Nhớ Người anh Cả khai sinh ra ngành khí Việt Nam

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Cuộc thi các bài viết và tác phẩm nhiếp ảnh “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành Dầu khí” do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với Báo Năng lượng Mới tổ chức trong năm 2016 đã thu hút sự chú ý và đông đảo tác giả trong và ngoài ngành tham gia. Ông Trần Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân phối Khí Thấp áp Dầu khí Việt Nam, người có thâm niên công tác lâu năm trong ngành công nghiệp Khí, đã dự thi với bài viết “Nhớ Người anh Cả khai sinh ra ngành khí Việt Nam” viết về vị Giám đốc đầu tiên của Công ty Khí đốt – tiền thân của Tổng công ty Khí Việt Nam, đơn vị tiên phong của ngành Công nghiệp Khí Việt Nam: ông Nguyễn Quang Hạp.

Xin giới thiệu bài dự thi nhiều cảm xúc này:

Tổng Công ty Khí Việt Nam đã trở thành một đơn vị hàng đầu của ngành công nghiệp khí, là một ngành công nghiệp lớn mạnh và là mũi nhọn kinh tế quan trọng cuả đất nước. Tổng Công ty Khí Việt Nam vinh dự được Đảng và nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hung Lao động” như ngày hôm nay, phải kể đến công lao của những người “tiên phong đi mở cõi”.

Nói đến Tổng Công ty Khí Việt Nam thì thế hệ Những người đi tìm Lửa trong suốt thập niên 90 cuối thế kỷ 20 cho đến thập kỷ 10 đầu tiên của thế kỷ 21, ai cũng biết đến công lao và tên tuổi của anh Nguyễn Quang Hạp, người Giám đốc đầu tiên của Công ty Khí đốt Việt Nam, tiền thân của Tổng Công ty Khí Việt Nam bây giờ. Tuy nhiên, có những việc làm và hành động của anh thì cũng không phải ai cũng biết. Có lẽ tôi là người may mắn được gần anh trong những tháng năm đầu gian khổ ấy. Tháng 9 năm 1990 Công ty Khí đốt Việt Nam được thành lập trên cơ sở nòng cốt là Ban Quản lý công trình Dầu khí. Anh Hạp, nguyên là Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch của Tổng Công ty Dầu khí Việt nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bây giờ), khi ấy được điều động từ Hà Nội vào Vũng Tàu làm Giám đốc Công ty. Anh là một người lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Anh luôn trăn trở làm thế nào để đưa được dòng khí, một nguồn tài nguyên quý giá đang hàng ngày phải đốt bỏ từ ngoài khơi mỏ Bạch Hổ vào bờ. Với đội ngũ cán bộ mỏng manh, chủ yếu chuyển nguyên trạng từ Ban Quản lý công trình Dầu khí với chức năng và chuyên môn chủ yếu là quản lý và xây dựng, được bổ sung thêm một số cán bộ kỹ thuật từ Viện Dầu khí vào, vì vậy hầu như không mấy người tin tưởng sẽ đưa được khí vào bờ.

Nền kinh tế Việt nam giai đoạn đầu những năm 90 còn vô vàn khó khăn, cộng thêm bối cảnh khi đó là sự sụp đổ của Liên bang Xô viết kéo theo sự sụp đổ của cả phe CNXH ở Đông Âu. Sự cấm vận của Mỹ vẫn bao trùm lên những khó khăn, làm sao để có được sự đột phá, làm sao nhập khẩu được những thiết bị và công nghệ cao cho ngành dầu khí. Thậm chí đã có những ý kiến bàn lùi là nên giao cho Vietsovpetro bán khí đồng hành cho các tàu công nghệ của Đức thu gom ngay ngoài khơi, vì trên thế giới, khí đồng hành khai thác trên bờ người ta cũng còn đốt bỏ, đưa khí đồng hành từ ngoài khơi vào bờ là ý tưởng viển vông!!! Câu hỏi đặt ra là tiền, công nghệ, hiệu quả…ở đâu ra và làm như thế nào? Với ý chí quyết tâm, anh Hạp đã từng bước chèo lái Công ty tháo gỡ khó khăn và trả lời các câu hỏi đó. Anh khẳng định: “Nếu bán khí cho nước ngoài bằng tàu thu gom chuyên dụng thì cần gì phải thành lập Công ty Khí đốt. Công ty Khí đốt là phải làm đường ống dẫn khí vào bờ, phải xây dựng nhà máy điện, nhà máy chế biến khí, nhà máy đạm, nhà máy hạt nhựa…đang rất cần nguồn năng lượng quý giá này. Bằng mọi giá Công ty Khí đốt phải xây dựng đường ống dẫn khí vào bờ, không chỉ một đường ống từ mỏ Bạch Hổ mà còn nhiều đường ống dẫn khí khác nữa, đường ống sẽ còn nối dài nhiều tuyến dưới đáy biển sâu để thu gom và đưa khí từ các mỏ khí khác vào bờ”.

Hợp đồng Fast Track (Thu gom khí sớm vào bờ) hợp tác tư vấn xây dựng đường ống dẫn khí với tập đoàn John Brown của Anh được ký kết mở ra một cánh cửa cho việc tiếp cận công nghệ hiện đại. Được sự hỗ trợ chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng chính phủ và Tổng Công ty Dầu khí Việt nam lúc bấy giờ, đến ngày 26 tháng 4 năm 1995 thì dòng khí đầu tiên đã được đưa vào bờ, ngọn đuốc đã bừng sáng cung cấp cho nhà máy nhiệt điện tại thị xã Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu). Sự kiện đáng nhớ này đã mở ra cho ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và ngành khí Việt Nam nói riêng một bức tranh mới xán lạn.Trang sử của ngành khí được viết tiếp bởi các thế hệ lãnh đạo tiếp theo, các đường ống dẫn khí các công trình khí, điện, đạm… hàng tỷ đô la Mỹ tiếp tục được đầu tư và khai thác có hiệu quả nâng tầm của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) ngày một lớn mạnh như ngày hôm nay.

17h6.jpg

Nhìn lại sự phát triển của PVGAS càng thấy cái tâm và cái tầm của người lãnh đạo như anh. Có thể kể thêm một số việc cụ thể như sau:

Đó là Công ty Khí đốt Việt nam có quyết định thành lập từ 9/1990 nhưng đến tháng 9 năm 1991, công tác bàn giao và tiếp quản từ Ban Quản lý công trình Dầu khí mới được hoàn tất. Trụ sở Công ty vẫn đặt tại toà nhà 95B Lê Lợi, Vũng Tàu cùng với nhiều đơn vị khác trong ngành Dầu khí. Công ty phải ngồi xen kẽ với các đơn vị khác trong cùng trong toà nhà. Khi đó Công ty Khí đốt có thể nhận một toà nhà mới đã xây dựng khang trang, riêng biệt ngay tại ngã tư Giếng Nước (Quốc lộ 51B - Vũng Tàu). Anh em trong Công ty muốn được ra toà nhà mới, nhưng anh Hạp đã nói với anh em: “Chúng ta cứ chịu khó ngồi ở đây! Sẽ đến ngày Công ty Khí đốt làm chủ toàn bộ toà nhà này. Công ty Khí đốt sẽ ngang hàng với Vietsovpetro và sau này còn có thể xây dựng văn phòng lớn hơn nữa! Tầm vóc ngành khí còn lớn hơn nữa!”. Và sau này, nhận định của anh đã trở thành hiện thực.

Đó là quyết định liên doanh với các tập đoàn dầu khí hàng đầu ở nước ngoài để kinh doanh khí hoá lỏng ngay từ những năm 1992-1993, để năm 1994 có Công ty Liên doanh Khí hóa lỏng Việt nam (VT-GAS) đầu tiên với Tập đoàn Dầu khí Total (Pháp) và Ủy ban Dầu khí Quốc gia Thái lan (PTT) đặt tại Cảng Đồng Nai. Ý tưởng này xuất phát từ quyết tâm táo bạo: khi đưa khí vào bờ thì phải có nhà máy hoá lỏng khí và có đơn vị kinh doanh sản phẩm khí hoá lỏng.

Đó là quyết tâm hợp tác cùng Tập đoàn Dầu khí BP (Britist Petroleum) của Anh để xây dựng đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, đưa khí từ mỏ Lan Tây, Lan Đỏ xa hàng trăm hải lý vào bờ, cung cấp nguồn năng lượng sạch cho các nhà máy nhiệt điện, giúp giải quyết tình trạng khan hiếm, thiếu hụt điện vào mùa khô cho các tỉnh phía Nam.

Còn phải kể đến hàng loạt những quyết sách chiến lược khác mà anh Nguyễn Quang Hạp quyết tâm đề ra cho ngành khí, như phải xây dựng chiến lược dài hạn, phải tìm nguồn khí dài hạn trên 50 năm, vì đầu tư cho một nhà máy sử dụng khí phải có vòng đời từ vài chục năm trở lên; rồi phải có nguồn khí thì các nhà đầu tư mới dám bỏ vốn đầu tư cho những khâu sau trong chuỗi giá trị khí.

Chỉ những ai thực sự cùng chung sức với ngành khí ở giai đoạn đó mới thấu hiểu những khó khăn vất vả của Công ty: vừa phải tập trung xử lý những vấn đề tồn đọng từ Ban Quản lý công trình Dầu khí, vừa phải sử dụng những lợi thế của đội ngũ cán bộ Ban Quản lý công trình Dầu khí; vừa vẫn phải đi làm thầu xây dựng, rau cháo nuôi nhau, lấy ngắn nuôi dài; vừa tập trung nguồn lực để làm sao cho sớm đưa được khí vào bờ...

Hôm nay PVGAS trở thành đơn vị Anh hùng của ngành Công nghiệp Khí, đơn vị hàng đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tìm hiểu về ngành khí nhớ tới Anh - Người anh Cả đặt nền móng xây dựng lên ngọn lửa của niềm tin, tạo ra nguồn năng lượng cho cuộc sống, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp và văn minh. Nhớ về Anh, tôi cảm thấy cần viết lên đôi dòng, dựa trên những gì được biết về Anh, được hưởng thành quả của Anh để lại.

Xin kính cẩn nghiêng mình ghi nhớ công lao của Anh Nguyễn Quang Hạp!

PVGAS​
 

Việc làm nổi bật

Top