Lọc Hóa dầu Bình Sơn tự chủ "thu-chi,” chuẩn bị IPO vào năm 2017

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ngày 3/9, Chính phủ chính thức ban hành Quyết định 1725/ QĐ-TTg về sửa đổi một số cơ chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Như vậy theo Quyết định mới, Hóa dầu Bình Sơn chính sẽ chính thức thực hiện cơ chế “không thu-không bù.” Cụ thể, Công ty sẽ được bãi bỏ thu điều tiết đối với các sản phẩm dầu, LPG, sản phẩm hoá dầu đồng thời bãi bỏ các mức giá trị ưu đãi cũng như bãi bỏ quy định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cấp bù phần chênh lệch giữa mức giá trị ưu đãi với mức thuế nhập khẩu cho Công ty Bình Sơn và được hạch toán vào lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, các sản phẩm xăng sản xuất, chế biến tiêu thụ trong nước (bao gồm cả tiêu dùng nội bộ) cũng sẽ dược bãi bỏ thu chi điều tiết, kể từ ngày 1/1/2017.

Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn, với quyết định này của Chính phủ, doanh nghiệp đang tiến dần với xu hướng thị trường.

Tự tin với cơ chế “không thu-không bù,” ông Nguyên chỉ ra những lợi thế cạnh tranh của Công ty so với các sản phẩm nhập khẩu trên thị trường. Như, sản phẩm sản xuất trong nước, nên chi phí vận chuyển bảo hiểm sẽ rẻ hơn. Thêm vào đó, đồng tiền thanh toán là VND nên dẫn đến lợi thế không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá đồng ngoại tệ. Các năm trước, tỷ giá tăng mạnh khiến các doanh nghiệp nhập khẩu lỗ khá nặng.

Ngoài ra, ông Nguyên cho biết, các doanh nghiệp phân phối mua hàng nội địa sẽ có lợi thế về thời hạn đóng thuế. Bởi mua trong nước, doanh nghiệp sau 30 ngày sau mới phải nộp thuế, còn nếu mua hàng nhập khẩu thì phải đóng thuế xong mới được nhập hàng. Chưa kể đến là doanh nghiệp phân phối sẽ giảm được chi phí giá hàng tồn kho. Cụ thể, đối tác mua hàng trong nước thì được giao hàng ngay, nếu nhập khẩu sẽ phải cộng thời gian vận chuyển, trong khoảng thời gian đó giá hàng hóa biến động thì toàn bộ lô hàng bị ảnh hưởng.

nha_may_loc_dau_dung_quat.jpg

“Do đó khi chính sách ngang bằng với thị trường, chắc chắn các nhà phân phối sẽ quay lại mua hàng ở nhà máy lọc dầu, khi đó Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ bán được nhiều hơn, theo đó công suất vận hành máy sẽ chạy đến mức tối ưu (110% công suất). Trong năm 2015, Công ty đã nộp ngân sách là 22.000 tỷ đồng và nếu vận hành 110% công suất, mỗi năm ngân sách có thể thu thêm là 2.200 tỷ đồng,” ông Nguyên tin tưởng.

Về kế hoạch phát triển, ông Nguyên cho hay, Công ty sẽ tiếp tục nâng cấp mở rộng, hiện đang triển khai thiết kế tổng thể dự án và dự kiến tháng 4/2017 sẽ hoàn thành. Theo kế hoạch đến năm 2021, Công ty sẽ hoàn thành dự án mở rộng với tổng đầu tư là 1,8 tỷ USD và công suất thiết kế nâng lên 30% đồng thời chế biến được nhiều loại dầu thô hơn.

“Việc nâng cấp mở rộng giải quyết được ba vấn đề: Đáp ứng tiêu chuẩn môi trường UR5 còn hiện nay đang là UR2. Chủ động được nguồn dầu, với thiết kế nhà máy chế biến được 75 loại dầu thô, Công ty chủ động được 80% dầu nội, còn khoảng 20% là dầu nhập ngoại. Hiệu quả kinh tế tốt hơn,” ông Nguyên nói.

Theo lộ trình cổ phần hóa, Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm 2017. Ông Nguyên cho biết, hiện Công ty đang tiến hành mời tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa để báo cáo Chính phủ./.

TTXVN​
 

Việc làm nổi bật

Top