Ông Đinh La Thăng - ‘Tư lệnh' của những dự án ngàn tỉ đắp chiếu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong thời gian là ‘‘tư lệnh’’ Tập đoàn dầu khí VN (PVN), ông Đinh La Thăng và Hội đồng thành viên PVN đã ban hành chủ trương, quyết định đầu tư nhiều dự án không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn tiền của Nhà nước.

Điển hình phải kể đến là việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất Polyester Xơ sợi Đình Vũ (Xơ sợ Đình Vũ), có địa chỉ tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng, do PVN hợp tác đầu tư với Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) từ năm 2007. Dự án có tổng mức đầu tư 324,8 triệu USD, tương đương khoảng hơn 5.400 tỉ đồng (tính theo tỷ giá năm 2008), sau đó bị đội vốn lên 363 triệu USD, tương đương 5.800 tỉ đồng. Trong đó, phương án tài chính là 30% từ chủ sở hữu, 70% là đi vay.

daidienthaison_gkzf.jpg

Nhà máy xơ sợi Đình Vũ rơi vào thua lỗ, đắp chiếu
Từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động, kể cả khi chạy thử cho đến sản xuất chính thức, đều liên tục thua lỗ. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 366 tỉ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỉ đồng. Tổng số lỗ trong 3 năm là 1.472 tỉ đồng. Từ cuối năm 2015, nhà máy này đã phải dừng hoạt động và ‘‘đắp chiếu’’ vì không chịu nổi lỗ. Cho đến nay, Xơ sợi Đình Vũ được xếp vào 1 trong 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn đang được Chính phủ tập trung chỉ đạo, giải quyết.

Từ cuối năm 2016, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hệ quả đắp chiếu của dự án Xơ sợi Đình Vũ chủ yếu cho hàng loạt sai lầm của PVN và Vinatex, là những đại diện chủ sở hữu.

Khi dầu khí đi làm xơ sợi

Theo Thanh tra Chính phủ, việc đầu tư xây dựng dự án Xơ sợi Đình Vũ là cú bắt tay của PVN và Vinatex, một pháp nhân đã được hai bên lập ra để quản lý dự án là Công ty CP hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex). Từ năm 2008, vốn điều lệ của PVTex là 160 tỉ đồng, trong đó PVN là cổ đông sáng lập góp vốn 39%. Mặc dù đã thỏa thuận góp vốn nhưng trên thực chất, Vinatex không có tiền, cũng không có năng lực tài chính, nên PVN đã hào phóng ôm lại toàn bộ cổ phần từ Vinatex và các cổ đông. Tính đến cuối năm 2014, toàn bộ 100% vốn góp tại PVTex là của PVN.
Theo Thanh tra Chính phủ, từ năm 2013, Thủ tướng đã yêu cầu PVN phải thoái vốn khỏi PVTex từ 56% xuống 36%. Tuy nhiên, PVN vẫn quyết định bằng các nghị quyết của Hội đồng quản trị tăng vốn tại PVTex là trái với chỉ đạo của Thủ tướng.

Chưa hết, theo quy định về quản lý và sử dụng vốn, việc chuyển nhượng phải lập phương án, có tính toán đến thời điểm, giá mua giá bán. Song, PVN và Vinatex thực hiện chuyển nhượng cổ phần không có phương án, thời điểm chuyển nhượng, PVTex hoạt động không hiệu quả, thua lỗ 1.472 tỉ đồng nhưng vẫn được PVN mua với mệnh giá ban đầu 10.000 đồng/cổ phần. Hậu quả, Vinatex là đơn vị chuyên ngành về xơ sợi đã “bỏ của chạy lấy người”, bỏ luôn các cam kết về tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ kinh nghiệm đầu tư xây dựng dự án. PVN phải lần mò tìm đầu ra sản phẩm, đồng thời phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng và khoản lỗ 1.472 tỉ đồng.

Phê duyệt đầu tư bằng... nghị quyết

Theo Thanh tra Chính phủ, do PVTex thiếu năng lực và kinh nghiệm, thiếu trách nhiệm nên đã dẫn đến việc lập hồ sơ mời thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả trúng thầu và ký kết hợp đồng không đúng với thực tế. Cụ thể, tiêu chuẩn xuất xứ của cụm thiết bị kéo sợi đã dừng sản xuất ở Đức từ năm 2006 và chuyển sang sản xuất tại Trung Quốc. Tương tự, hệ thống thiết bị máy chủ, máy trạm, máy in không đúng hàng của Singapore mà có xuất xứ từ Trung Quốc. Bộ phận khung sườn của thiết bị đóng bao theo tiêu chuẩn mua sắm là từ Đức nhưng thực tế lại sản xuất tại CH Séc từ năm 2003. Hậu quả là thiết bị nhập về không đúng tiêu chuẩn về nguồn gốc, xuất xứ so với hợp đồng đã ký kết, xảy ra tranh chấp và gây thiệt hại chưa tính toán hết. Ngoài ra, nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng đã bị trục trặc, hỏng hóc, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhà máy thử nghiệm kéo dài, sản phẩm không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ cao.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng dự án, hầu như khâu nào cũng có sai phạm. Trong việc lựa chọn gói thầu EPC, việc sơ tuyển nhà thầu được thực hiện trước khi dự án được phê duyệt và trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu, dẫn đến hồ sơ mời thầu không có cơ sở yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm đối với nhà thầu.

Theo quy định về đầu tư, khi phê duyệt tổng mức đầu tư, chủ đầu tư phải tổ chức thẩm định hoặc thuê các tổ chức khác thẩm định để đảm bảo các quy định về chi phí. Tuy nhiên, PVTex đã bỏ qua các khâu thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư dựa theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị PVN. Do đó, dẫn đến thiếu chi phí vốn lưu động trong thời gian chạy thử vì sản xuất không ổn định. Mặt khác, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí… trị giá khoảng 38,7 triệu USD dẫn đến dự án bị đội vốn lên hơn 363 triệu USD.

Khởi tố vụ án về hành vi cố ý làm trái

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng dự án Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (Xơ sợi Đình Vũ) và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

Hồi trung tuần tháng 6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định số 32/C46 khởi tố vụ án hình sự "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" (theo điều 165 bộ luật Hình sự) xảy ra tại PVTex và một số đơn vị liên quan, đồng thời khởi tố 5 bị can, gồm: Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTex; Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTex; Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTex; Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTex; Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC.KBC. Trong 5 bị can này, 4 người đã bị bắt, riêng bị can Vũ Đình Duy đã bỏ trốn trước thời điểm bị khởi tố.

Thái Sơn
thanhnien.vn
 

Việc làm nổi bật

Top