"Lời hứa gió bay" của thành viên OPEC

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Dù lời cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC năm ngoái vẫn còn chưa "ráo mực" nhưng thực tế là một số thành viên của tổ chức này vẫn tăng mạnh sản lượng khai thác dầu. Điều này khiến giới phân tích cho rằng thị trường dầu mỏ thế giới sẽ rất khó đoán trong những tháng cuối năm...

Bằng chứng là sản lượng dầu mỏ của OPEC tiếp tục tăng trong tháng 6, Libya và Nigeria là hai nước tăng mạnh nhất. Ngay cả Saudi Arabia, Iraq... cũng cho biết sản lượng của họ cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái

Cụ thể, tổng sản lượng của OPEC đã tăng khoảng 393.500 thùng/ngày lên mức 32,6 triệu thùng/ngày vào tháng trước, theo đánh giá độc lập được OPEC trích dẫn trong báo cáo hàng tháng. Sự gia tăng này diễn ra bất chấp OPEC đã kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng 5.

OPEC và các nước xuất khẩu khác, trong đó có Nga, đã đồng ý cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng mỗi ngày so với mức sản lượng tháng 10/2016 cho tới quý I năm 2018. Việc cắt giảm này nhằm mục đích giảm trữ lượng tồn kho toàn cầu và tăng giá dầu.

ef2image2.jpg

Mặc dù sự gia tăng sản lượng tháng 6 của OPEC chỉ bằng một phần nhỏ của sản lượng toàn cầu, nhóm này đã gặp nhiều khó khăn trong việc giảm trữ lượng tồn kho tại các nước phát triển xuống mức trung bình 5 năm. Nỗ lực này đã đẩy giá dầu lên cao, dẫn đến sự gia tăng sản xuất nhanh hơn dự kiến ở Mỹ và các nơi khác.

Libya và Nigeria, hai thành viên của OPEC được miễn trừ khỏi thỏa thuận, một lần nữa dẫn đầu mức tăng sản lượng. OPEC cho họ quyền miễn trừ vì nguồn cung của hai quốc gian này đã bị gián đoạn bởi các cuộc xung đột nội bộ, nhưng được cho là đang cân nhắc giới hạn sản lượng khi họ đã khôi phục được phần lớn sản xuất.

Tuy nhiên, hai nhà sản xuất lớn nhất của OPEC, Saudi Arabia và Iraq, cũng như Angola cũng đã tăng sản lượng.

Đáng chú ý, Saudi Arabia thông báo nước này sản xuất thêm 190.000 thùng/ngày, đẩy tổng sản lượng lên 10.07 triệu thùng/ngày, cao hơn một chút so với giới hạn nó đồng ý vào tháng 11 năm ngoái. Mức tăng do nước này tự công bố nhiều gấp gần 4 lần so với đánh giá độc lập về sự thay đổi sản lượng của nước này.

Các nhà phân tích thường dựa vào các con số độc lập, nhưng dữ liệu tự báo cáo của Saudi Arabia được coi là đáng tin cậy nhất. Trong suốt 6 tháng đầu của thỏa thuận, nước này vẫn duy trì hoạt động sản xuất dưới mức hạn ngạch.

Dữ liệu về tải tàu chở dầu đã chỉ ra rằng xuất khẩu từ Saudi Arabia và các thành viên OPEC khác đã tăng trong tháng sáu. Sớm ngày thứ 4, một nguồn tin trong ngành của Saudi Arabia nói với Reuters rằng nước này sẽ cắt giảm xuất khẩu xuống mức thấp nhất trong năm nay để đáp ứng nhu cầu năng lượng mùa hè trong nước đồng thời tuân thủ các cam kết của mình trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Năm 2018, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ sẽ cao hơn một chút so với gia tăng sản lượng của các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC, nhóm này dự báo trong báo cáo. Điều đó sẽ làm nhu cầu về dầu mỏ do các nước OPEC sản xuất giảm nhẹ.

OPEC dự đoán tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ chậm lại trong năm tới. Đồng thời cho rằng, tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 1,26 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 97,6 triệu thùng/ngày vào năm 2018.

Trong khi đó, nó dự báo sản lượng của các nước không phải thành viên OPEC sẽ tăng 1,14 triệu thùng/ngày do gia tăng sản xuất tại Mỹ, Brazil, Canada và Nga.

Khi tính cả sản lượng khí hóa lỏng tự nhiên cao hơn từ OPEC, nhóm này cho biết thế giới sẽ cần khoảng 32,2 triệu thùng/ngày. Con số này thấp hơn năm 2017 là 100.000 thùng/ngày.

Cẩm Anh - Enternews.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top