92-II, RON95-II, RON92-III, RON95-III, RON98-III, RON92-IV, RON95-IV, RON98-IV (Các số II, III, IV thể hiện mức tiêu chuẩn nhiên liệu phù hợp với mức tiêu chuẩn khí thải). Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, không có bất cứ động thái nào từ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu cho thấy sẽ có nhiên liệu đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 cung cấp trên thị trường vào thời điểm 1/1/2017.

Nhận định về điều này, một chuyên gia xăng dầu cho hay, để có thể cung cấp nhiên liệu đạt chuẩn Euro 4 ra thị trường, các doanh nghiệp xăng dầu sẽ phải bỏ tiền đầu tư bồn bể, trụ bơm mới, bởi tiêu chuẩn của nhiên liệu Euro 4 khác hẳn với nhiên liệu Euro 2 đang được dùng đại trà hiện nay. “Việc cho phép tồn tại tới 9 loại xăng không chì như tiêu chuẩn hiện nay cũng sẽ tạo điều kiện gian lận thương mại và làm khó cho khách hàng trong quá trình sử dụng”, vị này thừa nhận.

Cạnh đó, việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang hoạt động và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (đang chuẩn bị hoạt động trong năm 2017), phải tới năm 2021 mới cho ra được nhiên liệu đạt tiêu chuẩn Euro 4, cũng khiến cho câu chuyện dùng nhiên liệu sạch trở nên phức tạp.

“Không có nhiên liệu Euro 4 thì có thể nhập khẩu, nhưng hai nhà máy lọc dầu với nguồn cung có thể đáp ứng tới 70% nhu cầu xăng dầu trong nước chưa cung cấp được nhiên liệu đạt chuẩn Euro 4 sẽ không phải là chuyện dễ xử lý”, vị chuyên gia xăng dầu nhận xét.

Thanh Hương - Báo Đầu tư​
 

Việc làm nổi bật

Top