Móc túi dân 3.500 tỷ, Bộ sửa sai giá xăng dầu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ít nhất hơn 3.500 tỷ đồng chênh lệch thuế xăng dầu chui vào túi DN. Sự bất hợp lý kéo dài cả năm qua khiến người tiêu dùng bị móc túi hàng ngàn tỷ đồng mới được Bộ Tài Chính sửa sai.

Biếu không DN 3.500 tỷ rồi sửa sai

Bộ Tài chính cho biết, năm 2015, số thuế (thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế TTĐB) thu từ xăng dầu nhập khẩu là 35.923 tỷ đồng, dựa trên mức thuế MFN.

Tính đến thời điểm này, số thuế hoàn theo chứng từ DN nộp bổ sung C/O mẫu D, nghĩa là áp dụng cho các lô hàng nhập từ ASEAN được hưởng thuế ưu đãi ATIGA là 3.502 tỷ đồng, chiếm 9,75% tổng số thuế đã nộp.

Có thể hiểu, mức hoàn thuế này là cho các mặt hàng dầu với chênh lệch thuế trong ASEAN là 5%, nhưng trong MFN là 10-15%.

Tuy nhiên, số liệu hoàn thuế nhập khẩu này chỉ là số liệu sơ bộ vì có thể thời gian tới, DN xăng dầu đã nộp thuế nhập khẩu MFN có thể tiếp tục nộp bổ sung hồ sơ C/O nên sẽ được hoàn trong các tháng tiếp theo.

20160319144231-gia-xang.jpg

Xăng dầu được hoàn thuế, nhưng giá bán vẫn tính theo thuế MFN rất cao. Vì thế, số tiền trên có thể được hiểu, lỗ hổng thuế xăng dầu như VietNamNet đã nêu trong năm qua DN đã được hưởng lợi 3.500 tỷ đồng. Tất nhiên, ở chiều ngược lại, người tiêu dùng cũng đã bị 'móc túi' số tiền đó.

Trong thông cáo gửi đi ngày 19/3, Bộ Tài chính thừa nhận sự bất hợp lý nếu tiếp tục điều hành giá xăng dầu trên cơ sở tính thuế nhập khẩu MFN cao hơn các mức thuế ưu đãi theo các thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Thông tư số 48/2016/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành 17/3 về việc giảm 3% thuế suất các mặt hàng dầu và xăng máy bay là để sửa sai bằng việc giảm bớt sự chênh lệch này, cũng đồng thời nhằm cứu nguy cho xăng dầu Dung Quất chịu thuế MFN.

Về cơ chế điều hành giá xăng dầu bất cập, gây ra lỗ hổng thiệt hàng tỷ đồng vừa qua khi tính thuế cao hơn thực tế thị trường nhập khẩu, Bộ Tài chính cũng nhìn nhận: "không còn phù hợp". Do vậy, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với phương án xác định mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu sẽ theo mức bình quân gia quyền của các Biểu thuế (MFN và FTA), tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu từ các nước ký Biểu thuế FTA được xác định theo quý. Liên Bộ sẽ áp dụng số liệu của quý trước để tính cho quý sau, do Tổng cục Hải quan tổng hợp, xác định qua hệ thống hải quan điện tử nhằm đảm bảo tính chính xác, tin cậy.

Theo cách này, giá xăng dầu tháng 3 này sẽ được tính trên cơ sở thuế nhập khẩu bình quân của các lô xăng dầu tiêu thụ trên thị trường 4 tháng trước đó. Trong đó, thuế xăng để tính giá bán lẻ xăng sẽ là tổng hợp giữa mức 20% MFN, ASEAN và mức 10% từ Hàn Quốc.

Thuế các mặt hàng dầu cũng tương tự như vậy, giữa mức 7% MFN và các mức 5% ở năm 2015 và 0% ở năm 2016 từ các nguồn ASEAN, Hàn Quốc.

Xóa bất cập thuế thời hội nhập

Theo bộ Tài chính, đến nay, Việt Nam đã ký kết 11 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) trong và ngoài khu vực. Theo cam kết này, các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xăng dầu đang trong lộ trình giảm dần và 2016-2020 là giai đoạn được giảm mạnh.

Tuy nhiên, do việc đàm phán ký kết của từng Hiệp định tại các thời điểm khác nhau nên các mức cam kết cắt giảm thuế cũng khác nhau và vào các thời điểm khác nhau nên việc chênh lệch thuế trên thị trường xăng dầu là tất yếu.Tại một số Hiệp định, mặt hàng xăng dầu thuộc danh mục “loại trừ”, tức là không có nghĩa vụ cắt giảm, như ASEAN + với các thị trường như Nhật Bản, Úc- New Zealand, Ấn Độ và Hiệp định Việ Nam- Nhật Bản, Việt Nam- Chi Lê .

Ngược lại, ở một số Hiệp định khác như Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN, Việt Nam- Hàn Quốc và ASEAN - Trung Quốc, xăng dầu đã được cắt giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với thuế MFN hiện hành. Trong đó, thuế từ ASEAN là giảm mạnh nhất.

Ví dụ, xăng thuế MFN là 20% thì trong ASEAN và ASEAN - Trung Quốcc, mức trần là 20% nhưng từ thị trường Hàn Quốc là 10%.

Mặt hàng dầu diesel thuế MFN (trước ngày 18/3) là 10% thì trong ASEAN là 0%, từ Hàn Quốc là 5% và từ ASEAN- Trung Quốc là 8%.

Mặt hàng dầu madut thuế MFN của ta là 10% (trước 18/3) thì thuế trong ASEAN, Hàn Quốc là 0%, từ ASEAN- Trung Quốc chỉ có 5%.

Dầu hoả cũng chênh lệch tương tự khi thuế MFN trước 18/3 là 13%, thuê trong ASEAN là 0% nhưng thuế từ Hàn Quốc lại là 5%, từ ASEAN- Trung Quốc là 10%. Nhiên liệu bay, thuế MFN là 10% thì trong ASEAN, thuế 0%, từ Hàn Quốc thuế 5% và từ ASEAN- Trung Quốc là 15%.

Từ 18/3, các mặt hàng dầu này đã đồng loạt hạ xuống mức thuế 7% nhưng vẫn là mức cao hơn các mức thuế ưu đãi theo FTAs trên.

Trong đó, riêng mặt hàng xăng vẫn giữ nguyên mức 20%, vì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Biểu Atiga là 20%, chỉ có mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Biểu Việt Nam-Hàn Quốc là 10%, nhưng là mức mới được quy định. Thực tế xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc chưa nhiều và chưa có thông tin về chứng nhận xuất xứ C/O đối với loại hàng hoá nhập khẩu này.

Bộ Tài chính cho hay, do lý do này nên hiện nay, không phải tất cả xăng dầu nhập khẩu đều được nhập khẩu từ các nước có ký các FTA với thuế thấp như ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ngay cả hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường này cũng không phải tất cả đều được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Do đó, việc áp dụng phương thức tính thuế gia quyền bình quân như trên là phù hợp thực tế và đảm bảo quyền lợi: người tiêu dùng - DN - nhà nước.

Theo: Vietnamnet.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top