Nga tư nhân hoá Tập đoàn Rosneft, giảm sức ép cấm vận

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Mục đích chủ trương tư nhân hóa một số doanh nghiệp lớn, giúp nước Nga khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế chưa hẳn đạt được từ thoả thuận Rosneft – Glencore...

Truyền thông quốc tế cho biết, Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Nga Rosneft đã đạt được thỏa thuận bán 19,5% cổ phần trị giá 10,5 tỷ euro (tương đương 11,3 tỷ USD) cho Tập đoàn khai thác mỏ Glencore (liên doanh giữa Anh và Thụy Sĩ), thông qua Quỹ chủ quyền Qatar.

thay-gi-tu-viec-nga-co-phan-hoa-tap-doan-rosneft_10109812.jpg

Ngày 7/12, Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin đã báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về thỏa thuận trên. Tổng thống Putin đánh giá cao thoả thuận và gọi việc bán cổ phần của Rosneft là một trong những giao dịch năng lượng lớn nhất của năm, xét trên quy mô toàn cầu. Theo Reuters, Rosneft hiện có giá trị thị trường khoảng 59,17 tỷ USD.

Rosneft và Glencore đã có mối quan hệ làm ăn lâu dài. Theo một hợp đồng ký kết thì từ năm 2013 đến năm 2018, Glencore tiêu thụ 45,9 triệu tấn dầu của Rosneft. Ngay sau khi thỏa thuận được công bố, cổ phiếu của Rosneft tăng 6,2% lên mức kỷ lục 378,15 rubles/cổ phiếu tại Moscow. Cổ phiếu của Glencore cũng tăng thêm 0,5%.

Từ đầu năm 2016, Tổng thống Putin đã chủ trương tư nhân hóa một số doanh nghiệp lớn, giúp nước này khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế. Vỉ vậy, Rosneft bán được 19,5% cổ phần cho Glencore và đặc biệt là tín hiệu khả quan từ vụ việc này đối với thị trường, có ý nghĩa rất lớn với kinh tế Nga và các chính sách sách điều hành của chính phủ Nga thời cấm vận.

Hiệu ứng tiêu cực từ cấm vận đã giảm dần

Lệnh trừng phạt của Washington và đồng minh đối với Moscow sau “sự kiện Crimea”, bằng việc cấm vận nước Nga đã gây ra hậu quả rất lớn với nền kinh tế Nga. Đồng tiền mất giá, kinh tế suy thoái, hoạt động giao thương đình trệ, từ dó khiến cho doanh nghiệp Nga gặp vô vàn khó khăn, trong đó có doanh nghiệp nhà nước Nga – được xem là cánh tay của chính phủ.

Tuy nhiên, nguy hại nhất không chỉ là các số liệu, chỉ số mà vấn đề là hiệu ứng tiêu cực từ rào cản cấm vận mới khiến nước Nga lao đao. Đó là lực hút từ nước Nga đối với giới đầu tư quốc tế giảm sút – thị trường Nga không còn hấp dẫn nhà đầu tư. Điều đó một phần là do phải tuân thủ lệnh cấm của Washington để tránh bị trừng phạt.

Phần khác là do các lợi ích tiềm năng từ nước Nga đã thu hẹp do chính phủ Nga, doanh nghiệp Nga phải lo chống đỡ với lệnh trừng phạt, từ đó “nâng sách lược hạ chiến lược” – lấy ngắn nuôi dài. Thực tế đó khiến giới đầu tư hướng về Nga để kiếm lợi ích ngắn hạn, vừa đảm bảo an toàn vốn trước sự vượt rào, vừa đảm bảo tý suất lợi nhuận cao vì ép được Nga trong cơn bĩ cực.

Tuy nhiên, khi "có nhiều nhà tư bản ở châu Âu nóng lòng muốn trở lại kinh doanh tại Nga, Moscow phát hiện ra cơ hội rất tốt này nên đã tung ra chính sách ngoại giao thông minh có thể phá vỡ sự thống nhất của EU trong việc cấm vận Nga", theo nhận định của ông Joerg Forbrig, Giám đốc cấp cao Quỹ Marshall của Mỹ tại Berlin.

Và đến nay thì chính sách ngoại giao thông minh đã có hiệu quả. Như vậy, việc Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Nga Rosneft đạt được thỏa thuận bán 19,5% cổ phần cho Tập đoàn khai thác mỏ Glencore không chỉ là thành công của một phi vụ kinh tế, mà nó là kết quả một chính sách kinh tế của Moscow thực hiện để “vượt cấm vận”.

Hiệu ứng tích cực từ kinh doanh dầu mỏ đã tăng mạnh

Cuộc khủng hoảng giá dầu thô đã khiến cho kinh tế thế giới thêm ảm đạm, khi khả năng phục hồi cuộc sau khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 còn rất yếu. Giá dầu thô giảm sâu và giảm liên tục khiến cho các nền kinh tế phụ thuộc nhiều ở xuất khẩu dầu thô rơi vào đình trệ. Kinh tế Nga là một nền kinh tế chịu thiệt hại rất lớn vì gọng kìm nguy hại giá dầu thô giảm.

Vì còn lao đao sau khủng hoảng toàn cầu nên dù giá dầu thô giảm nhưng các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô không thể cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu. Tuy nhiên, giá dầu thô giảm là cơ hội cho những thực thể kinh tế hưởng lợi nhờ giá dầu rẻ, nhưng chưa hẳn là hiệu ứng tốt cho đầu tư và kinh doanh liên quan đến dầu thô.

Bởi lẽ dầu thô giảm giá là một trong những nguyên nhân khiến cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ giảm giá. Song việc giá dầu thô giảm xuống dưới mức giá thành khai thác và chế biến thì đây lại là nguy cơ cho kinh tế toàn cầu chứ không chỉ là với các nước khai thác, xuất khầu dầu thô. WB hay IMF đều dựa trên hiệu ứng này để đưa ra dự báo cho kinh tế thế giới.

Trong khi đó, tại Nga thì tình hình còn tệ hại hơn nữa khi giá dầu thô giảm cộng hưởng với cấm vận của phương Tây hình thành nên hai gọng kìm nguy hại : cấm vận – giá dầu thô, bóp chặt lấy kinh tế Nga. Các doanh nghiệp Nga và các đối tác đều chịu thiệt hại lớn bởi hai gọng kìm nguy hại này.

Tuy nhiên, đầu tháng 12/2016 các nước xuất khẩu dầu thô – gồm cả OPEC và Nga – đã thống nhất được với nhau về việc cắt giảm sản lượng khai thác, xuất khẩu trong 6 tháng. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho kinh tế toàn cầu, nhất là với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô. Có thể xem đây là cơ sở quyết định thành công cho thoả thuận Glencore mua 19,5% cổ phần của Rosneft.

Thành công của tư nhân hoá Rosneft thực sự có lợi cho kinh tế Nga?

Tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước vốn là một chương trình kinh tế đau đớn nhất của nước Nga thời hậu xô viết. Chính quyền của cố Tổng thống Boris Eltsin đã từng thực hiện tư nhân hoá ồ ạt hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhà nước trên toàn bộ lãnh thổ nước Nga, trong toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga trong những năm 1990 của thế kỷ 20.

Kết quả là có tới gần 85% tài sản của nhà nước rơi vào tay các cá nhân, tổ chức chiếm chưa tới 5% dân số của nước Nga. Đặc biệt là việc định giá tài sản các doanh nghiệp nhà nước được tư nhân hoá dưới thời chính quyền Eltsin không qua cơ chế thẩm định giá nên hầu hết là bán rẻ như cho, như tặng. Tư nhân hoá là nguyên nhân khiến giới tài phiệt Nga phát triển nhanh chóng.

Tuy bối cảnh có khác nhau, song mục tiêu giữa việc tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước dưới thời chính quyền Tổng thống Eltsin những năm 1990 và dưới thời chính quyền Tổng thống Putin hiện nay, không có gì khác nhau. Đó là tìm kiếm nguồn lực cho chính phủ thực hiện những kế hoạch của mình, khi nền kinh tế đất nước gặp khó khăn.

Với cố Tổng thống Eltsin thì mục tiêu của chính phủ Nga đã không đạt được sau quá trình tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước, vì số tiền thu lại cho nhà nước sau chuyển đổi sở hữu không đáng là bao. Kinh tế nước Nga không có được bất cứ cú hích nào từ việc tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước, dù tải sản nhà nước thì mất đi, còn doanh nghiệp thì “sang tên đổi chủ”.

Với Tổng thống Putin thì mục tiêu của chính phủ Nga – tạm lấy kết quả của thoả thuận Rosneft – Glencore để xem xét – bước đầu đã đạt được. Người đứng đầu nhà nước Nga đã cho rằng thoả thuận Rosneft – Glencore là một trong những giao dịch năng lượng lớn nhất thế giới năm 2016.

Tuy nhiên, mục đích của chủ trương tư nhân hóa một số doanh nghiệp lớn, giúp nước Nga khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế như mong muốn của Tổng thống Putin thì chưa hẳn đã đạt được. Thoả thuận Rosneft – Glencore được giới chuyên môn nhận định là cơ hội để Glencore tái khẳng định là một nhà kinh doanh năng lượng lớn trên trường quốc tế, là một câu hỏi cho mục đích của chính phủ Nga có đạt được không khi tư nhân hoá.

Tại sao chính phủ Nga không chọn cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước – một chương trình kinh tế được xem là an toàn hơn cho nhà nước, khi thay đổi sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước? Để lý giải cho vấn đề, trong kỳ tới, người viết xin đi vào giới thiệu kinh nghiệm cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ở các quốc gia, từ đó so sánh với tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước ở Nga.

Ngọc Việt - Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top