Poroshenko và Biden họp bàn cách chống “Dòng chảy phương Bắc 2”

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine P.Poroshenko đã gặp gỡ để thảo luận các biện pháp cản trở việc thực hiện dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Biden__Porosheko.jpg

“Trong trao đổi với phó tổng thống Joe Biden chúng tôi đã thống nhất rằng dự án khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án “sặc mùi chính trị” và chúng tôi cần phải tích cực hành động để ngăn chặn dự án này”- Poroshenko viết trên Twitter.

Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án xây dựng 2 nhánh đường ống dẫn khí đốt dưới đáy biển Baltic để vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức với công suất lên đến 55 tỷ mét khối khí đốt/năm.

Ngày 18/1 vừa qua, Giám đốc điều hành tập đoàn khí đốt Nga Gazprom - Aleksey Milner tuyên bố rằng, Gazprom vẫn liên tục gia tăng sản lượng khí đốt cung cấp ra nước ngoài. Chỉ tính từ ngày 1-16/1/2016, Gazprom đã nâng sản lượng cung cấp khí đốt ra nước ngoài thêm 29,4% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 7,75 tỷ mét khối.

Theo Milner, nhu cầu của châu Âu đối với khí đốt Nga ngày càng gia tăng nên dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” ngày càng có ý nghĩa quan trọng.

Cũng trong ngày 18/1, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Aleksey Uliukaev tuyên bố rằng châu Âu sẽ tự “bắn vào chân mình” nếu như hủy bỏ thực hiện dự án này vì dự án này được thực hiện trước hết là nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho chính châu Âu.

Được biết, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” của Nga đang gây ra những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ EU. Các quốc gia Đông Âu như Ba Lan và các nước vùng Baltic ra sức phản đối việc thực hiện dự án này vì coi dự án này sẽ phá vỡ an ninh năng lượng của châu Âu và khiến EU ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, theo giới phân tích quốc tế, sự phản đối này là do khi Nga thực hiện thành công dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, Nga sẽ không bị phụ thuộc vào vai trò của các nước trung gian, qua đó giảm đáng kể các chi phí không cần thiết.

Bản thân các nước Đông Âu, khi phản đối không có hiệu quả, đã lên tiếng yêu cầu Đức phải bố trí để đường ống của dự án này chạy qua lãnh thổ của mình nhằm kiếm tìm lợi nhuận từ dự án.

Trong khi đó, Đức kiên quyết cho rằng dự án này là dự án mang tính chất thương mại đơn thuần mà không có bất cứ yếu tố chính trị nào trong đó.

Cũng chính vì các lợi ích có được từ việc trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu (mỗi năm Ukraine thu được 2,2 tỷ USD từ việc trung chuyển) nên Ukraine vẫn là quốc gia kiên quyết phản đối khả năng Nga thúc đẩy thực hiện dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, khả năng Ukraine và Mỹ có thể thực hiện thành công các hoạt động cản trở dự án này là cực thấp vì bản thân Đức, quốc gia “đầu tàu” trong EU đang rất tích cực thúc đẩy việc thực hiện dự án này.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Quan điểm, một trong những tờ báo điện tử uy tín tại Nga.

Theo: Infonet.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top