Ông Thăng đã bố trí ekip vào PVC?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong các bị can vừa bị khởi tố, nhiều người đã công tác ở Công ty Sông Đà, nơi ông Đinh La Thăng từng nắm chức chủ tịch hội đồng quản trị.

Cơ quan An ninh điều tra vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC.

1-ong-thang_kqvl_nybt.jpg

Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tiếp tục bị đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái. Ngoài ra, ông Trịnh Xuân Thanh còn bị đề nghị truy tố thêm về tội tham ô tài sản.

Êkíp PVC từng làm việc ở Công ty Sông Đà

Trong số 22 bị can bị đề nghị truy tố, rất nhiều người từng công tác ở Tổng Công ty Sông Đà, nơi ông Thăng đã từng làm việc 10 năm và giữ chức vụ cao nhất của tổng công ty này. Khi ông về làm chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) của PVN (đầu năm 2006), nhiều người có dây mơ rễ má ở Công ty Sông Đà được bổ nhiệm giữ các chức vụ chủ chốt của PVC.

Theo cơ quan điều tra, với ý định xây dựng PVC trở thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam, tháng 12/2007, ông Đinh La Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng Công ty Sông Hồng về làm tổng giám đốc (TGĐ), sau là chủ tịch HĐQT...

Sau khi đưa ông Thanh về nắm chức vụ lãnh đạo, ông Thăng tiếp tục đưa Vũ Đức Thuận từ Tổng Công ty Sông Đà về làm phó TGĐ, sau đó là ủy viên HĐQT kiêm TGĐ PVC.

Một người khác là ông Nguyễn Mạnh Tiến, trước khi về PVC giữ chức vụ phó TGĐ, ông này có thời gian dài công tác tại Tổng Công ty Sông Đà. Người cũng từng công tác tại Công ty Sông Đà là ông Phạm Tiến Đạt. Khi về công tác ở PVC đã được bổ nhiệm làm kế toán trưởng PVC và sau đó là thành viên ban kiểm soát PVC…

Với êkíp trên, ông Thăng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động như bố trí việc làm, tạo nguồn vốn, kể cả việc chấp thuận miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng đối với các công trình dự án được PVN chỉ định cho PVC thực hiện.

Đầu năm 2010, PVC lâm vào khó khăn về tài chính, ông Thăng ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép PVN “tiếp tục được giao nhiệm vụ cho PVC... thực hiện xây lắp các dự án do PVN/đơn vị thành viên làm chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu” nhằm bố trí công việc, tạo nguồn vốn cho PVC, đưa dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (sau gọi tắt là Thái Bình 2) vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề xuất Chính phủ ủy quyền cho HĐQT PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu.

Dù chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu nhưng tháng 6-2010, ông Thăng thay mặt HĐQT PVN ký nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.

Bơm tiền cho PVC không theo quy định

Theo cơ quan điều tra, qua giám định kết luận PVC không đảm bảo các yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực tài chính để thực hiện gói thầu EPC dự án. Việc lựa chọn PVC là nhà thầu EPC không tuân thủ Nghị định 85/2009 của Chính phủ về quy trình chỉ định thầu; việc ký kết hợp đồng giữa PVPower và PVC khi chưa hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu là trái quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cụ thể, tháng 3/2011, PVN và PVPower tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Thái Bình 2. Mặc dù chưa có các hạng mục công việc để thi công nhưng PVC đã ký công văn gửi PVPower đề nghị tạm ứng 72 triệu USD. Do không có vốn nên Chủ tịch PVPower Đỗ Chí Thanh đã ký công văn gửi PVN đề nghị cấp bổ sung vốn để có tiền tạm ứng cho PVC. Do thủ tục cấp vốn bổ sung cần nhiều thời gian, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo làm thủ tục để PVN thay PVPower làm chủ đầu tư dự án và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC. Ông Thăng sau đó đã ký quyết định thành lập ban quản lý dự án.

Sau khi lập, ban quản lý dự án nhiều lần đề nghị PVN cấp tiền để họ tạm ứng cho PVC và được chấp nhận. Khi gặp trục trặc trong việc đề nghị cấp tiền, ông Thăng liền chỉ đạo PVN đáp ứng…

Theo kết luận điều tra, từ tháng 4 đến tháng 7/2011, PVN đã chuyển cho ban quản lý dự án tổng cộng 72 triệu USD để nơi này tạm ứng cho PVC. Việc tạm ứng số tiền nói trên là trái quy định và không có cơ sở vì chưa xác định chính thức tổng mức đầu tư để xác định số tiền tạm ứng theo tỷ lệ.

Kết quả là PVC sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng sai mục đích, trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.

“Vì những động cơ khác nhau mà các bị can đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, thậm chí còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để rút chiếm đoạt tiền của Nhà nước, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, cần được xử lý nghiêm trước pháp luật” - kết luận điều tra nêu.

Theo Pháp Luật TPHCM
 

Việc làm nổi bật

Top