Nhân sự cấp cao ngành dầu khí biến động theo giá dầu?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Liệu việc giá dầu lao dốc có phải là nguyên nhân chính khiến dàn nhân sự cấp cao ngành dầu khí năm 2015 cũng biến động theo?

nhan-su-dau-khi_102101_mcso.jpg

Biến động nhân sự ngành dầu khí gây ồn ào và ảnh hưởng lớn nhất trong năm qua phải kể đến việc cho thôi chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đối với ông Nguyễn Xuân Sơn hồi tháng 7/2015. Và chỉ sau đó vài ngày thì vị này bị khởi tố về hai tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" do trong thời gian là Tổng Giám đốc Oceanbank , ông Nguyễn Xuân Sơn đã đồng phạm với Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT Oceanbank lúc bấy giờ.

Thay vào đó, ông Nguyễn Quốc Khánh - Tổng Giám đốc PVN tạm thời kiêm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch HĐTV PVN và chính thức được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm vào đầu năm 2016. Ông đã có nhiều năm công tác tại PVN, giữ vai trò Phó Tổng từ tháng 7/2009 và Tổng giám đốc từ tháng 11/2014; từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Liên doanh Dầu khí Mê Kông, Công ty Chế biến và Kinh doanh Sản phẩm Dầu mỏ ( PDC ), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil).

Cũng trong vài ngày vừa qua, trong khi thế giới đang sôi sục với việc giá dầu có lúc rớt khỏi mốc 30 USD/thùng thì Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HOSE: PVD ) thông báo thay tướng. Điểm đặc biệt, tướng ở đây tuy “mới mà cũ” và sự thay đổi này do PVN (đơn vị nắm 50.46% vốn PVD) quyết định thay đổi người đại diện phần vốn tại đây. Ông Đỗ Văn Khạnh vốn là tướng cũ tại PVD, giữ chức Tổng giám đốc những năm 2001, nay được điều về với cương vị mới Chủ tịch HĐQT. Ông từng kênh qua các vị trí Trưởng đại diện của PVN II tại Đà Nẵng, Phó Giám đốc Công ty liên doanh khoan Odfjell, Giám đốc Xí nghiệp PTSC Offshore và Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).

Còn ông Đỗ Đức Chiến từ chức vụ Chủ tịch PVD chuyển xuống làm Phó kể từ đầu tháng 12/2015. Ngay sau quyết định này, ông Đỗ Đức Chiến đã quyết định bán gần hết số cổ phần đang nắm giữ tại PVD (hơn 60,000 cp, tương ứng 0.02%) với lý do được đưa ra là phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.

Được biết, PVD trong giai đoạn 2010-2014 đã có bước tăng trưởng đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận sau thuế từ mức 5,000 tỷ đồng đã tăng hơn gấp đôi lên hơn 11,000 tỷ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên dự kiến cả năm 2015 sẽ không còn đạt mức cao do ảnh hưởng của việc giảm giá dầu thế giới khiến giá cho thuê các giàn khoan giảm mạnh, đơn giá và khối lượng các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan và các dịch vụ khác cũng giảm theo. Giá cổ phiếu PVD cũng đã lao dốc từ mức gần 70,000 đồng/cp trong năm 2014 hiện đã xuống dưới 20,000 đồng/cp.

Trước đó, vào những ngày cuối năm 2015, Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM ) cũng bất ngờ công bố quyết định “tráo đổi” nhân sự Tổng giám đốc. Theo đó, Tổng giám đốc Cao Hoài Dương được PVN điều động về giữ cùng chức vụ này tại Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), còn Tổng giám đốc PV Oil - ông Đoàn Văn Nhuộm thay vào vị trí Tổng giám đốc DPM từ ngày 01/01/2016.

Được biết, tân Tổng giám đốc DPM cũng từng giữ các chức vụ cao tại PVS , PDC và trước khi đến với PV Oil (tháng 10/2014), ông Nhuộm là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại PGS từ năm 2006.

Như vậy, sau 5 năm gắn bó với DPM cùng kết quả kinh doanh nhiều thăng trầm theo giá biến động giá dầu, ông Cao Hoài Dương cũng đã ghi nhiều dấu ấn khi đề xuất mua lại Đạm Cà Mau, hay gần đây nhất là khởi động đầu tư dự án Amoniac - NH3 và NPK với tổng vốn 5,000 tỷ đồng. Dự kiến dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần lớn cải thiện kết quả kinh doanh của DPM trong thời gian tới.

Ngược với các đơn vị khác, đặc thù của DPM là mua sản phẩm khí để dùng cho sản xuất, vì thế việc giá dầu giảm là một lợi thế lớn đối với đơn vị này, tiết giảm được rất nhiều chi phí hơn so với thời điểm giá dầu cứ neo trên mức 100 USD/thùng.
dpm-chart-1_rfke.jpg.jpg

Kết quả kinh doanh DPM giai đoạn 2010-2015. Đvt: Tỷ đồng. Nguồn: VietstockFinance.
Gắn bó với Tổng công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS ) hơn 10 năm, nhưng cuối cùng Tổng giám đốc Đỗ Khang Ninh cũng đã nói lời chia tay doanh nghiệp này vào tháng 4/2015 để nhận nhiệm vụ mới. Tiếp tục chèo lái con thuyền GAS trong thời điểm giá dầu đi xuống là Chủ tịch Lê Như Linh và Tổng giám đốc Dương Mạnh Sơn. Trước khi được bổ nhiệm giữ đầu tàu GAS, ông Sơn đã là Phó Tổng giám đốc từ năm 2009.

Với ông Ninh, sau khi rời GAS, ông được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Chuẩn bị Đầu tư Dự án Đường ống dẫn khí và Nhà máy xử lý khí Lô B và hàm Phó Tổng giám đốc PVN kể từ tháng 4/2015.

Hiện PVN là cơ quan chủ quản của GAS với tỷ lệ sở hữu lên tới 96.7% vốn điều lệ. Ông Ninh chính là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên làm nền móng cho ngành công nghiệp khí Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của ông, lợi nhuận GAS từ mức 3,000 tỷ đồng đã lên mức 14,000 tỷ đồng trong năm 2014. Vốn chủ sở hữu cũng vọt lên 35,981 tỷ đồng, gấp gần 7 lần hồi 2006. Tuy nhiên, cũng như PVD, bắt đầu từ cuối năm 2014, dưới sự lao dốc của giá dầu, lợi nhuận của GAS đã có sự sụt giảm đáng kể tới 42% trong năm 2015.
gas-chart_whbu.jpg.jpg

Kết quả kinh doanh GAS giai đoạn 2006-2011. Đvt: Tỷ đồng. Nguồn: VietstockFinance.
Bên cạnh các ông lớn trong ngành dầu khí thay đổi nhân sự cấp cao thì các đơn vị khác cũng đồng loạt thay tướng dưới sự điều chuyển của PVN như tại PVB , PV Power, PVG , PVX , PXA , PGD … Phần lớn những nhân vật này đã ghi dấu ấn tại đơn vị mình công tác và việc thay đổi sẽ ít nhiều gây xáo trộn cũng như cần thời gian cho việc làm quen với cách điều hành mới, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu có nhiều biến động như hiện nay./.

Theo Vietstock​
 

Việc làm nổi bật

Top